Ngày 27/9/2014, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Hội thảo tham vấn “Đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực: thực tiễn triển khai thí điểm ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.
Hội thảo là một hoạt động trong chương trình công tác của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2011 – 2015.
Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu phương án đổi mới tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, báo cáo những kết quả của kì thi đánh giá năng lực năm 2014 của Đại học Quốc gia Hà Nội, những bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai, đồng thời đề xuất phương án tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian tới.
Hội thảo của Đại học Quốc gia Hà Nội sáng nay với nhiều các chuyên gia giáo dục tham dự. Ảnh Bùi Tuấn |
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận trọng tâm về các chủ đề “Kinh nghiệm quốc tế trong tuyển sinh đại học và sau đại học”; “Tuyển sinh đại học, sau đại học theo hướng đánh giá năng lực”; “Các điều kiện đảm bảo cho đổi mới tuyển sinh đại học và sau đại học”.
Ngoài ra, các đại biểu còn phân tích và đánh giá khả năng áp dụng kết quả bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung của Đại học Quốc gia Hà Nội cho xét tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh vào các cơ sở đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng khác.
Việc nghiên cứu khả năng thí điểm bài thi tổng hợp đánh giá năng lực chung của ĐHQGHN cho hai mục đích: xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển thí sinh vào học đại học, cao đẳng là thực hiện theo kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban đổi mới căn bản giáo dục đại học trong phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo, cũng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhân dịp Thủ tướng về dự Lễ khai giảng năm học 2014-2015 tại ĐHQGHN ngày 15/9/2014 vừa qua..
Vì sao các đại gia đua nhau mở trường trong khu đô thị?
(GDVN) - Trước đây, Bộ Xây dựng nhiều lần phê phán chủ đầu tư các khu đô thị chỉ vẽ trên giấy các cơ sở giáo dục đào tạo trong khu dự án, nhưng nay tình hình đã khác.
Tại Hội thảo, ĐHQGHN báo cáo những thành công bước đầu trong thực tiễn triển khai thi tuyển sinh theo đánh giá năng lực năm 2014 ở ĐHQGHN và tiếp tục nghiên cứu áp dụng phương án đổi mới tuyển sinh này trên bình diện rộng hơn.
Trong những tuần đầu tháng 9 năm 2014, ĐHQGHN đã tổ chức thí điểm thi tuyển chọn sinh viên vào học bậc đại học trong các chương trình tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao (sau khi đã trúng tuyển vào ĐHQGHN) bằng bài thi đánh giá năng lực và tuyển chọn học viên cao học với bài thi đánh giá năng lực thay cho môn cơ bản.
Các kì thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, không xảy ra lỗi phần mềm. Qua phân tích kết quả đánh giá năng lực và so sánh với kết quả kì thi ba chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy đề thi có chất lượng tốt. Bài thi đánh giá năng lực về cơ bản đã đánh giá đúng năng lực của người học và có mối tương quan thuận chiều với kết quả kì thi ba chung, những thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực cao cũng đồng thời là những thí sinh đã có kết quả thi ba chung cao.
Kết quả khảo sát ý kiến phản hồi của hơn 1000 thí sinh đã trực tiếp tham gia kỳ thi này về bài thi đánh giá năng lực ở bậc đại học cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến của cán bộ giảng viên và sinh viên cho rằng bài thi này đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký; cấu trúc và thời gian làm bài của toàn bộ bài thi là hợp lý.
Hơn 80% thí sinh dự thi có ý kiến cho rằng đề thi đánh giá đủ kiến thức cần thiết về mọi mặt của sinh viên, bám sát chương trình học, độ phủ kiến thức rộng trong suốt chương trình THPT. Điều này yêu cầu thí sinh phải học đồng đều và nắm được kiến thức các môn khác nhau. Ngoài ra 2/3 ý kiến trả lời hình thức thi trên máy tính tiện lợi, sử dụng đơn giản và đặc biệt khách quan, công bằng trong đánh giá.
Tương tự, kết quả khảo sát ý kiến của gần 550 thí sinh về bài thi tổng hợp tuyển sinh bậc sau đại học cũng cho thấy hơn 60% thí sinh cho rằng đề thi đánh giá đúng năng lực để học ngành đăng ký; cấu trúc của bài thi và thời gian thi hợp lý.
Các thí sinh đều nhận thấy kỳ thi chỉ một bài duy nhất, thi trong một buổi, gọn nhẹ, dễ triển khai, đơn giản, thiết thực, tiết kiệm, dễ được xã hội đồng tình, ủng hộ; Đề thi dạng trắc nghiệm khách quan gồm 140 câu hỏi (gồm kiến thức toán (định lượng), văn (định tính), và khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội), thi trên máy tính với đề thi được tổ hợp khác nhau, thí sinh không thể nhận trợ giúp từ bên ngoài, hạn chế tiêu cực mà không cần các phương tiện giám sát phức tạp, tránh gây bức xúc cho xã hội.
Kết quả thi đảm bảo độ tin cậy cao; Cấu trúc đề thi định hướng học sinh cần học toàn diện, học thực chất, tránh học tủ, học lệch; Đề thi có phổ rộng theo độ khó dễ, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng được việc tuyển thí sinh theo phân tầng các trường đại học, thể hiện được sự đổi mới trong kiểm tra đánh giá.
Trên cơ sở những bài học và kinh nghiệm thành công của ĐHQGHN đã triển khai trong năm 2014, cũng như những ý kiến đóng góp của các trường đại học, của các chuyên gia trong nước và quốc tế, ĐHQGHN sẽ báo cáo với Hội đồng Quốc gia giáo dục & Phát triển nhân lực để Hội đồng tư vấn cho Chính phủ về việc áp dụng trên phạm vi rộng lớn hơn ở các địa phương khác nhau, với những thời điểm phù hợp và thuân lợi để thí sinh có thể sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN cho mục đích xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học ĐHQGHN cũng như có thể vào các trường đại học, cao đẳng khác.
Các ý kiến nhận định khách quan của chuyên gia về phương án thi theo năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chúng tôi sẽ chuyển tới ở các bài tiếp theo.