Dịch Covid-19 bùng phát dù ở mức nặng hay nhẹ thì việc học của học sinh vẫn được triển khai và duy trì. Đây chính là cố gắng, nỗ lực của toàn ngành giáo dục mà đặc biệt là sự cống hiến nhiệt tình của các thầy cô giáo ở mỗi trường học.
Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy của bản thân, mỗi giáo viên luôn cố gắng làm việc bằng hai, bằng ba và hết mình làm thay cho cả đồng nghiệp bị bệnh.
Năm học 2019-2020, nhiều giáo viên Bình Thuận bị cắt tiền tăng tiết do địa phương áp dụng công văn hướng dẫn cũ (Ảnh tác giả) |
Thay vì ghi nhận, động viên giáo viên bằng việc thực hiện tốt những quy định về chính sách để người thầy có thêm động lực vượt khó trong giảng dạy thì nhiều địa phương lại không thực hiện chế độ đãi ngộ do cách làm cứng nhắc, do vướng mắc khá nhiều quy định.
Bởi, hiện ngành giáo dục vẫn chỉ áp dụng những hướng dẫn về chính sách cho nhà giáo đã cũ (dành cho những năm học bình thường trước đây).
Những hướng dẫn mới cho năm dịch bệnh bùng phát lại chưa có hoặc chưa rõ ràng nên nhiều nhà giáo bị thiệt thòi, dẫn đến tâm lý chán nản, đôi khi muốn buông xuôi, ảnh hưởng đến lòng nhiệt huyết với nghề.
Thiếu giáo viên, nhà giáo dạy tăng tiết mùa dịch nhưng không được chi trả
Trong 28 thực dạy ở trường, do các trường học thiếu giáo viên mà không tuyển thêm nên các thầy cô giáo phải dạy tăng tiết khá nhiều. Có những thầy cô giáo dạy tăng đến 200 tiết, nếu quy ra tiền cũng gần 50 triệu đồng.
Do dịch bệnh Covid, học sinh ở nhà trong 7 tuần nhưng các trường vẫn tổ chức dạy học bằng nhiều hình thức online, gửi bài qua email, tin nhắn, Zalo, đưa bài về tận nhà…
Tuy nhiên cuối năm học, giáo viên không được tính tiền tăng tiết đã dạy 28 tuần trước đó. Hàng trăm thầy cô giáo đã làm thêm giờ gần 1 năm học nhưng bỗng bị phủi sạch công sức.
Nhà trường chỉ giải thích rằng, 7 tuần học sinh không đến trường học trực tiếp nên giáo viên nào cũng bị thiếu tiết (quy định giáo viên phải dạy đủ 35 tuần nhưng nay mới dạy 28 tuần). Bởi thế, sẽ lấy số tiết dạy dư trong 28 tuần bù vào cho đủ.
Mặc dù đã có quy định trả tiền tăng giờ trong Thông tư liên tịch số: 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ trả thêm giờ đối với giáo viên dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.
Ngoài ra, đã có Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rất rõ về cách tính tiền lương dạy thêm giờ cho giáo viên các cấp.
Và, việc quy đổi tiết dạy cho giáo viên mùa dịch cũng đã được Bộ Giáo dục quy định trong Công văn 1366/BGDĐT-NGCBQLGD.
Thế nhưng cuối cùng giáo viên vẫn không được cơ quan có thẩm quyền chi trả vì cho rằng các hướng dẫn này không đề cập đến năm dịch bệnh.
Dạy hỗ trợ giáo viên mùa dịch vượt quá 200 tiết sẽ không được trả thừa giờ
Điều 107 Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14 cũng quy định về làm thêm giờ:
"a) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày;
Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này."
Theo quy định này, giáo viên chỉ được tính tiền làm thêm khi dạy không quá 200 tiết/năm, nếu vượt quá số tiết này sẽ không được thanh toán.
Nếu là trường học đủ giáo viên hoặc không rơi vào năm dịch bệnh cũng chẳng có gì để bàn. Tuy nhiên, ở những địa phương hiện đang thiếu giáo viên trầm trọng và trong trường học liên tục có nhiều thầy cô giáo bị F0 thì giáo viên rất thiệt thòi.
Tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận), có không ít trường học vì thiếu giáo viên nên phân công các thầy cô dạy tăng tiết. Có thầy cô giáo chỉ dạy 1 học kỳ đã tăng tới 200 tiết. Thế nên, học kỳ sau chẳng giáo viên nào muốn dạy tăng vì có dạy cũng không được thanh toán tiền làm thêm.
Những trường học thiếu giáo viên thế này, gặp mùa dịch Covid như hiện nay lại càng gây khó cho nhà trường và cho chính các thầy cô giáo.
Thường thì khi đồng nghiệp nghỉ bệnh, nhà trường sẽ phân công giáo viên dạy thay và những tiết dạy thay sẽ tính là làm thêm giờ.
Thế nhưng, với những trường học đang thiếu giáo viên như thế, bản thân mỗi thầy cô đã dạy đủ số tiết tăng quy định được thanh toán (200 tiết) nay có dạy thêm tiết cũng sẽ không được công nhận.
Khi đồng nghiệp bị F0, giáo viên phải gánh cả số tiết của đồng nghiệp. Nhưng đi dạy mà không được tính là làm thêm giờ khiến nhiều thầy cô cũng sẽ không vui, nhà trường cũng rất khó khăn để điều giáo viên dạy thay thế.
Bộ nên có những hướng dẫn cụ thể để giúp giáo viên an tâm giảng dạy mùa dịch
Để động viên tinh thần cho các thầy cô, khuyến khích lòng nhiệt huyết thì quyền lợi của giáo viên cũng cần được đảm bảo.
Thứ nhất, Bộ Giáo dục cần có thêm những hướng dẫn về cách tính, cách quy đổi tiết dạy cho giáo viên mùa dịch.
Thứ hai, Bộ cần làm việc với Bộ Tài chính cho ngành giáo dục về việc áp dụng Mục C, Khoản 3, Khoản 4, Điều 107 Bộ Luật Lao động số: 45/2019/QH14:
3. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây:
c/ Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời;
Vì, xét về tính chất công việc của nghề dạy học cũng là đòi hỏi người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời.
Nghĩa là, giáo viên dạy tăng 300 tiết/năm vẫn được tính tiền làm thêm giờ mà không khống chế con số 200 như hiện nay.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.