Những năm gần đây, thực hiện đổi mới việc ra đề thi - kiểm tra nói chung và môn Ngữ văn nói riêng đang có những thay đổi nhất định trong các nhà trường phổ thông, nhất là đề kiểm tra học kỳ, đề thi…
Đối với phần đọc hiểu của đề Ngữ văn hiện nay đa phần người ra đề không lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa mà thường lấy ở ngoài sách giáo khoa. Có thể người ra đề lấy ngữ liệu từ một tờ báo, sách tham khảo, sách văn học, một website nào đó…
Tuy nhiên, chính vì việc lấy ngữ liệu của một số giáo viên, chuyên viên chưa có sự chọn lọc nên đã gặp những hạn chế nhất định, thậm chí gây ra những tranh luận, những lời dị nghị không cần thiết như chúng ta đang thấy.
Ngữ liệu đề Ngữ văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo Chư Sê không phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 9 (Ảnh: M.T) |
Những ngữ liệu khiến cho dư luận không đồng tình
Những ngày qua, báo chí xôn xao về đề thi Ngữ văn của Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Trung học cơ sở. Bởi, nguồn dẫn không rõ ràng, nội dung ngữ liệu không hay mà ngay cả lệnh đề cũng chưa phù hợp.
Chuyện đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp trung học cơ sở của Hà Nội chưa lắng xuống thì dư luận lại một phen hoảng hồn về đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai).
Trong phần đọc hiểu, người ra đề đã lấy ngữ liệu từ truyện cười dân gian: Cắn răng mà chịu, câu chuyện được người ra đề trích dẫn:
Mẹ chồng và con dâu nhà kia đều góa bụa.
Mẹ chồng dặn con dâu:
- Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu.
Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.
Ngữ liệu trong đề kiểm tra môn Văn của Phòng Giáo dục dành cho học sinh khối 9 của cả 1 huyện nhưng nó lại không hề phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 9 mà nội dung câu chuyện còn thể hiện sự dung tục, lật lọng, tráo trở của người mẹ chồng.
Đành rằng, đó là truyện tiếu lâm dân gian…nhưng người ra đề phải biết rằng đây là truyện cười nên yếu tố gây cười được đặt lên hàng đầu.
Cho dù chỉ là ngữ liệu để phục vụ cho các câu hỏi của phần đọc hiểu nhưng ngữ liệu này khiến cho nhiều người hoài nghi về năng lực và trách nhiệm của người ra đề, người duyệt đề kiểm tra.
Bởi, mục đích của ngữ liệu chỉ phục vụ 2 đơn vị kiến thức tiếng Việt là phương châm hội thoại và cách dẫn trực tiếp, gián tiếp thì có vô vàn những văn bản, đoạn văn bản có kiến thức này.
Hơn nữa, phương châm hội thoại ở lớp 9 có tới 5 phương châm thì chọn phương châm nào mà chẳng được.
Không chỉ đề dành cho học sinh một tỉnh, một huyện mà ngay cả đề thi dành cho kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia nhiều khi cũng gây ra những tranh luận.
Chẳng hạn như trong đề thi môn Ngữ văn năm 2016 thì câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa” và “Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa” cũng được khá nhiều người bán tán, tranh luận. Sau đó, Bộ phải lên tiếng giải thích về sự việc này.
Sang năm 2017 thì từ “thấu cảm” trong phần đọc hiểu cũng tạo nên một luồng tranh luận vì từ này có ít người dùng.
Thực ra, những gì mà báo chí phản ánh chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi trong thực tế nhiều đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn do sở giáo dục hoặc nhà trường ra đề được trích dẫn từ một nguồn không rõ ràng.
Nhiều người lấy ngữ liệu từ một website trên mạng internet vì thấy ngữ liệu đó phù hợp với nội dung câu hỏi của mình, vì thấy nó là vấn đề mới, được các phương tiện thông tin đại chúng khai thác nhiều, như: cây ATM gạo; dịch bệnh Covid-19; cậu bé móc rác thông miệng cống thoát nước mưa….
Tuy nhiên, vì không lấy từ những nguồn chính thống của các tờ báo, tạp chí có uy tín mà lại lấy từ một website dẫn lại nên nhiều khi câu chữ đã bị thay đổi. Thành ra, nguồn dẫn không rõ ràng mà nhiều khi các đoạn ngữ liệu còn có những sai sót về từ ngữ, ngữ pháp.
Ngữ liệu cần có nguồn dẫn cụ thể, nội dung câu hỏi phải tường minh
Trong những năm qua, chúng ta thấy những sai sót của việc ra đề kiểm tra, đề thi lại rất hay rơi vào…môn Ngữ văn. Có lẽ vì ngôn ngữ môn Văn đa dạng, nhiều cách hiểu và cũng có nhiều từ khó hiểu.
Chính vì vậy, việc ra đề Ngữ văn thường rất khó, phải lựa chọn từng từ ngữ, từng ngữ liệu để khi học sinh làm bài mà ít bị chê đã là một thành công của người ra đề.
Song, nếu người ra đề có đầu tư nghiêm túc, thận trọng trong việc lựa chọn ngữ liệu, cách đặt câu hỏi thì đề Ngữ văn sẽ đúng, không sai sót mà không làm khó cho học trò, không gây "xôn xao" cho dư luận.
Muốn được như vậy thì trước tiên người ra đề cần phải lựa chọn những ngữ liệu, những vấn đề xã hội, những nhân vật văn học, nhân vật đời thường một cách có chọn lọc, không thể cẩu thả được.
Nếu là đề kiểm tra định kỳ, thậm chí là đề thi tuyển sinh 10, đề tốt nghiệp trung học phổ thông thì người ra đề cũng không cần thiết phải lấy ngữ liệu của phần đọc hiểu ở ngoài sách giáo khoa làm gì bởi quy định hiện nay không ai bắt buộc điều này.
Lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa có nghĩa là nó đã được biên soạn, biên tập kỹ lưỡng từ khi xuất bản và qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và đã được “nhặt sạn” của nhiều người.
Điều quan trọng là ngữ liệu trong sách giáo khoa sẽ gần gũi với học sinh, các em dễ tiếp cận vấn đề. Suy cho cùng, một đề kiểm tra hay đề thi thì phần câu hỏi mới là quan trọng chứ không phải là phần ngữ liệu trích dẫn.
Nếu lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thì người ra đề nên lấy từ các nguồn chính thống, đó là các tờ báo lớn, có uy tín, có đội ngũ biên tập chuyên nghiệp. Hoặc, là lấy từ các tác phẩm văn học của các nhà xuất bản có uy tín…
Một khi sách, báo được biên tập kỹ sẽ đảm bảo về mặt nội dung, ngữ pháp và sự trong sáng của Tiếng Việt.
Đặc biệt, nội dung ngữ liệu phải rõ ràng, dễ hiểu, các câu chuyện phải trong sáng, nhân văn, có tính giáo dục cho học trò.
Học Văn là cảm nhận cái hay, cái đẹp của văn chương, thấy được sự giàu đẹp của ngôn ngữ nước nhà nên thầy cô cần hướng học trò đến những điều tốt đẹp này.
Thầy cô đừng đánh đố học trò, đừng bắt các em phải suy nghĩ, phải viết những điều gượng ép, quá tầm với của lứa tuổi học sinh.