ĐBQH mong mỗi ngày đến trường của thầy cô thật trách nhiệm và hạnh phúc

23/01/2023 06:57
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- ĐBQH hy vọng các địa phương sẽ có đủ điều kiện vật lực, nhân lực để triển khai thành công CTGDPT mới, mỗi ngày đến trường của GV đều trách nhiệm và hạnh phúc.

Trong không khí từng bừng, phấn khởi đón năm mới 2023, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã gửi gắm những kỳ vọng đối với ngành giáo dục, để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 và để có nền giáo dục hạnh phúc.

Phóng viên: Thưa Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà, năm mới 2023 vừa mở ra, bà có thể điểm lại những dấu ấn tiêu biểu của ngành giáo dục trong năm 2022 vừa qua. Đặc biệt, đối với thực tiễn triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, bà có đánh giá thế nào về hiệu quả thực hiện, ngành giáo dục đang đứng trước những thời cơ và thách thức cụ thể ra sao trong bối cảnh hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã tóm lược ngắn gọn những dấu ấn của ngành trong năm 2022 trong các từ khóa sau đây: “Thách thức - Nỗ lực - Kết quả khả quan”.

Năm 2022, ngành giáo dục đã đối mặt với nhiều thách thức như triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cả 3 cấp học trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn nhiều rủi ro. Hay việc một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, các cơ sở mầm non tư thục đóng cửa do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài cũng là một thách thức lớn cho ngành giáo dục.

Tuy nhiên với sự nỗ lực của các cấp quản lý, các cán bộ giáo viên, nhân viên trường học, ngành giáo dục cũng ghi dấu với những kết quả khả quan. Những dấu ấn tiêu biểu được ghi nhận ở nhiều khía cạnh, nhiều con người.

Với tôi, tôi đặc biệt ấn tượng với sự quyết tâm, nỗ lực lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của ngành giáo dục để mở cửa trường học và đưa học sinh cả nước quay lại trường. Việc triển khai nhiều biện pháp an toàn để học sinh cả nước quay lại trường sau 3 năm liên tiếp nhiều lần bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 giúp học sinh được quay lại môi trường học tập lành mạnh và hiệu quả cao.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: NVCC.

Việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm qua tại các địa phương, cơ sở giáo dục được đánh giá là cơ bản đáp ứng yêu cầu. Ưu điểm của chương trình mới là các hoạt động tổ chức theo hướng mở, tạo cơ hội cho học sinh tích cực khám phá, trải nghiệm và sáng tạo phù hợp với lứa tuổi, hoạt động trải nghiệm, hoạt động hướng nghiệp mang lại sự hứng thú đối với học sinh. Sách giáo khoa mới đa phần có hình ảnh phong phú, tạo hứng thú cho học sinh khi tiếp cận.

Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới gặp không ít khó khăn liên quan đến tài liệu học tập như tài liệu môn giáo dục địa phương; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên để thực hiện những đổi mới trong chương trình; sự lúng túng của một số cơ sở giáo dục trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Phóng viên: Bà quan tâm và có ấn tượng với những chính sách giáo dục nổi bật nào đã đi vào thực tiễn trong năm qua?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Ngày 25/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Tôi cho rằng, năm 2022 ghi nhận những kết quả tích cực trong chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin của tất cả các trường học từ mầm non đến phổ thông, đồng thời đã kết nối thành công cơ sở dữ liệu ngành giáo dục với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Qua đó đã kết nối, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên và gần 21 triệu hồ sơ học sinh.

Năm 2022, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để, từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục cũng như góp phần thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018, cán bộ, viên chức ngành giáo dục cần nhận thức đầy đủ về chương trình mới, chủ động, sáng tạo, sẵn sàng thực hiện đổi mới trong dạy học, tuyên truyền sao đúng đắn tới các tầng lớp nhân dân để dư luận xã hội hiểu đúng và tin tưởng vào ngành giáo dục.

Phóng viên: Tại Hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022-2023, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ nhiều vấn đề khó khăn đã gặp phải, trong đó có vấn đề liên quan đến giáo viên môn tích hợp. Tình trạng này có được ghi nhận phản ánh tại địa phương, và để khắc phục, cần triển khai những giải pháp như thế nào, thưa bà?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Những khó khăn về giáo viên môn tích hợp có ở hầu hết các trường trên cả nước. Tuy vậy, các địa phương cũng đang rất cố gắng tìm giải pháp để đảm bảo quyền lợi và chất lượng học tập của các em học sinh.

Ở tỉnh Bắc Ninh, 100% các trường trung học cơ sở thực hiện phân công giáo viên giảng dạy từng phân môn, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ giảng dạy môn Vật lý, Hoá học, Sinh học theo chương trình; phân công 1 trong 3 giáo viên của các phân môn chịu trách nhiệm tổng hợp, đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Theo tôi, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở môn học tích hợp thì giải pháp căn cơ phải đến từ việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có đủ năng lực, trình độ giảng dạy môn học.

Trước mắt, trong khi chờ đợi những giáo viên được đào tạo chuyên ngành môn tích hợp ra trường, đội ngũ giáo viên các môn Khoa học tự nhiên hiện tại cần được tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của môn học.

Các trường đại học sư phạm cần chú trọng chất lượng đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ cho các sinh viên, đặc biệt sinh viên các môn tích hợp để các sinh viên có thể đáp ứng yêu cầu, chất lượng giảng dạy ngay sau khi tốt nghiệp.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Phóng viên: Thời gian qua, câu chuyện thưởng Tết của giáo viên lại “nóng” lên. Có kiến nghị rằng cần có chế độ đãi ngộ ưu tiên cho giáo viên, đặc biệt có hỗ trợ thêm để thưởng Tết. Xin bà hãy cho biết quan điểm đối với vấn đề này?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Lương thưởng là vấn đề được mọi ngành nghề quan tâm khi Tết cận kề. Mỗi khi Tết đến, câu chuyện thưởng Tết của giáo viên lại “nóng” trở lại.

Các thầy cô giáo cũng đã lao động vất vả, cống hiến hết mình trong một năm, ít nhiều cũng có những mong chờ nhất định về hỗ trợ cho dịp Tết, đặc biệt với những giáo viên xa quê, công tác ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, đây chắc hẳn sẽ là món quà Tết đầy ý nghĩa và có ý nghĩa khích lệ rất nhiều.

Nữ đại biểu cho rằng, với những giáo viên xa quê, công tác ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, thưởng Tết hẳn sẽ là món quà đầy ý nghĩa và có ý nghĩa khích lệ rất nhiều. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Nữ đại biểu cho rằng, với những giáo viên xa quê, công tác ở những vùng kinh tế còn nhiều khó khăn, thưởng Tết hẳn sẽ là món quà đầy ý nghĩa và có ý nghĩa khích lệ rất nhiều. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Vì vậy, tôi cho rằng, nên có chế độ đãi ngộ ưu tiên cho các giáo viên, đặc biệt có hỗ trợ thêm để thưởng Tết cho giáo viên để những công sức và cống hiến của các thầy cô được ghi nhận xứng đáng.

Phóng viên: Là một nhà giáo, bà kỳ vọng có những chuyển biến cụ thể như thế nào của ngành giáo dục trong năm tới?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà: Tôi hy vọng rằng năm 2023, các địa phương sẽ có đủ điều kiện về vật lực, nhân lực để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Tôi cũng mong chính sách liên quan đến cải cách tiền lương, tăng phụ cấp cho giáo viên sẽ sớm được thực hiện.

Mong ước thì rất nhiều, điều tôi mong ước lớn nhất là các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc luôn mạnh khoẻ, tinh thần lạc quan để mỗi ngày đến trường đều thật trách nhiệm và hạnh phúc.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Mộc Trà