Để chấm dứt nỗi ám ảnh cử nhân thất nghiệp, các trường đại học phải làm gì?

22/12/2021 06:38
AN NGUYÊN (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự thành công của sinh viên là quan trọng, là thước đo để đánh giá chất lượng đầu ra của một trường đại học.

LTS: Trong những năm qua, hệ thống giáo dục đại học nước ta đã có nhiều đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, bắt kịp với tiến trình đào tạo nhân lực của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế là vẫn còn hàng ngàn cử nhân thất nghiệp mỗi năm, gây tiêu tốn, lãng phí tiền bạc, nguồn nhân lực.

Trong bối cảnh đó, nhiều trường đại học đã lựa chọn các ngành mũi nhọn để tập trung đầu tư, phát triển, đồng thời kết nối mạnh mẽ với thị trường lao động quốc tế nhằm tìm kiếm “đầu ra” cho sinh viên.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lương Minh Sâm – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đông Á.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả!

Phóng viên: Theo thống kê của Bộ Lao động và Thương binh xã hội thì cả nước vẫn còn hàng ngàn cử nhân thất nghiệp, thầy có nhận xét và đánh giá gì về con số này? Các trường đại học cần làm gì để không đào tạo ra những “cử nhân thất nghiệp”?

Ông Lương Minh Sâm: Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận một sự thật là hàng năm, có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường nhưng không tìm được việc làm. Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng này.

Thầy Lương Minh Sâm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh: PC

Thầy Lương Minh Sâm - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Đông Á chia sẻ về kinh nghiệm tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp. Ảnh: PC

Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề quan trọng là bảng quy hoạch và dự báo về ngành nghề của các bộ, ban ngành, của các hiệp hội hiện nay chưa sát thực tế, sự phối hợp tương tác chưa đúng nhu cầu. Chưa nói đến sự thay đổi liên tục của thị trường lao động mà chúng ta không có sự đầu tư nghiên cứu gì nhiều.

Ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Đức hay Hàn Quốc thì dự báo thị trường lao động của họ đầu tư rất bài bản, chi tiết, có khi nó dự báo theo từng vùng lãnh thổ nhất định.

Việc quy hoạch và dự báo về ngành nghề sẽ giúp các trường đại học có một cái nhìn chính xác, toàn diện khi tập trung đào tạo nguồn nhân lực.

Thứ hai về đào tạo đại học, cao đẳng nghề nghiệp phải xuất hiện từ nhu cầu thị trường nói chung và từng thời điểm, từng khu vực đặc biệt là từng doanh nghiệp.

Trường đại học phải chủ động làm công việc đó. Hơn nữa doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác. Trong đó xác định rõ doanh nghiệp cần cái gì, nhu cầu về chuyên môn, nghề nghiệp, cơ cấu trong lao động, trong từng vùng như thế nào để trường đại học đào tạo.

Các trường nên tổ chức nhiều hơn các ngày hội việc làm, cơ hội việc làm cho sinh viên. Dĩ nhiên mình cũng có tổ chức nhưng đang “mạnh ai nấy làm”, thông tin cho sinh viên một cách chính xác là chưa có. Phải tổ chức quy mô tầm cỡ quốc gia, để có sự kết nối hoàn chỉnh, chính xác hơn.

Thứ ba, đại học phải dạy thế nào để sinh viên tốt nghiệp có thể đáp ứng thị trường, bởi khoảng cách giữa lý thuyết và nhu cầu doanh nghiệp là khó nhất. Để giải quyết nó, các trường đại học phải xuất từ nhu cầu thị trường và nhu cầu của doanh nghiệp.

Khâu đầu vào khi xây dựng chương trình thì phải khảo sát chuyên môn cần đi hướng nào, để tránh doanh nghiệp cần hướng A mà mình đi hướng B. Muốn vậy thì doanh nghiệp cần tham gia mạnh mẽ vào việc xây dựng khung chương trình đào tạo.

Nhà trường có thể mời doanh nghiệp đến dạy để họ tạo động lực cho sinh viên. Qua đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ trình bày về công ty sẽ phát triển ra sao, định hướng thế nào? Nhờ đó sẽ giải quyết được khoảng cách giữa dạy và học để sát thực tế nhất.

Thực ra, thị trường lao động có thể dư hoặc thừa, tùy vào từng khu vực, nên cần thiết phải có một dự báo quốc gia. Mình cứ nói thừa nhưng nhiều nơi rất thiếu. Nếu so sánh về số sinh viên/ngàn dân thì mình còn thua xa Thái Lan hay một số nước khác trong khu vực.

Trong cơ cấu chương trình, cần phân phối hợp lý giữa lý thuyết và thực hành. Phải cho sinh viên thực hành thật nhiều, qua các phòng thực hành, phòng LAB, cũng cần có thời gian cho sinh viên đi thực tế doanh nghiệp.

Ít nhất, phải cho đi thực hành doanh nghiệp (intership) trong nước thì 6 tháng, nước ngoài thì phải một năm. Tất cả giải quyết trong ba năm đầu, năm sau phải bắt tay đi làm.

Có thể từ năm thứ 4 thì sinh viên phải đi tham gia dự án với doanh nghiệp công nghệ thông tin, rèn luyện kỹ năng làm việc.

Phóng viên: Thưa thầy, sinh viên tốt nghiệp đại học phải được trang bị những kỹ năng gì và tiêu chí quan trọng nào để đánh giá chất lượng đầu ra của một trường đại học?

Ông Lương Minh Sâm: Mục đích của đào tạo trường đại học là đào tạo con người có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng, tạo nên văn hóa trách nhiệm của con người. Thứ hai là đào tạo chuyên môn sâu, sát với nhu cầu doanh nghiệp.

Thứ ba là chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, trình độ ngoại ngữ tốt thì mới có nhiều cơ hội việc làm. Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay thì ngoại ngữ chính là chìa khóa để bước vào thị trường lao động quốc tế.

Thứ tư là rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thích ứng môi trường doanh nghiệp, đặc biệt là kỹ năng giải quyết vấn đề.

Thứ năm là kỹ năng khởi nghiệp. Đó là con đường để sinh viên vừa biết nghiên cứu, biết sáng tạo, thiết kế ý tưởng, biết khởi nghiệp từ đâu…

Trên cơ sở những kỹ năng cần thiết đó thì tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá sự thành công hay thất bại của một chương trình đào tạo.

Sự thành công của sinh viên là quan trọng, là thước đó để đánh giá chất lượng đầu ra của một trường đại học.

Đào tạo điều dưỡng có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ở Nhật Bản tham gia là một trong những ngành mũi nhọn của Trường Đại học Đông Á. Ảnh: AN

Đào tạo điều dưỡng có sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội ở Nhật Bản tham gia là một trong những ngành mũi nhọn của Trường Đại học Đông Á. Ảnh: AN

Phóng viên: Được biết, Trường Đại học Đông Á là một trong những cơ sở đào tạo đại học có nhiều gắn kết với các thị trường lao động lớn trên thế giới như Nhật Bản, Đức, Đài Loan…

Đây được xem là những thị trường “khó tính”, đòi hỏi cao, vậy thầy có thể chia sẻ kinh nghiệm để “chinh phục” các thị trường này ra sao?

Ông Lương Minh Sâm: Từ năm 2017 đến nay, trung bình mỗi năm có hàng trăm sinh viên các ngành học của nhà trường được sang Nhật Bản học tập, lao động. Mục tiêu của trường sẽ đạt đến 1.000 sinh viên/năm.

Vừa rồi, trong khuôn khổ Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản diễn ra tại Tokyo, Đại học Đông Á chính thức đạt được 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng trong lĩnh vực Du lịch, Điều dưỡng với các đối tác Nhật Bản trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn cấp cao Việt Nam.

Để có sự hợp tác chặt chẽ này thì giữa nhà trường và các đối tác đã có quá trình tìm hiểu, dày công xây dựng. Xuất phát từ sứ mệnh của trường là tạo con đường thành công cho người học, tạo ra những kỹ sư, cử nhân làm việc sát với thực tế.

Do đó, Trường luôn có sự hỗ trợ đến 70-80% trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho sinh viên, kết nối với doanh nghiệp.

Ngoài các thị trường lớn ở các địa phương như: Hà Nội, Sài Gòn hay các hiệp hội đầu tư nước ngoài thì nhà trường cũng nổ lực tìm kiếm các thị trường lao động mới như: Đức, Singapore, Hàn Quốc…

Họ cũng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe nhưng nhà trường vẫn đáp ứng. Trong đó, trường luôn tích hợp nhu cầu của doanh nghiệp để đưa vào chương trình giảng dạy.

Cụ thể thì các doanh nghiệp này sẽ cùng trường tham gia huấn luyện sinh viên trước khi đưa lao động ra nước ngoài làm việc. Ví dụ như lao động muốn sang Nhật Bản thì các đối tác ở Nhật sẽ dạy cho sinh viên chúng ta cách ứng xử, làm việc thế nào trong môi trường, văn hóa của người Nhật…

Ngay khi hết năm 3 thì sinh viên sẽ đi thực tập (Intership) một năm bên đó, các em sẽ học cách làm việc, học thêm tiếng Nhật. Sau một năm thực tập, khi đã quen với công việc rồi thì doanh nghiệp Nhật sẽ nhận vào làm việc chính thức.

Ngoài ra, để tránh đào tạo tràn lan thì theo tôi, các trường đại học nên tập trung chọn ra những ngành mũi nhọn để đầu tư bài bản.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!

AN NGUYÊN (thực hiện)