Để xếp giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ là quá khó

10/02/2023 06:42
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có người đã thẳng thắn chia sẻ rằng mình không đủ sức cũng không có đủ khả năng để học hỏi nên chọn cách về hưu sớm để tạo cơ hội cho lớp trẻ.

Bài viết “Khó như “phấn đấu” để giáo viên được đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ" của tác giả Nguyễn Nhật Minh đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 31/1/2023 đã thu hút được nhiều sự quan tâm của các giáo viên.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bài viết nêu câu chuyện của một giáo viên “dù đã “rất phấn đấu”, "xin xỏ", thế nhưng tổ chuyên môn, ban thi đua nhà trường vẫn không đánh giá “không hoàn thành nhiệm vụ”, hoặc “hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế”, mà cứ đánh giá hoàn thành nhiệm vụ”.

Câu chuyện trên không còn là hiện tượng cá biệt với một người, ở một địa phương nào đó mà theo tìm hiểu của người viết, nhiều thầy cô ở các địa phương hiện nay cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Một thực tế khá buồn đã và đang diễn ra âm thầm trong ngành giáo dục. Đó là, một số giáo viên có thâm niên nghề vì một số lý do nên có nguyện vọng được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế được quy định tại Nghị định số: 143/2020/NĐ-CP, tuy nhiên cũng không hề đơn giản.

Vì sao nhiều giáo viên mong muốn được nghỉ hưu theo diện tinh giản biên chế?

Thứ nhất, một bộ phận giáo viên lớn tuổi khó có thể đáp ứng tốt những yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện nay. Minh chứng rõ ràng nhất là trong đợt xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua, không ít các thầy cô giáo lớn tuổi đã rất vất vả trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Có những thầy cô giáo lớn tuổi phải nhờ những đồng nghiệp trẻ phụ đạo, hướng dẫn thêm về lĩnh vực này nhưng sự tiếp thu để vận dụng vào thực tế cũng bị hạn chế.

Thứ hai, một số đồng nghiệp cho biết, việc phân công giáo viên dạy tích hợp theo chương trình mới hiện nay ở nhiều trường học đang tạo áp lực rất lớn đối với các thầy cô ở độ tuổi sắp về hưu.

Có thầy cô chuyên môn Sinh học nhưng phải dạy cả Hoá và Lý, chuyên môn Sử dạy cả Địa…kiến thức cập nhật không được như giáo viên trẻ nên rất áp lực. Nhiều người mong được tạo điều kiện về hưu sớm để giáo viên trẻ mới ra trường có hội tuyển dụng sớm hơn.

Thứ ba, một bộ phận giáo viên tuổi cao sức khoẻ lại suy giảm nên cũng muốn nghỉ ngơi. Có thầy cô mắc bệnh viêm họng mãn tính ảnh hưởng lớn đến việc giảng bài. Một số giáo viên nữ bước vào tuổi 50 mắc suy giảm tĩnh mạch do đứng lớp vài chục năm nên việc tiếp tục đứng lớp giảng dạy cũng khá vất vả. Vì thế, đối tượng giáo viên này cũng có nguyện vọng được nghỉ hưu sớm.

Hiện nay, nếu muốn nghỉ hưu sớm và được hưởng đầy đủ các chế độ thì nghỉ theo diện tinh giản biên chế là phù hợp nhất. Tuy nhiên, muốn thuộc diện này, giáo viên phải đáp ứng quy định có một năm không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Điểm đ, e, g, Khoản 1, Điều 1 Nghị định Số: 143/2020/NĐ-CP, giáo viên có 02 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức có 01 năm được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ trong năm trước liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý, thuộc đối tượng nghỉ hưu trước tuổi theo chính sách tinh giản biên chế.[1]

Để xếp giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ là vô cùng khó

Trong thực tế, ở nhiều trường học hiện nay để một giáo viên bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ lại không dễ dàng gì. Bởi, chỉ cần trong trường có một giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ sẽ kéo theo khá nhiều hệ luỵ.

Việc này sẽ ảnh hưởng đến thành tích cá nhân của hiệu trưởng, của nhà trường. Có hiệu trưởng đã thẳng thắn nói với giáo viên:

“Nếu xếp loại cuối năm giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ thì tôi là hiệu trưởng cũng bị liên đới. Cả năm làm việc, phấn đấu chỉ vì chuyện này mà bị xoá sạch. Ngoài ra, nhà trường, chi bộ có giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ cũng bị cắt thi đua…”.

Ngoài ra, bản thân một số thầy cô giáo cũng không muốn mình bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ vì phấn đấu mấy chục năm mà đến cuối sự nghiệp lại rơi vào diện "kém" nhất trường cũng không đành.

Cô giáo Lan Chi, một đồng nghiệp của người viết nói rằng: “30 năm đi dạy là chừng ấy năm cô luôn được đánh giá là hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nay muốn được về hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế nhưng hồ sơ phải thể hiện 2 năm cuối xếp loại hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ chẳng khác nào một vết nhơ trong cuộc đời đi dạy. Chỉ nghĩ đến điều này thôi là không muốn, mặc dù bản thân luôn khao khát điều đó”.

Nếu chỉ vì muốn về hưu trước tuổi mà bỏ bê học trò thì lương tâm người thầy không cho phép

Vì rất khó để đạt xếp loại giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ nên một số giáo viên đã đủ điều kiện (tuổi đời, tuổi nghề) về hưu theo diện tinh giản biên chế như quy định trong Nghị định Số: 143/2020/NĐ-CP đã tìm cách “xin xỏ”, tạo mối quan hệ và cố gắng hết sức để được “ưu ái”, được “chiếu cố” của lãnh đạo nhà trường xếp cho loại không hoàn thành nhiệm vụ để hồ sơ đạt "chuẩn".

Một số ít giáo viên khác lại chia sẻ “bí kíp” để được đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ thì cứ bỏ lớp, không hoàn thành hồ sơ sổ sách theo quy định, bê trễ hoặc vắng hội họp, không tham gia các hoạt động ở trường chắc chắn sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ ngay.

Tuy thế, cái gọi là “bí kíp” như này không có nhiều người đồng tình vì làm như thế học sinh sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất và lương tâm trách nhiệm người thầy không cho phép.

Đôi điều kiến nghị

Giáo viên có hạn chế về chuyên môn, hoặc có sức khoẻ yếu hay đã lớn tuổi khó theo kịp xu thế đổi mới của giáo dục hiện nay có nguyện vọng được xem xét về hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế quy định trong Nghị định Số: 143/2020/NĐ-CP cũng là mong muốn vô cùng chính đáng.

Tuy thế, yêu cầu có một năm không hoàn thành nhiệm vụ như một rào cản để những thầy cô giáo này không thể thực hiện được nguyện vọng của bản thân.

Ví thế, nếu cơ sở giáo dục nào có chỉ tiêu tinh giản biên chế thì nên ưu tiên cho các thầy cô có nguyện vọng được nghỉ hưu trước.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-143-2020-ND-CP-sua-doi-Nghi-dinh-108-2014-ND-CP-chinh-sach-tinh-gian-bien-che-445165.aspx

Phan Tuyết