Điểm chuẩn ngành Kinh tế phát triển thấp nhất là 15 điểm

16/02/2025 06:23
Phương Thảo
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ở các cơ sở giáo dục, điểm chuẩn ngành Kinh tế phát triển năm 2024 thấp nhất là 15 điểm và cao nhất là 33,05 điểm. Ngoài ra, học phí cũng có sự chênh lệch lớn.

Kinh tế phát triển (Development Economics) là ngành học nghiên cứu quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế của các quốc gia, tập trung vào các lý thuyết kinh tế, nguồn lực phát triển và sự vận động của chúng trong nền kinh tế. Sinh viên học ngành này được trang bị kiến thức và kỹ năng về hoạch định, tổ chức thực hiện, phân tích, đánh giá và quản lý hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của các địa phương.

Để thí sinh có thêm thông tin về ngành học này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã tìm hiểu và thống kê điểm chuẩn trong 3 năm gần đây và học phí ngành Kinh tế phát triển năm học gần nhất ở một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Tại Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân, theo đề án tuyển sinh năm 2025, nhà trường cơ bản giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thẳng; Xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; Xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường.

Năm 2025, Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Kinh tế phát triển theo các tổ hợp xét tuyển là: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh); D07 (Toán, Hóa học, Tiếng Anh).

Nhà trường chưa công bố chỉ tiêu cụ thể năm 2025. Theo đề án tuyển sinh năm 2024, Trường Kinh tế và Quản lý công tuyển 230 chỉ tiêu ngành Kinh tế phát triển.

Từ năm 2022-2024, điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của trường lần lượt là 27,5 điểm; 27,35 và 27,2 điểm.

Về mức học phí năm học 2025-2026 của ngành này theo chương trình chuẩn dao động từ 18.000.000 - 25.000.000 đồng/năm học.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế phát triển năm 2023 đã có việc làm sau 1 năm ra trường đạt 92,31%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà trường tuyển 310 chỉ tiêu ngành Kinh tế phát triển.

Trong đó, 100 chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông; 60 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; 146 chỉ tiêu xét tuyển chứng chỉ quốc tế; 1 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo; 2 chỉ tiêu xét tuyển thẳng theo Quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội và xét tuyển dự bị đại học; 1 chỉ tiêu xét tuyển lưu học sinh.

Năm 2022, điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là 33,05 điểm. Đến năm 2023, điểm trúng tuyển ngành này tăng lên 34,25 điểm (tăng 1,2 điểm so với năm trước). Năm 2024, điểm chuẩn ngành Kinh tế phát triển bằng mức điểm chuẩn năm 2022. Trong đó, điểm môn Tiếng Anh nhân hệ số 2.

Về mức học phí với sinh viên chính quy và lộ trình tăng học phí tối đa từng năm áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2024 ngành Kinh tế phát triển như sau:

Năm học 2024-2025: 4.400.000 đồng/tháng, tương đương 44.000.000 đồng/năm.

Năm học 2025-2026: 4.600.000 đồng/tháng, tương đương 46.000.000 đồng/năm.

Năm học 2026-2027: 4.800.000 đồng/tháng, tương đương 48.000.000 đồng/năm.

Năm học 2027-2028: 5.000.000 đồng/tháng, tương đương 50.000.000 đồng/năm.

Theo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp được nhà trường thực hiện trong năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 ngành Kinh tế phát triển có việc làm đạt 97,48%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Học viện Chính sách và Phát triển, nhà trường tuyển sinh ngành này với 100 chỉ tiêu theo các phương thức: Xét tuyển thẳng (1 chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp theo kết quả học tập trung học phổ thông và thành tích đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trở lên (4 chỉ tiêu); Xét tuyển kết hợp theo kết quả học tập trung học phổ thông và chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế (5 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (10 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả học tập 3 năm trung học phổ thông (20 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông lớp 12 (20 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (40 chỉ tiêu).

Trong 3 năm gần đây, điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển của trường không có nhiều biến động. Cụ thể, điểm chuẩn ngành này từ năm 2022-2024 lần lượt là 24,45 điểm; 24,5 điểm và 25,43 điểm.

165affc59740281e7151.jpg
Sinh viên Khoa Kinh tế phát triển, Học viện Chính sách và Phát triển tham gia chuyến đi thực tế tại tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: NTCC)

Năm học 2024 – 2025, mức học phí ngành này tại Học viện Chính sách và Phát triển là 550.000 đồng/tín chỉ (tương đương 1.850.000 nghìn đồng/tháng; 18.500.000 đồng/năm). Lộ trình tăng học phí hàng năm không quá 15%.

Theo báo cáo 3 công khai về thông tin chất lượng đào tạo thực tế năm học 2023-2024 của nhà trường, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 1 năm ra trường là 96% đối với sinh viên thuộc khối ngành VII (trong đó có ngành Kinh tế phát triển).

Tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển sinh 50 chỉ tiêu ngành Kinh tế phát triển. Trong đó, 1 chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 25 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và 24 chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả học tập trung học phổ thông.

Các tổ hợp xét tuyển ngành Kinh tế phát triển bao gồm: A00 (Toán, Vật lý, Hóa học); A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh); C04 (Ngữ văn, Toán, Địa lý); D01 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh).

Năm 2022 và 2023, điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển tại trường đều là 16 điểm. Năm 2024, điểm trúng tuyển ngành này tăng thêm 1 điểm so với hai năm trước, đạt 17 điểm.

Mức học phí năm học 2024-2025 của trường đối với sinh viên đại học chính quy là 1.200.000 đồng/tháng (12.000.000 đồng/năm), tương đương 375.000 đồng/tín chỉ.

Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm năm 2022 ngành này sau 12 tháng ra trường đạt 100%.

Theo đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Phạm Văn Đồng, nhà trường thực hiện tuyển sinh ngành Kinh tế phát triển với 20 chỉ tiêu theo 4 phương thức: Xét tuyển dựa vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (6 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa vào học bạ lớp 12 (10 chỉ tiêu); Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh(1 chỉ tiêu); Xét tuyển thẳng (3 chỉ tiêu).

Điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển của Trường Đại học Phạm Văn Đồng trong 3 năm 2022, 2023, 2024 đều là 15 điểm.

48d9ed4260b3dfed86a2.jpg
Sinh viên ngành Kinh tế phát triển, Trường Đại học Phạm Văn Đồng tham gia chương trình trải nghiệm thực tế tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam Vietcombank, Quảng Ngãi. (Ảnh: NTCC)

Mức học phí tại trường được thu theo tín chỉ, áp dụng cố định trong suốt khóa học (hoặc thời gian còn lại của khóa học). Theo Trưởng phòng Phòng Kế hoạch - Tài chính, Trường Đại học Phạm Văn Đồng thông tin, trong năm học 2024-2025, học phí ngành Kinh tế phát triển là 510.000 đồng/tín chỉ; 1.500.000 đồng/tháng, tương đương 15.000.000 đồng/năm.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2022 ngành Kinh tế phát triển có việc làm sau 12 tháng ra trường đạt 85,7%.

Tại Trường Đại học Nha Trang, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển sinh 4.517 chỉ tiêu theo 4 phương thức: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và điểm đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển dựa vào điểm học bạ (Kết quả học tập ở trung học phổ thông); Xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Trong đó, ngành Kinh tế phát triển tuyển sinh 82 chỉ tiêu với 4 tổ hợp xét tuyển là D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh); D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh); D15 (Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh); D96 (Toán, Khoa học xã hội, Tiếng Anh).

Tuy nhiên, theo phương hướng tuyển sinh năm 2025 được đăng tải trên website nhà trường, Trường Đại học Nha Trang dự kiến tuyển sinh ngành Kinh tế phát triển theo 2 phương thức: Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025.

Điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Nha Trang có xu hướng tăng trong ba năm gần đây. Cụ thể, điểm chuẩn ngành này từ năm 2022-2024 lần lượt là 18 điểm, 20 điểm và 21 điểm.

Về thông tin học phí năm học 2024-2025, ngành Kinh tế phát triển thuộc chương trình chuẩn có mức học phí khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng/học kỳ (tương đương 10.000.000 - 12.000.000 đồng/năm học), tùy theo số tín chỉ sinh viên đăng ký học.

Về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ra trường ngành này theo đề án tuyển sinh năm 2024 đạt 82,76%.

Tại Trường Đại học Tây Nguyên, theo đề án tuyển sinh năm 2024, nhà trường tuyển sinh ngành Kinh tế phát triển theo các phương thức xét tuyển với chỉ tiêu cụ thể như sau: Xét tuyển thẳng (2 chỉ tiêu); Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (34 chỉ tiêu); Xét kết quả học tập trung học phổ thông (10 chỉ tiêu); Sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (2 chỉ tiêu); Học sinh dự bị đại học chuyển lên đại học (2 chỉ tiêu).

Năm 2022 và 2023, điểm trúng tuyển ngành Kinh tế phát triển của trường là 15 điểm. Năm 2024, điểm trúng tuyển ngành này tăng lên 15,65 điểm.

Học phí đối với sinh viên chính quy và lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm tại Trường Đại học Tây Nguyên như sau:

Năm học 2024-2025: 1.500.000 đồng/tháng, tương đương 15.000.000 đồng/năm học;

Năm học 2025-2026: 1.690.000 đồng/tháng, tương đương 16.900.000 đồng/năm học;

Năm học 2026-2027: 1.910.000 đồng/tháng, tương đương 19.100.000 đồng/năm học.

Trường Đại học Tây Nguyên bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành Kinh tế phát triển từ năm 2020. Đến năm 2024, nhà trường mới có khóa sinh viên đầu tiên chính thức tốt nghiệp ngành này nên chưa có số liệu về tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 12 tháng ra trường.

Colorful Clean Rainbow Problem Solving Table Brainstorm (4).png
Tổng hợp điểm chuẩn, học phí ngành Kinh tế phát triển tại một số cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.
Phương Thảo