Dự án phòng nguy cơ cháy nổ của SV trường nghề được doanh nghiệp đầu tư tiền tỷ

10/02/2023 06:35
Trà My
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với mong muốn hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình giám sát nguy cơ cháy nổ, 1 nhóm SV trường nghề đã chế tạo ra ứng dụng di động khắc phục sự cố này.

Vừa qua, Dự án “Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông - Smart site” đoạt giải nhì tại cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" Startup Kite 2022 của một nhóm sinh viên trường nghề đã thu hút được một số doanh nghiệp đặt hàng, đầu tư hàng tỷ đồng để thương mại hóa sản phẩm và khởi nghiệp.

Đây là dự án do Tiến sĩ Châu Văn Bảo (Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh) hướng dẫn, cùng 4 sinh viên của trường thực hiện gồm: Lâm Võ Hữu Duy (sinh viên năm 2 ngành điện công nghiệp thuộc Khoa Điện - Điện tử) phụ trách lắp ráp thiết bị, thiết kế bản vẽ; Nguyễn Lê Khải Hưng (sinh viên năm 3 ngành tự động hóa thuộc Khoa Điện - Điện tử) phụ trách lập trình phần mềm, gia công cơ khí; Huỳnh Vĩnh Phúc (sinh viên năm 3 ngành tự động hóa thuộc Khoa Điện - Điện tử) phụ trách lắp ráp, gia công thiết bị; Trần Trường An (học năm 2 ngành ngôn ngữ Anh thuộc Khoa Ngoại ngữ) phụ trách tìm hiểu thị trường, lên chiến lược kinh doanh.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lâm Võ Hữu Duy (21 tuổi), đại diện nhóm thực hiện dự án này cho hay:

“Nhóm chúng em rất vui mừng, hạnh phúc nhưng cũng kèm theo một chút lo lắng khi được Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt Đan đặt hàng 1.000 sản phẩm với tổng trị giá 6 tỷ đồng. Bởi đây là dự án đầu tiên của nhóm nhận được đơn vị đầu tư.

Hữu Duy (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm của mình nhận đầu tư, đặt hàng từ doanh nghiệp tại Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" Startup Kite 2022. (Ảnh: NVCC).

Hữu Duy (ngoài cùng bên trái) cùng nhóm của mình nhận đầu tư, đặt hàng từ doanh nghiệp tại Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp" Startup Kite 2022. (Ảnh: NVCC).

Với những sinh viên trong nhóm, việc được doanh nghiệp tin tưởng và đặt hàng 1.000 sản phẩm, đầu tư hàng tỷ đồng, được đón nhận sự đồng hành và hỗ trợ của doanh nghiệp là điều rất tự hào”.

Hữu Duy cũng cho biết, ngoài Công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Việt Đan, nhóm cũng được Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel Corp) đầu tư 1 tỷ đồng để tiếp tục phát triển và thương mại hóa sản phẩm, đây là sự hỗ trợ và là động lực lớn để nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, đưa sản phẩm này mở rộng thị trường hơn.

Là những sinh viên năng động, không ngừng trau dồi, học hỏi, đặc biệt ở khối kiến thức về ngành Điện - Điện tử, Hữu Duy cùng các bạn trong nhóm nhận thấy nước ta còn nhiều sự cố hoả hoạn, cháy nổ do sự cố về điện và các nguyên nhân khác gây ra.

Từ ý tưởng quản lý nhà trạm viễn thông một cách tự động, cụ thể theo dõi các sự cố về cháy nổ, ngập nước, nhiệt độ phòng lên cao, sự cố mất điện, giám sát quản lý người ra vào nhà trạm, quản lý thời gian hoạt động của máy phát điện, và tiết kiệm năng lượng trong quá trình chạy máy điều hoà làm mát thiết bị trong các trạm phát sóng;

Quản lý cho kho bãi, kho lạnh, kho thuốc, các data center (trung tâm dữ liệu), các tòa nhà, hộ dân, đặc biệt quan trọng cho các nơi cần giám sát 24/7;

Hơn nữa, để hưởng ứng phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên, hưởng ứng “Chương trình Chuyển số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 3/6/2020, nhóm của Hữu Duy đã có ý tưởng nghiên cứu chế tạo ra ứng dụng Smart site: Giải pháp giám sát điều khiển từ xa trạm viễn thông.

Về kỹ thuật, Smart site sẽ hiển thị những dữ liệu thu được từ các cảm biến cho người dùng biết được tình trạng hoạt động tại các trạm được lắp đặt hệ thống.

Khi bật ứng dụng này, người vận hành sẽ dễ dàng thấy trên màn hình hiển thị các thông số tại trạm, và khi có sự cố báo cháy hay ngập nước, nó sẽ hiển thị một khung thông báo trên điện thoại và nơi lắp đặt Smart Site đang xảy ra sự cố.

Ngoài ra, Smart site còn có các tính năng như điều khiển và giám sát nguồn dự phòng (bình ắc quy, máy phát điện), lượng điện tiêu thụ và nhiệt độ, độ ẩm. Nhờ tính năng này, nếu không may xảy ra sự cố mất điện thì trạm viễn thông sẽ chuyển qua nguồn điện dự phòng, đảm bảo hoạt động không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian diễn ra cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” – Startup Kite 2022, nhóm sinh viên cũng gặp một số những khó khăn như hạn chế về thời gian và giai đoạn hoàn thiện sản phẩm để dự thi.

“Trong giai đoạn đầu, thiết bị chạy không ổn định nên nhóm em phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa (từ 1-2 tháng để thử nghiệm và điều chỉnh thiết bị). Các thành viên trong nhóm vừa học, vừa làm việc, cộng thêm áp lực thời gian giao hàng đúng tiến độ và đúng tính năng kỹ thuật nên cũng khá khó khăn.

Mặt khác, ở giai đoạn hoàn thiện phần vỏ hộp cũng gặp trục trặc do nhóm chưa có chuyên môn về khuôn vỏ hộp, các chi tiết về cơ khí phải tìm hiểu và học tập thêm. Nhóm em đã tự mua nhôm về gia công, nhưng chưa biết vận hành và cách sử dụng các máy móc để thực hiện. Tuy nhiên với tâm huyết và khát khao thì cuối cùng nhóm em đã đạt được thành công”, Hữu Duy cho biết.

Cũng theo Hữu Duy, trong buổi tập và kiểm tra trước ngày thi vòng bán kết thì thiết bị đã xảy ra sự cố ở mạch điều khiển, nhóm của em đã rất lo lắng vì chỉ còn 2 ngày nữa là tới cuộc thi.

Do đó, nhóm đã phải xử lý sự cố từ chiều đến tận 3 giờ sáng ngày hôm sau để khắc phục. Với sự nỗ lực và niềm hi vọng lớn không ngừng, cuối cùng nhóm cũng đã khắc phục thành công và thiết bị được hoạt động lại bình thường.

Để tiếp tục phát triển dự án trong tương lai, ngoài việc hoàn thành tốt chương trình học tại Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng Thành phố Hồ Chí Minh, Hữu Duy cùng nhóm dự án của mình đã có một số định hướng.

Theo đó, nhóm sẽ tiếp tục tối ưu firmware (phầm mềm) cho thiết bị; tuyển dụng thêm nhân sự phụ trách mảng kinh doanh mà nhóm còn yếu để phát triển kinh doanh sản phẩm; chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực về kinh tế, nhân sự,… để tiếp tục cải tiến, phát triển sản phẩm và tiếp tục thương mại sản phẩm ra thị trường; tiếp nhận các yêu cầu của các nhân viên kĩ thuật theo dõi tình trạng các trạm từ xa để cải tiến và mở rộng thêm các tính năng của sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm IoT (thiết bị có khả năng kết nối internet) tiếp theo như khóa cửa có OTP cho các nhà cho thuê tự động (airbnb), các thiết bị cho smart home, và tiếp tục nhận các đơn đặt hàng về sản phẩm IoT trong các lĩnh vực nông nghiệp thông minh, nhà thông minh, đô thị thông minh.

“Nền tảng công nghệ theo xu thế chuyển đổi số hiện nay là sản phẩm thuộc dạng IoT có cả phần cứng có thể chạy tự động tại site (vị trí của mình) và phần mềm có thể giám sát điều khiển từ xa qua website hay ứng dụng trên điện thoại đồng thời lưu trữ lại thông tin lên server (máy chủ), đây là nguồn thông tin quý giá cho sự phân tích dữ liệu khi cần thiết.

Nhóm chúng em sẽ tiếp tục tìm cơ hội để góp phần vào sự phát triển của công nghệ số, vào sự phát triển của đất nước trong tương lai”, Hữu Duy chia sẻ.

Trà My