Dự thảo chọn SGK có điểm mới nhưng việc triển khai sẽ không có nhiều xáo trộn

04/11/2023 06:33
Tuyết Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo Thông tư mới và Thông tư 25 tuy khác nhau về việc thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhưng triển khai sẽ không có nhiều xáo trộn.

Dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến nhận được sự quan tâm của xã hội. Một số lãnh đạo trường phổ thông bày tỏ mong muốn dự thảo sớm được ban hành.

Ảnh minh họa: Thủy Tiên

Ảnh minh họa: Thủy Tiên

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Phượng – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Lô (tỉnh Tuyên Quang) cho rằng, thực hiện Thông tư 25, công tác lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường khá thuận lợi.

Theo cô Phương, thực tế qua quá trình nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa của lớp 10 và 11, giáo viên nhận thấy, bên cạnh những sách phù hợp với học sinh, điều kiện của trường, cũng có sách không phù hợp.

Năm học 2023-2024, việc chọn sách giáo khoa lớp 10 và 11 có hiệu quả nhất định. Trong đó, những sách giáo khoa mà trường báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo đều được hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh phê duyệt.

"Với dự thảo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi nghĩ, công tác lựa chọn sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chủ động hơn nữa trên cơ sở nhà trường được thành lập 01 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.

Nhà trường cũng có những giáo viên giỏi, dạy tốt, giàu kinh nghiệm nên quá trình đánh giá sách giáo khoa sẽ đưa ra ý kiến thiết thực, dễ dàng nhận được đồng thuận và thống nhất lựa chọn các đầu sách giáo khoa phù hợp, chất lượng", cô Phượng chia sẻ.

Cũng theo cô Phượng, ngoài đội ngũ giáo viên, thành phần tham gia lựa chọn sách giáo khoa còn có đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh. Trong đó, một số phụ huynh học sinh am hiểu, dành thời gian nghiên cứu và nhiệt tình đóng góp ý kiến trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa.

“Sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có sự kết hợp của chữ, nhiều hình ảnh, khác với sách giáo khoa trước đây mà phụ huynh học sinh được học; có các đồ dùng, thiết bị dạy học, nên phụ huynh cũng thích, tin tưởng và nhất trí với lựa chọn sách giáo khoa của trường.

Về phía nhà trường, những thảo luận, chia sẻ của Ban đại diện cha mẹ học sinh là một “kênh” để trường tham khảo, tạo tính công khai, minh bạch, tăng giám sát xã hội trong lựa chọn sách giáo khoa”, cô Phượng nói.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Thông tư, cô Phượng hy vọng dự thảo sớm được xem xét thông qua để nhà trường có sự chuẩn bị.

Cùng chia sẻ với phóng viên, thầy Lưu Quốc Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai) cho rằng, điểm đáng chú ý nhất của dự thảo Thông tư là trường trung học phổ thông được thành lập 01 hội đồng lựa chọn sách giáo khoa.
Căn cứ kết quả chọn sách của trường sau khi được Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa.

Dự thảo Thông tư và Thông tư 25 tuy khác nhau về việc thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa nhưng quá trình triển khai sẽ không có nhiều xáo trộn.

Cũng theo thầy Hương, trước đây, thời điểm năm đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì quyền lựa chọn sách giáo khoa là các nhà trường. Đến khi triển khai Luật Giáo dục 2019, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thành lập hội đồng lựa chọn sách giáo khoa. Với dự thảo mới của Bộ, thầy Hương mong rằng sẽ nâng cao chất lượng chọn sách giáo khoa, đồng thời hạn chế phát sinh một số tiêu cực.

“Nhà trường có tổng 18 cán bộ, giáo viên, đảm bảo đầy đủ đội ngũ dạy chương trình mới. Mọi góp ý lựa chọn sách giáo khoa của tổ chuyên môn vẫn được lãnh đạo nhà trường lắng nghe nhưng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của trường.

Năm học 2023-2024, khi tiến hành góp ý, lựa chọn sách giáo khoa lớp 10 và 11, về cơ bản, mỗi môn học, giáo viên của trường nhất trí lựa chọn sách trong cùng một bộ để thuận tiện nghiên cứu, dễ trao đổi và chia sẻ tài liệu liên quan”, thầy Hương chia sẻ.

Hiện tại, có 3 bộ sách giáo khoa thiết kế theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Trường Trung học phổ thông số 1 huyện Bát Xát đang sử dụng sách của 2 bộ sách gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống và Cánh Diều.

“Để chọn sách giáo khoa phù hợp với các yếu tố (khả năng người dạy, nhận thức người học và điều kiện nhà trường,...), giáo viên được tham gia tập huấn xong sẽ tiến hành nghiên cứu, nhận xét và chọn sách trong khoảng nửa tháng.

Trên thực tế, có giáo viên năm học trước chọn sách của bộ sách này nhưng khi dạy cảm thấy chưa phù hợp, không đạt hiệu quả như kỳ vọng, năm học sau, giáo viên lựa chọn sách cho môn học đó ở bộ sách khác.

Ví dụ, môn Ngữ văn lớp 10, năm học 2022-2023, trường dạy sách thuộc bộ sách Cánh Diều, sau đó, nếu giáo viên cảm thấy sách không hứng thú bằng sách ở bộ Kết nối tri thức với cuộc sống thì năm học sau chọn sách Ngữ văn của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhà trường luôn lắng nghe và tôn trọng góp ý lựa chọn, sử dụng sách của giáo viên”, thầy Hương cho biết.

Chia sẻ thêm về công tác tập huấn sách giáo khoa mới, thầy Hương cho hay, giáo viên của trường được tập huấn online theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào tháng 6-7 (mỗi môn học tổ chức tập huấn 1-2 ngày, có môn tập huấn 1 buổi).

Dù hình thức tập huấn online nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu giáo viên có mặt ở phòng hội đồng trường để cùng tham gia học, điểm danh.

Do đó, mong muốn của giáo viên là tới đây Sở Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để giáo viên ở đâu cũng có thể tham gia tập huấn online, không cần đến trường trực tiếp. Bởi vì, có giáo viên nhà xa, đang ở quê trong dịp nghỉ hè thì phải lên trường 1-2 ngày để tập huấn online cùng với các giáo viên của trường rồi lại về quê, vất vả, tốn kém.

Tuyết Mai