Nhìn lại sự kiện 20 năm phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập

29/11/2013 13:07
Xuân Trung
(GDVN) - Tính tới năm 2013 hệ thống các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) đã có quá trình 20 năm phát triển, trong 20 năm đó có nhiều thay đổi tích cực giúp các trường xác lập được vị thế của mình, đặc biệt là các trường ra đời lâu. Tuy nhiên, do một số thách thức, yếu tố khách quan và chủ quan thì một số cơ chế chính sách chưa được thực hiện triệt để khiến nhiều trường vẫn lầm vào tình cảnh khan hiếm người học, xã hội định kiến…

Chặng đường phát triển 20 năm

Mô hình các trường ĐH, CĐ NCL là một thành phần mới  trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam. Hệ thống các trường tuy chưa phát triển như mong muốn của Đảng và Nhà nước, nhưng đã có nỗ lực vượt khó khăn, tìm tòi cách đi, cách hoạt động, gánh vác một phần tải trọng giáo dục đại học của cả nước.

Điều đó mở rộng cơ hội học ĐH, học nghề nghiệp của nhân dân, mô hình nhìn chung đã và đang đóng góp đáng kể cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nước nhà, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phục vụ công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Các trường ĐH, CĐ NCL hoạt động chủ yếu từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước, thu hút các nguồn lực xã hội để làm giáo dục, tuân thủ pháp luật hiện hành, phù hợp với điều lệ trường ĐH Việt Nam.

Là loại hình mới, thành phần mới, tự chịu trách nhiệm về tài chính, các trường có tố chất mới năng động, sáng tạo, hiệu quả. Trong tương lai khi hệ thống giáo dục đào tạo phát triển đúng quy luật, cạnh tranh bình đẳng, các trường ĐH NCL sẽ phát triển mạnh và có những trường là mô hình đối chứng về tổ chức quản lí, về hiệu quả đào tạo.

Cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt sinh viên trường công, trường tư để cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ảnh minh họa.
Cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt sinh viên trường công, trường tư để cụ thể hóa chủ trương xã hội hóa giáo dục. Ảnh minh họa.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển hiện đã có hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL, các trường đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, hiện nay đã chiếm 1/5 số trường, gần 1/7 số sinh viên cả nước, trong khi đó nhà nước không tốn đồng xu nào. Đáng tiếc đến nay các trường vẫn chưa được cơ quan quản lí vui vẻ thừa nhận, xã hội chưa vui vẻ hoan nghênh.

Bên mặt tích cực thì vẫn còn có không ít các trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết, ở một số trường các nhà đầu tư tài chính thuần tuý nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Đó là vì nhiều lí do, trong đó có lí do chủ yếu là mô hình chưa rõ ràng ngay trong văn bản pháp quy lẫn sự chỉ đạo định hướng trong thực tế.

Ngay từ đầu khi đề ra chủ trương xây dựng các trường NCL, chúng ta đã đặt hai sứ mạng lớn : Một là, huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, hình thành các cơ sở đào tạo, đồng hành với các trường công lập phát triển mạnh mẽ nền ĐH Việt Nam. Hai là, bằng cơ chế tự chủ cao và phải tự lực cánh sinh, xây dựng mô hình quản lý năng động hơn, hiệu quả hơn so với cơ chế quản lý có phần gò bó, trì trệ ở các trường công lập. Từ đó có thể nhìn lại và đổi mới cách quản lý các trường công lập.

Từ Trung tâm ĐH Thăng long ra đời năm 1988 đến nay cả hai sứ mạng đó các trường NCL đều làm nhưng chưa tốt. Theo nhận định, không phải là chưa đủ thời gian, mà là do chúng ta còn chập chờn trong tư duy, chập chờn vô cảm trong chỉ đạo.

Gần 20 năm qua đã có 2 quy chế Tổ chức và hoạt động các trường Dân lập, có 3 quy chế Tư thục được ban hành, gần đây có Quyết định 63/QĐ/TTg điều chỉnh Quy chế Tư thục hiện hành, nhưng mô hình hai loại trường này vẫn chưa được nghiên cứu thấu đáo. Thậm chí Quy chế Dân lập vẫn được sử dụng trái với nội dung của Luật Giáo dục.

Hệ thống ĐH NCL phát triển chưa xứng với tiềm năng

Đánh giá về mô hình các trường ĐH, CĐ NCL trong hơn 20 năm qua, GS. Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam đã cho biết, giáo dục ĐH của chúng ta chưa hoàn thành được sứ mạng cao cả là đào tạo ra lực lượng lao động cấp cao, có chất lượng, xây dựng được sức mạng trí tuệ của đất nước, góp phần trực tiếp xây dựng quốc gia, làm cho đất nước phát triển nhanh chóng và bền vững – giáo dục đại học chưa làm được điều này.

Chủ tịch Trần Hồng Quân cũng cho rằng, nếu ngân sách nhà nước không đáp ứng đủ cho giáo dục thì phải có khâu đột phá và không có cách nào khác là thực hiện tốt xã hội hóa, đây là một chủ trương tốt nhưng còn nhiều vướng mắc, còn nhiều định kiến, trong đó trường ĐH NCL là những sản phẩm của xã hội hóa.

Những thành tựu trong việc đóng góp nguồn nhân lực cho đất nước, làm phong phú thêm cho hệ thống  giáo dục, đặc biệt gánh được rất nhiều chi phí giáo dục cho nhà nước. Tuy vậy, GS. Trần Hồng Quân nhận định, Bộ GD&ĐT lại rất ít ghi nhận những thành công của các trường ĐH, CĐ NCL.

Thêm nữa định kiến của xã hội luôn cho rằng vào trường ĐH NCL là kém chất lượng, không có cơ hội tìm việc làm. Điều này được trả lời minh chứng cụ thể bằng việc rất nhiều trường ĐH NCL sinh viên tốt nghiệp ra làm được việc, không qua đào tạo như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế miền Đông...

Định kiến xã hội lâu nay vẫn rất nặng nề, thể hiện là việc sinh viên vào các trường NCL luôn giảm xuống, theo số liệu mới tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 12,7%. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển của các trường cũng chỉ bằng 1/3 các trường công lập. Và chừng ấy năm các trường phát triển lay lắt, ai chịu trách nhiệm, nếu không có gì thay đổi thì tỉ lệ 12,7% đó có thể thấp hơn ở những năm tiếp theo?.
TS. Lê Trường Tùng nói rằng, xã hội có định kiến với trường NCL nhưng lại không xem xét thấu đáo những gì bất cập ở ĐH công lập. Ảnh Xuân Trung
TS. Lê Trường Tùng nói rằng, xã hội có định kiến với trường NCL nhưng lại không xem xét thấu đáo những gì bất cập ở ĐH công lập. Ảnh Xuân Trung

TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng ĐH FPT cũng cho biết, lâu nay, báo chí nhắc nhiều đến tình trạng các trường đại học được mở ra ồ ạt "như nấm mọc sau mưa", kéo theo chất lượng đào tạo đại học giảm sút thê thảm do chất lượng không chạy kịp với số lượng. Một số ý kiến cho rằng đó là do các trường tư (ngoài công lập) mở ra quá nhiều.

Thế nhưng, những số liệu được TS Lê Trường Tùng nêu ra đã chứng minh điều ngược lại: "Mọc" nhiều hơn "nấm", có thể ví mọc như "siêu nấm", chính là các trường ĐH, CĐ công lập, trong đó rất nhiều trường "đôn" từ cao đẳng, trung cấp lên.

Qua số liệu thống kê chính thức trên Website của Bộ GD&ĐT trong 10 năm (2001-2011) cho thấy: Trong 10 năm các trường ĐH, CĐ NCL tăng thêm 59 trường, vẫn trong ngần ấy thời gian số lượng các trường ĐH, CĐ công lập đã là 158 trường. Như vậy mỗi 1 trường ngoài công lập được mở ra thì có khoảng 2,68 trường công lập ra đời.

"Thực tế, hệ thống trường công lập tăng gấp gần 3 lần so với các trường NCL mà không ai đề cập tới. Trong khi mỗi một trường công lập ra đời phải có tiền từ ngân sách vào, các trường NCL không những không được hưởng ngân sách nhà nước mà còn phải đóng thuế, thuế đó góp vào ngân sách nhà nước và rót ngược lại cho các trường công lập. Điều đó cho thấy bức tranh hiện nay các trường công lập tồn tại được là trong đó có một phần tiền thuế từ các trường ngoài công lập”, TS Lê Trường Tùng nhận định.

Thực tế, sau 20 năm phát triển hệ thống trường ĐH, CĐ NCL mới chỉ chiếm gần 13% mặc dù trước đây nhiều năm đã có chính sách xã hội hóa, năm 2005 sau khi có Luật giáo dục đã có Nghị quyết 14 về việc nâng sinh viên NCL lên 40%. Năm 2007 trong quy hoạch hệ thống CĐ, ĐH toàn quốc cũng có đặt mục tiêu sinh viên NCL cố gắng đạt 40% hoặc 30%, nhưng  thực tế con số hiện nay như vậy là không yên tâm.

“Chúng tôi thực sự không yên tâm khi năm 2012 Chính phủ ban hành Chiến lực phát triển giáo dục Việt Nam tới năm 2020 và đã bỏ ra ngoài chiến lược phát triển mục tiêu liên quan tới việc phát triển hệ thống NCL. Trong chiến lực phát triển 2012 về giáo dục Việt Nam nói chung đã không còn chỉ tiêu dự kiến sinh viên NCL chiếm 30% nữa”TS. Tùng nói.

Tuy nhiên, trong bản Nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam vừa được ban hành đã xác định mục tiêu phát triển bằng cách “khuyến khích xã hội hóa…Tăng  tỷ lệ trường NCL đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư. Đây là một trong những tiền đề căn bản để phát triển quy mô giáo dục NCL trong thời gian tới.

Cần thực hiện triệt để cơ chế chính sách với các trường NCL

Trong một lần đề cập về chủ trương xã hội hóa hiện nay, trên quan điểm cá nhân, ông Lê Văn Học- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nêu quan điểm cá nhân, đây là một chủ trương không thể thay đổi được. Trong những năm qua hệ thống giáo dục đại học chỉ nhận được khoảng 10% trong tổng số 20% ngân sách cho giáo dục từ nhà nước (khoảng 500 trường).

Với lượng ngân sách như vậy thì không thể cáng nổi cả hệ thống giáo dục. Về cơ bản các trường ĐH, CĐ NCL phát triển tương đối tốt, không có gì quá căng thẳng, một số cơ chế chính sách hiện nay đối với các trường NCL rất xa thực tế, gây khó khăn cho các trường khi thực hiện.

Điển hiển như chủ trương giao đất sạch cho các trường, nhưng hiện chưa có trường nào gọi là có được đất sạch, nếu chúng ta không có tiền đền bù mặc dù luật của nhà nước đã quy định là thế nhưng còn “lệ làng” thì không bao giờ có đất để xây dựng trường.

Ở khía cạnh khác, hiện nay cách ứng xử của xã hội đối với hệ thống giáo dục đại học, trong đó có các trường NCL cần xem lại.

Bà Ngô Thị Minh- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trong lần làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL mới đây cũng đề cập, lợi ích của người học trong các trường NCL rất bất bình đẳng, Nghị quyết 05, ngày 18/ 04/ 2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao rất đúng nhưng hiện chưa thực hiện được tốt, ngay bản thân Bộ GD&ĐT không thể làm được mà cần nhiều bộ khác cùng làm.

Đứng trên sự bình đẳng, công bằng thì một học sinh có trình độ như nhau và có quyền lựa chọn các trường công hay NCL để học. Bà Ngô Thị Minh cho rằng, khi người học học ở trường NCL cũng phải được sự hỗ trợ tối thiểu như trường công, còn khi nào học chất lượng cao lúc đó nhà nước phải lo.

“Hiện nay không có sự công bằng đó, cho nên tại sao người học lại đổ xô vào học công lập. Nếu bài toán phát triển các trường công lập mà chúng ta để đầu tư mồi cho việc phát triển các trường NCL thì kết quả chắc chắn sẽ khác hơn bây giờ” bà Minh nêu quan điểm.

Về chính sách trong tuyển sinh đối với các trường đại học hiện nay, ông Lê Văn Học nêu quan điểm rằng, nếu Bộ GD&ĐT  khẳng định có thay đổi gì trong tuyển sinh cũng phải chờ sau 2015. Tuy nhiên, trong Luật Giáo dục đại học đã quy định các trường được phép tự tuyển sinh, tự ra đề, nếu bộ GD&ĐT tuyên bố như vậy phải chăng Luật sẽ vứt vào sọt rác?

Dự kiến, trong tháng 12 tới Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT chính thức có chương trình tổng kết mô hình hoạt động 20 năm qua của các trường NCL.

 
Xuân Trung