Vì đâu giáo viên....sợ tập huấn?

09/06/2018 06:26
Lại Cường
(GDVN) - Công tác, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ là một nhiệm vụ bắt buộc, quan trọng của giáo viên để cập nhật kiến thức mới, đáp ứng xu thế phát triển.

Tuy nhiên, chất lượng các cuộc tập huấn giáo viên hiện nay đang đặt ra nhiều câu hỏi về chất lượng.

Trăn trở trong việc đào tạo sư phạm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, Phó hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng đã có những chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về thực trạng chất lượng đào tạo, tập huấn giáo viên hiện nay.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chú ý đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên hiện tại và giải quyết số lượng giáo viên còn dôi dư sau đào tạo.

Théo Phó Giáo sư Hiên, Bản chất tập huấn là việc làm hết sức cần thiết. Bởi đây là cơ hội bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, chuyên môn cho mọi ngành, nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành giáo dục.

Tập huấn giúp cho thầy cô giáo kịp thời tiếp cận, làm quen cái mới, cái sắp thay đổi, cải tiến, đồng thời củng cố, bổ sung, nâng cao nhận thức, hiểu biết về những phần kiến thức, kỹ năng sư phạm còn thiếu, còn hạn chế của bản thân.

Trong đó, việc tập huấn sư phạm đảm bảo đáp ứng mục tiêu, các yêu cầu trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, chất lượng các cuộc tập huấn thời gian qua cần phải xem lại.

 Để tránh "đi vào vết xe đổ" của những lần tập huấn trước Phó Giáo sư Hiên cho rằng trước hết cần khắc phục việc tập huấn theo kiểu hình thức dẫn đến căn bệnh "cưỡi ngựa xem hoa" như hiện nay.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên: “Trước khi nói đến việc nâng cao chất lượng thí sinh đầu vào cho ngành sư phạm, việc nâng cao chất lượng tập huấn đội ngũ giáo viên hiện nay là nhiệm vụ quan trọng hơn cả, nó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy trong giáo dục.

Để làm được việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm mạnh dạn và quyết liệt hơn, thậm chí có thể dừng đào tạo chính quy, tập trung vào bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hiện có và còn một lượng lớn dôi dư như hiện nay”.

Theo Phó giáo sư Hiên, hiện nay, có một thực tế đang tồn tại trong việc tập huấn sư phạm đó chính là hiệu quả và tính thực chất của hoạt động này.

“Gần đây, ta cứ nói đến việc đổi mới phương pháp dạy học truyền thống "thầy đọc, trò chép" sang lấy học sinh làm trung tâm, dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, dạy học theo chủ đề, dạy học tích hợp liên môn... sau đó mở các lớp bồi dưỡng liên tục.

Tuy nhiên, vấn đề này không phải bây giờ mới triển khai bồi dưỡng nhưng bồi dưỡng mà hiệu quả không đáng là bao.

Lâu nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo nền tảng cơ bản đổi mới nội dung, phương pháp dạy học cho giáo viên bằng những chuyên đề bồi dưỡng cấp Phòng, Sở.

Tuy nhiên, đáng tiếc là mọi thứ vẫn đang dừng lại ở lý thuyết với những kiến thức hàn lâm nặng nề.

Hình thức bồi dưỡng phổ biến hiện nay là cử giáo viên cốt cán đi tập huấn, rồi về trường tập huấn lại cho tất cả giáo viên, cùng với việc mỗi giáo viên tự bồi dưỡng theo đăng ký, kế hoạch từng năm học của mình.

Đến gần cuối năm học, từng tổ chuyên môn, nhà trường tự tổ chức kiểm tra các chuyên đề, mô-đun  hoặc theo đề của phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo.

Vì là anh em đồng nghiệp của nhau, nên kết quả điểm bồi dưỡng thường xuyên của tất cả cán bộ, giáo viên đều cao "ngất ngưởng", toàn điểm giỏi trở lên.

Tuy nhiên, thực tế hình thức này đã khiến kiến thức cơ bản được truyền tải đã bị "tam sao thất bản" một phần.

Việc tập huấn từ trên cao xuống thấp như vậy  dẫn đến việc giáo viên thực hiện theo kiểu "hiểu gì làm đó", "mạnh ai nấy làm".

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, đôn đốc vẫn nặng về hình thức, kiểm tra trên giấy tờ và hồ sơ lưu trữ.” Phó Giáo sư Hiên trăn trở.

Kết quả của việc tập huấn kiểu này là các trường triển khai dạy học phát triển năng lực học sinh theo kiểu hình thức, đối phó.

Những hình thức tập huấn kiểu hình chóp này dẫn đến chuyện bi hài là báo cáo viên không nắm thực tế kiến thức ở cấp dưới có những gì.

Trong khi đó, các giáo viên đang tham gia công tác giảng dạy không hào hứng gì với các chương trình tập huấn ngắn hạn, dài hạn... dù rất tốn kém nhưng chất lượng không đi đến đâu.

Lấy ví dụ như tập huấn phát chuyên đề phát triển năng lực cho học sinh. Với hình thức tập huấn hiện tại, khi tập huấn xong, các thầy cô giáo chỉ chỉnh sửa giáo án thêm mục phát triển năng lực để cán bộ cấp phòng về....kiểm tra.

Còn việc thực dạy phát triển năng lực vẫn còn mơ hồ, rối rắm cực kỳ khi giáo viên chưa thật sự tường tận lý thuyết, chưa tham dự tiết dạy mẫu để học tập kinh nghiệm.

Do đó, hiệu quả của các đợt tập huấn, bồi dưỡng chẳng thấm là bao đối với số đông trong đội ngũ nhà giáo. Họ vẫn dạy theo phương pháp cũ, học trò nắm, vận dụng kiến thức đến đâu không cần quan tâm đến. Phó giáo sư Hiền nêu vấn đê.

Giáo viên sợ tập huấn vì những buổi tập huấn nhàm chán và thiếu thực chất. (Ảnh minh họa: LC)
Giáo viên sợ tập huấn vì những buổi tập huấn nhàm chán và thiếu thực chất. (Ảnh minh họa: LC)

Để khắc phục vấn đề này, theo Phó Giáo sư Hiên: “Để nâng cao chất lượng các cuộc tập huấn, nâng cấp chất lượng nhân sự ngành giáo dục,  Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đưa đội ngũ giáo viên đi học tập trung tại các cơ sở đào tạo sư phạm trọng điểm”.

Vị Phó hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng đã nêu ra kinh nghiệm từ trường Đại học Hải Phòng:

“Về việc đào tạo giáo viên, khi đào tạo giáo viên khi cần dạy mẫu, các giáo viên phương pháp, chứ không phải việc đi làm quen với sách giáo khoa mới như thế nào.

Trước đây, khoa ngữ văn của trường Đại học Hải Phòng đã áp dụng hình thức hướng dẫn từ thực tế cho sinh viên.

Theo đó, trước khi cho sinh viên tập giảng, nhà trường đã mời giáo viên dạy giỏi ở phổ thông về dạy đúng bài đấy. Đối tượng nghe chính là sinh viên chuẩn bị thực tập.

Thông qua việc dạy học đó, sinh viên sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân dựa trên phương pháp thực nghiệm dạy học từ người giáo viên dạy giỏi.

Hiện nay, khi công nghệ cho phép, trường Đại học Hải Phòng đã ký ghi nhớ với các trường phổ thông trong địa bàn thành phố, triển khai việc học tập trực tuyến cho sinh viên.

Việc này có thể áp dụng cho việc tập huấn để nâng cao cho giáo viên, tại sao không làm việc đó theo công nghệ? Phó Giáo sư Hiên đặt câu hỏi.

“Việc đào tạo trực tuyến sẽ có nhiều điểm thuận lợi, trong đó phương pháp dạy sẽ thực chất hơn.

Việc tập huấn, dạy giỏi bằng hình thức cổ điển như hiện nay có thể sẽ sa vào việc đóng kịch, khuôn mẫu, thiếu sáng tạo.

Trong khi đó, nếu giảng dạy trực tuyến, không gặp mặt trực tiếp, không có áp lực người ngồi dưới, người dạy có thể thoải mái sáng tạo bài giảng theo cách của mình, từ đó phát huy năng lực bản thân, thoát khỏi tính sáo mòn khuôn mẫu khô cứng.

Rõ ràng, đây là câu chuyện còn nhiều bất cập, giáo dục hiện nay càng cải cách, lại càng lạc hậu so với công nghệ.

Đây cũng là trăn trở của những người làm sư phạm”.  Phó Giáo sư Hiên thẳng thắn nhìn nhận về thực trạng tập huấn giáo viên hiện nay.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Hiên cũng đặt câu hỏi: “Nếu 2019 thực hiện sách mới có ai biết nguồn nhân lực thực hiện chất lượng sẽ như thế nào?

Khi sách in cấp tập xong rồi, việc bồi dưỡng trong thời gian ngắn liệu có đủ bồi dưỡng về phương pháp, kỹ thuật giảng dạy phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới không hay thời gian đó chỉ đủ để xem sách giáo khoa mới có những gì thôi?"

Vì đâu giáo viên....sợ tập huấn? ảnh 25 đợt 8 ngày tập huấn liệu có cho ra lò lứa “giáo viên tích hợp”?

Đánh giá về vấn đề này, Phó Giáo sư Hiên nêu: "Thời gian để các thầy cô giáo được đào tạo phù hợp với bộ sách vở mới cần rất nhiều thời gian.

Với hình thức tập huấn như hiện nay khó thầy cô giáo nào có thể "đạt giỏi" như đánh giá được.

Nhất là đội ngũ giáo viên có đội hình bồi dưỡng mạnh, giáo viên trẻ, đang có cái mới, nhiệt tình, tích cực, để tiếp thu thì lại cho họ tập huấn theo kiểu nhàm chán và cổ điển nên họ rất dễ học theo kiểu đối phó”.

Phó giáo sư Hiên cho rằng để đảm bảo làm được việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá lại thực chất của việc tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên.

Để việc tập huấn có thực chất, trước hết cần sàng lọc, phân loại đối tượng giáo viên để tìm cách bồi dưỡng, tập huấn phù hợp.

Giáo viên khá, giỏi thì thời gian bồi dưỡng ít; giáo viên trung bình, năng lực chuyên môn còn hạn chế thì bồi dưỡng, tập huấn kỹ lưỡng hơn.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải rà soát lại và thống nhất lại hệ thống văn bản chỉ đạo đối với ngành.

Theo đó, song song với Luật Giáo dục sắp được thông qua, Bộ phải có quy chế riêng về đào tạo sư phạm và tập huấn cho giáo viên.

Đi theo các quy chế có thể có văn bản, thông tư hướng dẫn cụ thể về thực hành đổi mới tập huấn sư phạm như vậy mới có thể nâng cao chất lượng giáo viên, từ đó đổi mới giáo dục mới có hiệu quả.

Lại Cường