Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

27/06/2018 06:29
NHẬT KHOA
(GDVN) - Trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành giáo viên cũng không phải tham gia trực trường.

LTS: Sau vụ việc cô P.T.N.N - giáo viên Trường trung học cơ sở Lê Thuyết (Thừa Thiên Huế) bị xâm hại khi đang ở trường trực hành chính, tác giả Nhật Khoa đã có bài viết bàn về việc giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè hay không?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Sự việc đau lòng đã xảy ra với cô P.T.N.N (33 tuổi) Trường trung học cơ sở Lê Thuyết – Thị xã Hương Trà – Thừa Thiên Huế khi đang trong thời gian trực trường khoảng 9 giờ 15 phút ngày 20/6 đã bị một thanh niên bịt mặt xông vào trường dùng dao đe dọa, uy hiếp và khống chế và thực hiện hành vi xâm hại.

Mặc dù, cô P.T.N.N ra sức chống cự nhưng lực bất tòng tâm chỉ vì sân trường chỉ có một mình cô và tên biến thái kia có khả năng đã sử dụng chất kích thích gây nghiện (trong túi có gói cỏ “Mỹ”).

Trường trung học cơ sở Lê Thuyết, Thừa Thiên Huế nơi cô P.T.N.N bị hiếp dâm (Ảnh minh họa: laodong.vn).
Trường trung học cơ sở Lê Thuyết, Thừa Thiên Huế nơi cô P.T.N.N bị hiếp dâm  (Ảnh minh họa: laodong.vn).

Đây thật sự là hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ an toàn cho các thầy, cô giáo khi trực hè, trực lễ tết,… khi mà an ninh trong khuôn viên trường học không được đảm bảo.

Ai bảo vệ giáo viên trực?

Việc cô giáo trên đến trường trực hè nhưng không có lãnh đạo trực (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn, bảo vệ, nhân viên,…) là nguyên nhân chính dẫn đến việc cô bị kẻ lạ mặt khống chế, hiếp dâm để lại hậu quả vô cùng nặng nề, đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần, một vết nhơ khó có thể gột rửa được.

Hành vi đốn mạt, ti tiện của tên yêu râu xanh chắc chắn sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng, nhưng hành vi gián tiếp gây nên sự việc đau lòng trên là sự “bỏ mặc” của các giáo viên trực, lãnh đạo và cả bảo vệ cơ quan là không thể bỏ qua.

Họ phải chịu trách nhiệm về tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, họ phải bị xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh nhất.

Cần mạnh tay nếu Hiệu trưởng không tôn trọng quyền của giáo viên

Cô giáo đã bị làm nhục, đau khổ còn họ không thể ung dung, họ phải bị xử lý về pháp luật và lương tâm phải day dứt, nhất là vị hiệu trưởng.

Qua sự việc xảy ra không thấy vị hiệu trưởng nhận lỗi của mình là bảo vệ giáo viên mà còn cố thanh minh, bao che cho vi phạm của cấp dưới (giáo viên trực, bảo vệ) và bao che cho cả việc không có mặt của mình trong giờ hành chính là một hành vi không thể chấp nhận được.

Hiệu trưởng đã không bảo vệ được giáo viên của mình để xảy ra sự việc đau lòng, đáng tiếc trên. Vị hiệu trưởng đã buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát.

Sự việc này rất nặng nề, trong giai đoạn này việc làm đầu tiên là vị hiệu trưởng phải từ chức để giữ lại chút tự trọng, chút uy tín, chút lòng nhân còn sót lại, cũng là để an ủi cho nỗi đau khổ, tủi nhục mà cô giáo kia đang phải gánh chịu, cũng là để làm gương cho các hiệu trưởng khác trong việc bảo vệ giáo viên.

Giáo viên có phải trực hè?

Về thời gian làm việc theo thông tư 15/2017/TT-BGDĐT - Sửa đổi Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông kèm theo Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT Quy định ở Điểm a, khoản 3, Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

"Thời gian nghỉ hè hàng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hàng năm theo quy định của Bộ Luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có)".

Bên cạnh đó Luật Lao động, Luật Giáo dục,… tôi nhận thấy rõ một điều là trong thời gian hè giáo viên được nghỉ 2 tháng (từ 01/6 đến 31/7) được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có) và bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 01/8 (một số vùng tùy tình hình mưa, lũ có thể trước hoặc sau thời gian trên theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh).

Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành giáo viên cũng không phải tham gia trực trường.

Đâu là vực thẳm của xã hội?

Nhưng nhiều trường trên cả nước bắt buộc giáo viên phải trực trường (có nơi phân công chỉ có một giáo viên trực – khá nguy hiểm) mà không hề có khoản chi nào cho giáo viên hay có ai bảo vệ giáo viên trong thời gian trực theo tôi là trái Luật Lao động, trái các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành?

Nếu giáo viên trực hè (trực trong thời gian nghỉ) phải được trả thêm tiền tăng giờ cho ngày làm việc của giáo viên theo quy định pháp luật.

Tôi rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ban ngành liên quan giải đáp rõ vấn đề trên.

Ai phải tham gia trực hè?

Trường học thì không thể bỏ hoang trong suốt 2 tháng hè, bên cạnh đó còn nhiều việc cần giải quyết trong dịp hè như tiếp nhận học sinh mới, tiếp nhận bảo hiểm tai nạn, thông báo kế hoạch học tập,… nên trường phải có lực lượng làm việc trong giờ hành chính là hợp lý.

Những công việc trong dịp hè thuộc thẩm quyền giải quyết của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các chuyên trách và nhân viên văn phòng,….

Việc nhiều giáo viên nghỉ hè đến trường trực thường chỉ để “ngủ” hoặc ngồi cho hết buổi mà không giải quyết được gì đa số mất thời gian, công sức.

Để cho lãnh đạo, giáo viên tự tung, tự tác … biết bao hệ lụy sẽ xảy ra?

Vậy thì ai phải trực trường trong dịp hè?

Giáo viên thì được nghỉ 2 tháng hè nên không trực là đúng, còn lại những hiệu trưởng, nhân viên là thực hiện theo giờ hành chính phải công tác ngày 8 giờ nên lực lượng đó phải đến trường công tác chứ không phải trực.

Lực lượng công tác trong suốt thời gian hè bao gồm hiệu trưởng – công chức, phó hiệu trưởng, nhân viên kế toán, nhân viên y tế học đường, chuyên trách thiết bị - thư viện (nếu có) và một lực lượng không thể thiếu đó chính là bảo vệ trường học.

Cũng có thể cảm thông phần nào cho những vất vả của lực lượng trên, nhưng luật là luật phải nghiêm chỉnh chấp hành, ai cố tình vi phạm phải xử nghiêm theo quy định của pháp luật, đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Qua sự việc trên, qua các văn bản quy phạm pháp luật, sự việc trên xảy ra trong giờ hành chính các lực lượng trên không thể vô can?

Trách nhiệm chính thuộc về hiệu trưởng và các thành phần trên, phải đình chỉ nhiệm vụ hiệu trưởng và các thành viên để làm rõ trách nhiệm từng người liên quan.

Dù không có trong các văn bản quy phạm pháp luật nhưng cuối năm Sở/Phòng giáo dục hay có văn bản gửi các đơn vị trường yêu cầu phân công giáo viên trực hè 24/24 giờ mà không hề có bất kỳ chế độ nào dành cho giáo viên.

Tôi nhận thấy các văn bản này trái Luật, nhưng có chỉ đạo của cấp trên nên các trường phân công và giáo viên đương nhiên chấp hành, nếu có ý kiến thì các hiệu trưởng nêu văn bản chỉ đạo của cấp trên, nên giáo viên đành miễn cưỡng chấp hành.

Do đó, tôi xin đề nghị Bộ Lao động thương binh – xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản chính thức về việc giáo viên có trực hè hay không?

Nếu trực hè là tự nguyện hay bắt buộc?

Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành?

Nếu giáo viên trực hè là căn cứ quy định nào?

Chế độ thêm giờ cho giáo viên trong thời gian trực hè được thanh toán như thế nào?

Trong thời gian chờ văn bản chính thức của các ban ngành liên quan, các cơ sở giáo dục không phân công giáo viên trực hè để tránh các trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra đối với giáo viên.

Việc này một lần nữa cảnh báo về việc quản lý phải tuân thủ quy định trong khuôn khổ pháp luật và các hiệu trưởng phải nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, phân công, phân việc cụ thể và có kiểm tra, giám sát.

Cô giáo không có lỗi, lỗi là lỗi của tên đốn mạt, của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, và các nhân viên, bảo vệ trường đã không có mặt ở trường trong giờ hành chính.

Xin chân thành chia buồn cùng cô, rất mong cô mạnh mẽ lên, vượt qua nỗi đau này để tiếp tục là người giáo viên tốt.

Ai có tội thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, lương tâm.

Bên cạnh đó, giáo viên rất mong chờ câu trả lời thỏa đáng về việc giáo viên có trực hè hay không? Chế độ trực hè ra sao? Ai bảo vệ giáo viên trực trường... đang chờ được trả lời từ những người có trách nhiệm liên quan.

NHẬT KHOA