Cô giáo vùng cao Nguyễn Thị Thắm hết mình vì sự nghiệp giáo dục

23/08/2019 06:34
VĂN BÁ
(GDVN) - Suốt 18 năm công tác, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, giáo viên Trường Tiểu học Đầm Hà (Quảng Ninh) luôn có uy tín với đồng nghiệp, được các thế hệ học trò quý mến.

Đã từng giảng dạy ở những vùng khác nhau, từ xã vùng cao Quảng Lâm tới môi trường năng động hơn tại xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh), cô giáo Nguyễn Thị Thắm vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết.

Cô Thắm chia sẻ, năm 2002, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, cô được nhận phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Quảng Lâm (huyện Đầm Hà).

Đặc thù xã nghèo vùng cao khi ấy nên điều kiện trường lớp, trang thiết bị dạy học còn thiếu thốn đủ bề.

Nhưng với quyết tâm và nỗ lực, cô giáo Thắm đã cùng với Ban Giám hiệu nhà trường nỗ lực khắc phục mọi khó khăn đưa chất lượng giảng dạy và học tập của trường ngày một nâng cao.

Cô Thắm được các giáo viên Trường Tiểu học Quảng Lâm đánh giá là một trong những giáo viên trẻ luôn mạnh dạn trong việc thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bên cạnh đó, cô luôn học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp, trăn trở với từng trang giáo án, tìm phương pháp giảng dạy mới giúp học sinh dễ hiểu, định hướng cho các em tích cực học tập, rèn luyện.

Cô giáo Nguyễn Thị Thắm nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Văn Bá)
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn" của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019. (Ảnh: Văn Bá)

Những điểm trường Lý Khoái, Sẹc Lống Mìn xa trung tâm xã đến 8 cây số đường rừng cũng không thể làm khó được quyết tâm, trách nhiệm của cô giáo Nguyễn Thị Thắm khi đến từng nhà, từng bản để động viên các em học sinh đến trường.

Sau này, khi chuyển công tác về Trường Tiểu học xã Đầm Hà, cô Thắm tiếp tục là một nhân tố điển hình trong phong trào thi đua của tập thể nhà trường.

 “Các em ở lứa tuổi tiểu học thì luôn hiếu động và ham chơi, nên nhiệm vụ của giáo viên chính là tìm ra cách hiệu quả nhất để giúp các em tập trung, hứng thú trong mọi tiết học, bài giảng.

Theo tôi, muốn có được một bài học sinh động, lôi cuốn, các em đều có tâm lý thoải mái, tiếp thu bài hiệu quả thì mình vừa phải vững vàng về kiến thức, cần cả kỹ năng truyền tải những điều đó tới học sinh”, cô Thắm chia sẻ.

Với tấm lòng yêu nghề, cô giáo Thắm luôn xác định rằng: Nghề giáo viên được xã hội tôn vinh, được biết bao thế hệ yêu mến gọi danh xưng là “thầy”, là “cô”.

Đó là bởi mỗi nhà giáo có một trách nhiệm rất lớn, tác động đến cả nhân cách, năng lực của cả một đời con trẻ.

Hoa trên đá: Giá như có bàn tay người đàn ông
Hoa trên đá: Giá như có bàn tay người đàn ông

Đối với học sinh, giáo viên dạy kiến thức và còn dạy đạo lý làm người để trang bị cho các em hành trang vững bước vào đời.

Vì thế bản thân mỗi nhà giáo cần phải kiên định với con đường đã chọn, không ngừng lao động, cống hiến.

Không chỉ là giáo viên giỏi về chuyên môn, cô Thắm còn là một Chủ tịch Công đoàn đầy trách nhiệm, với thành tích liên tục nhận các giấy khen, bằng khen của Công đoàn Giáo dục tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh...

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (1929-2019) vừa qua, cô Thắm tiếp tục được đồng nghiệp, tập thể tín nhiệm giới thiệu là một trong 84 đại diện tiêu biểu trong toàn tỉnh được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Năm học 2019-2020 này, cô giáo Thắm sẽ nhận nhiệm vụ mới, luân chuyển công tác về lại ngôi trường cũ từng gắn bó hơn 12 năm: Tiểu học Quảng Lâm.

Xã nghèo nay đã bớt khó khăn nhờ các chương trình 135, xây dựng nông thôn mới;

Cơ sở vật chất của nhà trường đã được đầu tư khang trang, chuẩn bị điều kiện để đạt chuẩn quốc gia;

Đồng bào vùng sâu, vùng xa đều hiểu được ý nghĩa của việc cho con em đi học đầy đủ để thoát nghèo...

Bản thân cô Thắm cũng đang bắt tay ngay vào những dự định mới, cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp “trồng người” ở vùng cao này.

VĂN BÁ