LTS: Ngày 27/11, Việt Nam có 8 cơ sở giáo dục đại học lọt top 500 đại học châu Á theo xếp hạng của QS (QS World University Rankings 2020- bảng xếp hạng thường niên về thứ hạng các trường đại học trên thế giới của Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds - Anh Quốc).
Được biết, tổ chức QS châu Á xếp hạng các đại học dựa trên 10 tiêu chí với trọng số khác nhau, gồm: Danh tiếng về học thuật (30%); Khảo sát ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp (20%); Tỉ lệ giảng viên/sinh viên (15%); Tỉ lệ đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ (5%); Tỉ số bài báo xuất bản trên giảng viên (10%); Trích dẫn mỗi bài nghiên cứu được công bố (10%); Tỉ lệ giảng viên quốc tế (2,5%); Tỉ lệ sinh viên quốc tế (2,5%); Trao đổi sinh viên trong nước (2,5%).
Trước kết quả này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Hiệp – Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Edlab Asia và cũng là chuyên gia về giáo dục đại học.
Việt Nam góp mặt 8 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng QS năm 2020, kết quả này có bất ngờ không, thưa ông?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Những năm gần đây, các trường ngày càng quan tâm nhiều hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học, thúc đẩy hội nhập quốc tế trong nghiên cứu khoa học nên khi nhìn vào danh sách 8 cơ sở giáo dục đại học này tôi thấy đây không phải là một kết quả quá bất ngờ bởi nó vẫn chưa đánh giá hết được tiềm năng của giáo dục đại học Việt Nam.
Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, khi có tên trong các bảng xếp hạng sẽ giúp các trường dễ thu hút sinh viên quốc tế hơn, dễ hợp tác với các trường đại học nước ngoài hơn. (Ảnh: Thanh Hùng) |
Tôi dự đoán, trong 1-2 năm tới, con số các cơ sở giáo dục vào bảng xếp hạng này không chỉ dừng lại ở con số 8 mà tăng lên 10-12 thì cũng là chuyện bình thường vì hiện nay sự quan tâm phát triển cả đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường khá tốt.
Việc các trường cải thiện thứ hạng trong bảng xếp hạng, người học và nhà trường được hưởng lợi gì?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Rõ ràng, các cơ sở giáo dục được xếp hạng đều là những cơ sở đáp ứng được những yêu cầu nhất định về năng lực khoa học thông qua tỉ lệ giảng viên là tiến sĩ, số lượng và chất lượng công trình khoa học được công bố trên các tạp chí có uy tín, mạng lưới nghiên cứu quốc tế đã tham gia.
Tuy xếp hạng không phải là mục tiêu phát triển tối thượng của trường đại học mà chỉ như là máy đo sức khỏe của trường nhưng các bảng xếp hạng là một phần của giáo dục đại học, với người học thì có thể xem đây là một kênh để tham khảo khi lựa chọn trường đại học.
Ngoài ra, là một người từng đi dự hội thảo của QS ở phiên kết nối các trường với nhau, tôi nhận thấy, khi có tên trong các bảng xếp hạng sẽ giúp các trường dễ thu hút sinh viên quốc tế hơn, dễ hợp tác với các trường đại học nước ngoài hơn.
Có 8 trường lọt top 500 châu Á nhưng nếu so với một số nước trong khu vực ASEAN có các trường lọt top 100 bảng xếp hạng QS Asia 2020 thì vị trí cao nhất của đại học Việt Nam mới chạm đến 143. Theo ông, làm sao để chúng ta có được thứ hạng cao hơn trong tương lai?
Tiến sĩ Phạm Hiệp: Khi nhìn vào bảng xếp hạng QS châu Á cho thấy Thái Lan và Indonesia đều có 20 trường trong đó 3 trường lọt top 100 còn Philippin có 7 trường trong đó có 1 trường lọt top 100.
Đừng đợi tới khi giàu mới xây dựng đại học đứng vào top cao thế giới |
Theo tôi nhớ thì đây là lần đầu tiên Việt Nam vượt số lượng trường lọt vào bảng xếp hạng này so với Philippin nhưng chúng ta lại chưa có cơ sở giáo dục nào nằm ở top 100.
Chính vì vậy, theo tôi, muốn có thứ hạng cao thì trước hết chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học phải tốt. Mà muốn có chất lượng đào tạo, nghiên cứu tốt, trước hết cần phải triển khai tốt các hoạt động đảm bảo chất lượng.
Bởi lẽ, như bạn thấy đó, Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Duy Tân dù còn non trẻ nhưng đã rất nỗ lực khi xuất hiện trong bảng xếp hạng này.
Đặc biệt, với Trường Đại học Tôn Đức Thắng thì tôi nghĩ họ có thể còn có được vị trí cao hơn nữa vì trường đã lọt vào hầu hết các bảng xếp hạng khác như ARWU, THE và QS. Bởi lẽ dù mỗi bảng xếp hạng sẽ có phương pháp thu thập khác nhau nhưng đều dựa trên bộ dữ liệu phổ biến là Scopus hoặc ISI nên việc Trường Đại học Tôn Đức Thắng được xếp hạng cao là hết sức bình thường.
Trân trọng cảm ơn ông.