Giáo viên không có năng lực ra đề kiểm tra còn có nguyên nhân nào khác?

22/12/2019 06:12
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Ra đề kiểm tra, một khâu quan trọng và nặng nề trong nhiệm vụ chuyên môn của người thầy, đòi hỏi sự học hỏi, đầu tư nghiêm túc, bài bản...

Bài viết "Bậc học phổ thông hiện có nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi” của tác giả Phan Tuyết đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 19/12) phản ánh về việc nhiều giáo viên không có khả năng ra đề thi, đề kiểm tra mà chuyên sao y, copy, cắt dán đề của người khác.

Đúng là một thực trạng đáng buồn về năng lực chuyên môn hạn chế, yếu kém của một bộ giáo viên phổ thông hiện nay.

Mọi người đều biết, nguyên nhân có tính lịch sử là do trước đây ngành giáo dục thiếu nhiều giáo viên, chất lượng tuyển sinh đầu vào thấp, công tác đào tạo thiếu sàng lọc, học hành sao cũng được tốt nghiệp và ra trường dạy học.  

Giáo viên không có năng lực ra đề kiểm tra còn có nguyên nhân nào khác? (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Giáo viên không có năng lực ra đề kiểm tra còn có nguyên nhân nào khác? (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Theo tôi, một bộ phận giáo viên không có khả năng ra đề thi, đề kiểm còn có một số nguyên nhân nội tại sau đây:

Mới lúc đầu, các tổ, nhóm chuyên môn cũng đều phân công cho các thành viên ra đề kiểm tra học kỳ. Nhưng nhiều giáo viên làm đề không xong, để xảy ra sai sót nghiêm trọng về kiến thức.

Kể từ đó, các tổ, nhóm chuyên môn hết tin tưởng, chẳng dám giao cho các thầy cô giáo ấy ra đề kiểm tra nữa, vì sợ ảnh hưởng đến uy tín của nhà trường mà hay giao hẳn cho những giáo viên có năng lực chuyên môn ra đề kiểm tra hết năm này đến năm khác.

Còn giáo viên dính “dớp” lần đầu ấy gần như không có cơ hội để tập dượt, thể hiện năng lực của mình qua thử thách ra đề, ma trận, hướng dẫn chấm.

Ra đề kiểm tra 15 phút, 1 tiết ở tại lớp thì có khó gì, vay mượn, copy của người khác là xong. Nếu có sai sót, trục trặc thì mấy học sinh, phu huynh nào biết và dám phản biện thầy cô ấy.        

Mặt trái khi kiểm tra chung đề của Phòng, đề của Sở
Mặt trái khi kiểm tra chung đề của Phòng, đề của Sở

Trong thời gian qua, mặc dù các cấp quản lý giáo dục rất chú trọng việc bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn về khâu ra đề, làm ma trận, đáp án theo chuẩn kiến thức - kỹ năng của Bộ Giáo dục và Đào cho giáo viên nhưng tính hiệu quả, tác động sâu rộng của nó đến tất cả giáo viên còn rất thấp.

Giáo sư, tiến sĩ nghiên cứu, tiếp cận khâu đổi mới, cải tiến kiểm tra, đánh giá với thời gian cả tháng trời. Rồi các giáo sư, tiến sĩ tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên cốt cán các trường, các địa phương khoảng bốn, năm ngày.

Về địa phương, nhà trường, các giáo viên cốt cán tập huấn, triển khai cho mọi giáo viên chỉ còn chưa được vài tiếng đồng hồ.

Ra đề kiểm tra, một khâu quan trọng và nặng nề trong nhiệm vụ chuyên môn của người thầy, đòi hỏi sự học hỏi, đầu tư nghiêm túc, bài bản mà tổ chức hời hợt, bị rơi rụng nhiều như thế thì làm sao tất cả giáo viên có đủ năng lực, sự tự tin để ra đề kiểm tra cho đúng, không vướng sai sót, nhầm lẫn.

Theo chúng tôi thiết nghĩ, các nhóm, tổ chuyên môn không nên dồn mãi việc ra đề kiểm tra học kỳ cho một vài người có kinh nghiệm, năng lực mà cần kiên trì hướng dẫn, giúp đỡ, yêu cầu những giáo viên khác đều tự tin và biết cách ra đề, ma trận, đáp án theo chuẩn, theo hướng đổi mới.

Năng lực ra đề kiểm tra, đang là điểm yếu của một bộ phận giáo viên phổ thông thì các cấp quản lý giáo dục cần tăng cường thêm các đợt, thời gian tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu.

Thay vì triệu tập các giáo viên cốt cán (đã từng đi nhiều) thì nay triệu tập các giáo viên hạn chế về chuyên môn, ít hoặc không ra đề để họ được các chuyên gia trực tiếp chỉ dạy, hướng dẫn cụ thể.  

Bản thân từng giáo viên phải chịu khó đầu tư, “cày ải” về chuyên môn, thường xuyên tự học, tự rèn luyện, trau dồi cách ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng được yêu cầu giáo dục mới. Đừng để đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh chê bai thầy cô giáo mà ra cái đề kiểm tra không xong, để xảy ra nhiều sai sót…

SÔNG TRÀ