Mức lương trong mơ của nhiều giáo viên
Bộ Giáo dục vừa ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên công lập ở cả 4 cấp học (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông).
Sẽ có bao nhiêu nhà giáo được nhận lương cao khi việc lên hạng lại rất khó khăn? (Ảnh minh họa Báo Tuyên Quang) |
Đáng chú ý, mức lương mới được đề xuất cho giáo viên so với mức lương cũ hiện hưởng có sự chênh lệch khá cao.
Ví như, mức lương của giáo viên tiểu học hạng II sẽ được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38);
Mức lương cũ chỉ từ hệ số 2,34 đến hệ số lương 4,98. Nếu làm phép tính so sánh sẽ thấy sự chênh lệch khá lớn.
Mức đầu tiên của 2 hệ số lương (lương cũ: 2.34 so với 4.00 của mức mới) chênh nhau 1.66.
Mức cuối cùng của 2 hệ số (lương cũ 4.98 với lương mới 6.38 chênh nhau tới 1.80).
Hay, mức lương cũ giáo viên tiểu học hạng III chỉ áp dụng hệ số lương từ hệ số từ 1,86 đến 4,06.
Nhưng mức lương mới chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Chênh lệch giữa các mức lương cũng không hề nhỏ.
Đó chỉ là 2 ví dụ cho việc xếp lương của giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non, bậc trung học cũng tương tự như vậy.
Thực tế không như mơ
Nhiều thầy cô nhìn vào mức lương mới thấy vui, hồ hởi, hy vọng tràn trề về một tương lai sẽ sống được bằng lương, sẽ sớm thoát khỏi cảnh “chân ngoài” dài hơn “chân trong” mà chú tâm chăm lo cho công tác giảng dạy.
Thế nhưng, niềm vui bỗng vụt tắt khi nghĩ đến việc nâng hạng hiện nay ở nhiều địa phương đang thật sự làm khó các thầy cô giáo.
Trong các thông tư mới, mức lương của giáo viên từng cấp học đều quy định rõ từng hạng như giáo viên hạng I, hạng II, hạng III, hạng IV.
Mỗi hạng có mức lương khác nhau và chênh nhau khá lớn. Đâu phải cứ học xong đại học vào ngành đi dạy là được ăn lương ở hạng I hoặc hạng II hay hạng III.
Muốn lên hạng, giáo viên phải đáp ứng đủ các điều kiện về chứng chỉ quy định mà những quy định này các thầy cô giáo chẳng dễ dàng đạt được.
Ví như, muốn đạt giáo viên hạng I, giáo viên trung học cơ sở phải đạt những điều kiện như:
Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;
Làm báo cáo viên, chia sẻ kinh nghiệm hoặc dạy minh họa ở các lớp tập huấn, bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ giáo viên. Chủ trì triển khai, hướng dẫn đồng nghiệp triển khai các chủ trương, nội dung đổi mới của ngành;
Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn. Tham gia ban tổ chức hoặc ban giám khảo hoặc ban ra đề trong các hội thi.
Ngoài bằng thạc sĩ trở lên phải trình độ ngoại ngữ bậc 3. Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản. Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I...
Trong thực tế thì rất hiếm có giáo viên đạt được những yêu cầu trên. Ví như cả tỉnh Bình Thuận cũng chẳng có được một giáo viên tham gia biên soạn hoặc thẩm định sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương…
Giáo viên mầm non, tiểu học hầu như chưa bao giờ được điều động tham gia đánh giá ngoài, đi làm giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, vai trò này chủ yếu hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đảm nhận.
Đó là chưa nói đến việc khi giáo viên có đủ yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ, yêu cầu về các điều kiện nêu trên cũng chẳng dễ gì giáo viên được thăng hạng ngay mà cứ phải chờ đợi hết năm này đến năm khác.
Có những địa phương hàng chục năm nay dù đã luôn hối thúc giáo viên làm hồ sơ, bổ sung các điều kiện nhưng vẫn chưa một lần tổ chức thi hoặc xét thăng hạng cho các thầy cô giáo. Dẫn đến tình trạng năm nào cũng chờ, cũng đợi trong vô vọng.
Việc thăng hạng hiện nay ở nhiều địa phương đang xảy ra khá nhiều bất cập. Nơi tổ chức xét, nơi lại tổ chức thi, bất công xuất hiện ngay trong việc lên hạng của giáo viên. Nơi xét thăng hạng giáo viên chỉ cần cung cấp đủ bằng cấp, chứng chỉ và một số minh chứng theo yêu cầu sẽ dễ dàng được lên hạng.
Năm 2018, ở tỉnh Thừa Thiên Huế có 447 giáo viên giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung tâm được thăng hạng từ bậc III lên bậc II. Các giáo viên không phải thi mà chỉ xét hồ sơ. [1]
Nhưng không ít địa phương lại tổ chức thi tuyển với yêu cầu vô cùng khắt khe. Cửa ải gần như giáo viên khó lòng vượt qua là môn ngoại ngữ.
Vì vậy, nhìn bảng lương mới cao thế, hấp dẫn thế nhưng có mấy giáo viên chạm tới được?
Tạo sự công bằng cần thống nhất tiêu chí và cách thăng hạng cho giáo viên trên cả nước
Nhiều địa phương quy định xét thăng hạng giáo viên áp dụng theo Thông tư số: 28/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số: 29/2017/TT-BGDĐT quy định về nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Nhưng nhiều địa phương khác lại áp dụng việc thi thăng hạng giáo viên theo Thông tư số: 18/2017/TT-BGDĐT.
Việc xét thăng hạng, giáo viên chỉ cần cung cấp hồ sơ có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ theo yêu cầu là gần như qua “cửa ải”.
Nhưng thi thăng hạng, cửa ải khó vượt qua nhất đối với các thầy cô giáo (nhất là những giáo viên có tuổi đời, tuổi nghề khá cao) là môn ngoại ngữ. Vì thế, tỷ lệ đỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Điều này, đã tạo ra sự mất công bằng cho giáo viên ở nhiều địa phương. Vì thế, chúng tôi thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự thống nhất từ trên xuống hoặc là xét thăng hạng, hoặc là thi thăng hạng cho rõ ràng.
Nhưng dù thi hay xét thăng hạng thì giáo viên vẫn phải lo đủ nhiều loại chứng chỉ mà chúng tôi gọi là “giấy phép con”.
Nên có nội dung thi phù hợp với vị trí việc làm, không nên quy định các loại chứng chỉ để làm khó giáo viên và tạo kẽ hở cho các trường đại học buôn bán chứng chỉ
Công việc chủ yếu của giáo viên là giảng dạy, thay vì nội dung thi sẽ xoáy sâu vào kiến thức và năng lực chuyên môn giảng dạy của các thầy cô. Thế nhưng, nội dung thi thăng hạng lại đặt nặng vào các loại chứng chỉ.
Mặc dù hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ quy định yêu cầu giáo viên phải có đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, nhưng vẫn buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp…
Việc quy định giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là điều hết sức vô lý. Bởi, nhiều nội dung giảng dạy của chứng chỉ này, giáo viên đã được học trong trường sư phạm, trong các nội dung bồi dưỡng thường xuyên hàng năm.
Việc yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp đã tạo cơ hội cho nhiều trung tâm và trường đại học buôn bán chứng chỉ làm nhiều nhà giáo mất đi những khoản tiền không hề nhỏ.
Để đảm bảo công bằng, khách quan, giáo viên buộc phải trau dồi thêm về kiến thức nhưng cũng không để tạo kẽ hở cho các trường đại học buôn bán chứng chỉ thì Bộ Giáo dục cần đưa nội dung, chương trình học chứng chỉ chức danh nghề nghiệp vào các trường sư phạm giảng dạy như một môn học độc lập.
Mặt khác, đối với những giáo viên đang giảng dạy hiện nay ở các trường sẽ được tự học, tự bồi dưỡng như chương trình bồi dưỡng thường xuyên mà các thầy cô đang phải học hàng năm.
Làm thế sẽ có được nhiều điều lợi:
Thứ nhất, giáo viên sẽ phải học liên tục hàng năm nhưng là học miễn phí không mất tiền.
Thứ hai, không xảy ra kẽ hở để các trường mua bán chứng chỉ như hiện nay biến môi trường giáo dục thành nơi trục lợi cho người cơ hội, làm giảm niềm tin của nhiều người, làm xấu hình ảnh người thầy trong mắt bao người về sự gian dối, thiếu không trung thực trong thi cử.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thang-hang-giao-vien-noi-quan-tam-noi-ho-hung-post204024.gd
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.