Kiến thức ở lớp bồi dưỡng đang rất xa với kiến thức thực tế chúng tôi cần

29/12/2021 06:28
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các thầy cô ở lớp bồi dưỡng dạy cho tôi phần kiến thức đại cương, và nếu tôi áp dụng phần này để dạy học sinh cấp II thì sẽ có độ “vênh” rất lớn về kiến thức.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn triển khai song song đồng thời 3 giáo viên dạy 3 môn Lý, Hóa, Sinh bởi các thầy cô hiện nay vẫn là giáo viên được đào tạo dạy đơn môn, và cũng rất ít thầy cô có hai chuyên môn như Hóa, Sinh. Tuy nhiên, tôi thuộc tổ Khoa học tự nhiên nên ban giám hiệu nhà trường phân công dạy thử nghiệm cả 3 môn Lý, Hóa, Sinh, qua đó để đánh giá chất lượng của một lớp có giáo viên dạy cả 3 môn với những lớp có 3 giáo viên dạy song song 3 môn.

Việc này được ban giám hiệu nhà trường cân nhắc rất thận trọng, tiến hành thử nghiệm ở một lớp chứ không triển khai đồng loạt trong toàn trường bởi còn phải đảm bảo chất lượng môn học, và quyền lợi của học sinh”, cô P.T.M. - Khối trưởng chủ nhiệm, Tổ phó chuyên môn Tổ Khoa học tự nhiên một trường trung học cơ sở tại Hà Nội đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Ảnh minh họa: TD.

Ảnh minh họa: TD.

Cô M. cho biết: “Ngay từ đầu năm học, ban giám hiệu nhà trường cũng đã xác định môn Khoa học tự nhiên là xu thế tất yếu, nên đã yêu cầu các thầy cô giáo trong Tổ phải đi học bồi dưỡng nghiệp vụ để giảng dạy môn này, chúng tôi đã tham gia học từ đầu dịp hè vừa qua và đến khoảng tháng 1/2022 sẽ tốt nghiệp.

Với trường chúng tôi hiện nay sau mỗi đợt kiểm tra giữa kì, ban giám hiệu nhà trường sẽ tính điểm trung bình của mỗi học sinh, của từng lớp và so sánh giữa lớp có 1 giáo viên dạy Khoa học tự nhiên và lớp có 3 giáo viên dạy Lý, Hóa, Sinh xem mức độ kiến thức của học sinh có đạt như yêu cầu hay không. Qua đó chúng tôi cũng nhận thấy nếu một giáo viên dạy tốt, có phương pháp thì hoàn toàn có thể triển khai 1 giáo viên dạy môn học này.

Một điểm mới nữa mà nhà trường chúng tôi áp dụng khá tốt, đó là chuyên đề “Giáo viên của giáo viên; Học sinh của giáo viên”. Ví dụ: Bản thân tôi là giáo viên dạy môn Lý, và trong tổ của tôi sẽ có các thầy cô dạy Lý, như vậy ban giám hiệu nhà trường sẽ phân công người có chuyên môn Lý tốt dìu dắt những người có chuyên môn thấp hơn, đó là giáo viên của giáo viên. Chính nhờ có mô hình này nên các thầy cô được nâng cao chất lượng chuyên môn.

Với những giáo viên trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nhưng nếu được những thầy cô đi trước chia sẻ từng bài dạy, mỗi tuần dự giờ của nhau mấy tiết để rút kinh nghiệm, để học hỏi chuyên môn. Tôi có thể trao đổi với đồng nghiệp trẻ, với bài này có thể dạy như này và sẽ dự giờ xem giáo viên đó có dạy đúng như yêu cầu hay không, qua đó tôi sẽ đánh giá được chất lượng thực tế chứ không chỉ có sinh hoạt tổ chuyên môn trên giấy”.

Cô M. chia sẻ: “Hiện tại chúng tôi đang tham gia học bồi dưỡng chứng chỉ dạy môn Khoa học tự nhiên, nhưng những kiến thức chúng tôi được dạy giống như phần đại cương, giống như những phần dạy cho sinh viên của các trường sư phạm thì đúng hơn là bồi dưỡng cho đối tượng đang là giáo viên.

Với tôi hiện là giáo viên dạy môn Lý, tôi cầm sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6, và điều tôi cần ở lớp bồi dưỡng này là dạy cho tôi để làm sao tôi lên lớp dạy tốt môn Sinh và môn Hóa, nhưng hiện nay lớp bồi dưỡng chưa làm được việc đó. Các thầy cô chỉ dạy cho tôi phần kiến thức đại cương và nếu tôi áp dụng phần này để dạy cấp II thì sẽ có độ “vênh” rất lớn về kiến thức.

Chúng tôi được học những kiến thức rất “xa”, ví dụ: Lớp 6 học về phần lực, những phép đo,…nhưng họ lại dạy giáo viên môn Vật lý những kiến thức liên quan đến cấp III, thậm chí của đại học và để áp dụng cho những cấp học đó. Có thể nói những kiến thức đó quá xa và chúng tôi không cần, cái mà tôi cần nhất hiện nay là kiến thức cơ bản để có thể đứng lớp, có thể hiểu tôi đang cần dạy 1 cộng 1 bằng 2, nhưng không, mà tôi lại được dạy luôn đạo hàm, tích phân.

Chúng tôi cần được dạy cụ thể, với bài học ở lớp 6 và sách giáo khoa này chúng tôi phải dạy thế nào cho hay và sâu? Đó mới là điều những thầy cô dự lớp bồi dưỡng chứng chỉ như tôi đang rất cần, nhưng những lớp học này lại không cho mình những phần đó. Việc dạy bồi dưỡng này rất xa vời so với những kiến thức thực tế chúng tôi đang cần".

Hình minh họa: TD.

Hình minh họa: TD.

Giáo viên cần tự học hỏi thêm kiến thức

Cô M. nói: "Theo quan điểm của tôi, việc các thầy cô đi học bồi dưỡng chứng chỉ mới chỉ đạt mục đích hợp thức hóa mặt giấy tờ, chứng nhận. Nhưng ban giám hiệu trường chúng tôi cũng đã nhận ra được điều đó và tiếp tục áp dụng mô hình “giáo viên của giáo viên” nên chúng tôi cũng yên tâm về mặt kiến thức.

Tiếp nữa, ban giám hiệu cũng chỉ đạo nếu tuần này có tiết dạy Hóa của giáo viên Hóa, thì tất cả tổ Khoa học tự nhiên sẽ vào dự giảng, sẽ được giáo viên Hóa chia sẻ hết các mục tiêu cần đạt, cũng như ý đồ bài giảng và những điều học sinh thường hay mắc phải. Đó mới là những kiến thức giáo viên chúng tôi cần.

Qua bài giảng đó, chúng tôi cũng nắm bắt được những điều học sinh hay nhầm ở đâu, và kiến thức nâng cao hơn sẽ gặp ở lớp 8-9, hoặc ở cấp III bởi giáo viên chuyên họ thường hiểu sâu về môn học đó. Như vậy tôi chỉ việc nhớ lại phần đó, cũng như hiểu được có thể xem thêm ngữ liệu ở chỗ này, chỗ kia bởi kiến thức là rộng lớn, và nếu để tôi mò mẫm sẽ không biết được với bài này sẽ dạy thế nào cho sâu kiến thức.

Với những thầy cô có kinh nghiệm hơn chục năm dạy môn Hóa, họ sẽ chia sẻ lại cho mình. Với bài môn Lý cũng vậy, tôi là người chịu trách nhiệm và tôi cũng sẽ chia sẻ cho mọi người với phần này học sinh hay nhầm ở đâu, và sẽ có những dạng bài tập như thế nào,…như vậy các thầy cô mới nhanh tiến bộ.

Còn nếu để các thầy cô “bơi" trong phần kiến thức với một mớ hỗn độn, học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” trong một vài tháng để lấy tín chỉ thì làm sao có thể tải được kiến thức của người học trong 4 năm. Chưa kể học xong 4 năm ra trường, các thầy cô còn thêm hàng chục năm kinh nghiệm thì may ra mới đủ bản lĩnh để truyền dạy kiến thức cho học sinh một cách chắc tay.

Tôi nhận thấy nếu các thầy cô tham gia lớp bồi dưỡng chứng chỉ về cũng sẽ khó dạy tốt được môn Khoa học tự nhiên, chính vì thế mà hiện nay nhà trường chúng tôi đang áp dụng mô hình “giáo viên của giáo viên” và thấy rất hiệu quả. Ngoài ra các thầy cô cũng cần tự học hỏi, đào sâu thêm kiến thức chuyên môn mà mình còn thiếu, nếu chỉ tự mày mò dạy thì phải mất rất nhiều năm mới có thể dạy tốt được.

Cũng có thể hiểu đơn giản, giáo viên chỉ hơn học sinh một chút bởi thầy cô nghiên cứu bài giảng sâu hơn. Nhưng nếu thầy cô đó được nhiều đồng nghiệp hướng dẫn, chia sẻ,…thì mình sẽ sâu hơn về kiến thức và đi nhanh hơn rất nhiều. Từ những chỉ dẫn của đồng nghiệp, tôi có thể tìm hiểu tập trung vào những phần kiến thức đó thì chắc chắn bài dạy sẽ sâu và chất lượng hơn”.

Cô M. chia sẻ thêm: “Để đảm nhiệm một mình dạy môn Khoa học tự nhiên, trước đó tôi đã phải tự nghiên cứu mô hình đó, rất nhiều đồng nghiệp dạy Hóa, Sinh đã cho tôi kiến thức và cùng trao đổi, sau đó mới áp dụng thử cho tôi đảm nhiệm dạy môn này. Vì được giao trách nhiệm dạy thử nghiệm nên tôi có trách nhiệm tìm hiểu và đi theo mô hình đó từ đầu.

Tôi cũng nhận thấy nếu các thầy cô tham gia học bồi dưỡng chứng chỉ, sau khi tốt nghiệp thì chắc chắn các thầy cô cần phải bổ sung thêm kiến thức chuyên sâu, tự học hỏi và học từ chính các đồng nghiệp có chuyên môn khác với môn của mình, phải chăm học chứ không còn cách nào khác nếu muốn tự tin đứng lớp truyền dạy kiến thức môn Khoa học tự nhiên”.

Tùng Dương