SV sư phạm không mặn mà với chính sách đặt hàng vì học xong vẫn phải thi tuyển

23/08/2022 06:45
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một số địa phương có nhu cầu đặt hàng đào tạo giáo viên theo Nghị định 116 nhưng thực tế số lượng sinh viên đăng ký theo học không đạt đủ chỉ tiêu. 

Bên cạnh việc một số trường chưa nhận được chỉ tiêu đào tạo, thì cũng có những trường mặc dù đã được địa phương giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nhưng thực tế số lượng sinh viên đăng ký lại không đạt đủ chỉ tiêu.

Không đặt hàng đào tạo giáo viên do khó dự báo nhu cầu thực tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào cho biết, nhà trường luôn sẵn sàng đào tạo đội ngũ sinh viên sư phạm thuộc diện đặt hàng, đấu thầu theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, tính từ thời điểm thi hành Nghị định 116 đến nay, nhà trường không có đội ngũ sinh viên được địa phương đặt hàng, đấu thầu mà chỉ đào tạo sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội.

“Cụ thể, Nghị định 116 được nhà trường triển khai từ năm học 2021-2022. Trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ đào tạo sinh viên sư phạm theo "đơn đặt hàng" của địa phương. Song, năm học trước, cả tỉnh Tuyên Quang chỉ có 1-2 chỉ tiêu đặt hàng đào tạo giáo viên ở Trường Đại học sư phạm Hà Nội.

Tương tự, trước thềm năm học mới 2022-2023, Trường Đại học Tân Trào cũng không nhận được chỉ tiêu đào tạo sinh viên diện đặt hàng theo Nghị định 116 nên chỉ tập trung đào tạo sinh viên sư phạm theo nhu cầu xã hội”, Thạc sĩ Hoàng Thị Ngọc Hà cho biết.

Chia sẻ rõ hơn về vấn đề này, Thạc sĩ Trần Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý sinh viên, Trường Đại học Tân Trào cho hay: “Năm nay, nhà trường không có sinh viên đào tạo theo diện đặt hàng, giao nhiệm vụ từ địa phương theo Nghị định 116.

Trên thực tế, dù thiếu giáo viên nhưng địa phương gặp nhiều vướng mắc trong vấn đề đặt hàng đào tạo, nếu có thì con số đặt hàng cũng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Nguyên nhân là do địa phương chưa thể dự báo chính xác tình hình nhu cầu việc làm, biên chế giáo viên để đưa ra con số đặt hàng cụ thể đối với nhà trường.

Ngoài ra, việc tuyển dụng giáo viên lại thực hiện theo một quy định khác, không chịu chi phối bởi cơ chế đặt hàng, không phân biệt hay có ưu tiên nào đối với sinh viên diện này.

Giả sử, giữa một sinh viên không thuộc diện đặt hàng, tốt nghiệp loại xuất sắc với một sinh viên đặt hàng nhưng kết quả học tập trung bình, khi cùng tham gia thi tuyển giáo viên thì sinh viên nào sẽ có tỷ lệ đỗ tuyển dụng cao hơn? Không nghiễm nhiên sinh viên thuộc diện đặt hàng sẽ đỗ mà hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả tuyển dụng. Do đó, điều này cũng trở thành một trong những nguyên nhân khiến cho địa phương dù có đặt hàng thì cũng khó thu hút sinh viên đăng ký học".

Cũng theo Thạc sĩ Trần Quang Huy, điểm mấu chốt là địa phương phải có bức tranh toàn cảnh về tình hình biến động nhân lực giáo viên, đảm bảo việc làm cho sinh viên sau 4 năm hoàn thành chương trình học.

“Năm học trước, tỷ lệ sinh viên sư phạm đăng ký hưởng chế độ theo Nghị định 116 chiếm 80%, số còn lại, là những sinh viên không có nhu cầu nhận kinh phí hỗ trợ.

Giải quyết việc làm cho sinh viên không nhận hỗ trợ theo Nghị định 116, nhà trường lập kế hoạch giới thiệu sinh viên qua các đợt tuyển dụng của các Sở, ban ngành địa phương. Đối với các đơn vị giáo dục tư thục, nhà trường cũng kết nối để tạo việc làm cho sinh viên. Nhờ đó, 2 năm gần đây, sinh viên sư phạm ra trường có việc làm đạt trung bình hơn 90%”, Thạc sĩ Trần Quang Huy cho biết thêm.

Địa phương đặt hàng 50 nhưng chỉ có 12 sinh viên sư phạm đăng ký

Bên cạnh một số trường không được giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên, thì cũng có trường dù nhận được “đơn đặt hàng” nhưng khó thu hút sinh viên đăng ký.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho nhà trường đào tạo 50 chỉ tiêu giáo viên trong tổng số sinh viên sư phạm từ tháng 12/2021. Tuy nhiên, công tác thực hiện đến nay còn nhiều khó khăn.

Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. (Ảnh: website Nhà trường).

Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. (Ảnh: website Nhà trường).

“Thông tin sinh viên học sư phạm sẽ được nhận mức hỗ trợ kinh phí theo Nghị định 116 được kỳ vọng sẽ là chính sách thu hút lượng lớn người học. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng sinh viên đăng ký đào tạo theo diện đặt hàng lại không được như kỳ vọng.

Đơn cử, từ cuối tháng 12/2021, nhà trường được tỉnh giao cho 50 chỉ tiêu đặt hàng đào tạo giáo viên. Trong quá trình thực hiện, dù đẩy mạnh công tác tuyển sinh, nhưng đến thời điểm này, trường mới chỉ nhận được 12 hồ sơ đăng ký học theo diện đặt hàng đào tạo giáo viên. Còn lại là những sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội và sinh viên chỉ đăng ký nhận mức hỗ trợ theo Nghị định 116”, Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc thông tin thêm.

Cũng theo Thạc sĩ Đào Ngọc Anh, với 38 chỉ tiêu còn thiếu, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động sinh viên đăng ký, sao cho đáp ứng đủ tiêu chí đặt hàng của địa phương.

Lý giải việc ít sinh viên đăng ký học theo diện đặt hàng, Thạc sĩ Đào Ngọc Anh cho biết, để sinh viên mạnh dạn đăng ký học theo diện đặt hàng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Thứ nhất, địa phương phải đảm bảo chắc chắn vị trí đầu ra cho sinh viên.

Thứ hai, sinh viên sư phạm dù thuộc diện đặt hàng hay không, thì sau khi tốt nghiệp vẫn phải tham gia quy chế tuyển dụng như nhau nên sinh viên ít “mặn mà” với việc đặt hàng là điều dễ hiểu. Do đó, nên chăng, địa phương cần có cơ chế ưu tiên để thu hút sinh viên đăng ký học diện đặt hàng.

Thứ ba, sinh viên sư phạm đào tạo hệ cao đẳng của trường chủ yếu đã tốt nghiệp trung cấp và đi làm ở những cơ sở giáo dục nên các em ít có nhu cầu học theo diện đặt hàng, hay nhận kinh phí hỗ trợ.

Thạc sĩ Đào Ngọc Anh cũng chia sẻ: “Việc thực hiện đào tạo sinh viên thuộc diện đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu, về mặt chính sách là rất nhân văn, nhưng đến thời điểm hiện tại, tính khả thi chưa cao. Bởi, nếu sinh viên học xong mà đầu ra không đảm bảo chặt chẽ, năng lực tay nghề không đáp ứng yêu cầu, thi tuyển không đạt và phải bồi hoàn kinh phí, thì khi đó, sinh viên này sẽ “đi đâu về đâu?”.

Bởi vậy, các cấp, ban ngành giáo dục ở địa phương cần có phương án chặt chẽ ngay từ đầu để tránh dẫn tới tình trạng sinh viên đặt hàng sau khi tốt nghiệp lại không có chỉ tiêu biên chế tương ứng.

Đối với Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc, năm học 2022-2023, do chưa có đủ chỉ tiêu sinh viên sư phạm đăng ký học theo diện đặt hàng của địa phương nên nhà trường sẽ lùi lịch khai giảng đến cuối tháng 9/2022 để có thêm thời gian chuẩn bị, vận động, sẵn sàng cho năm học mới”.

Trong bối cảnh thừa, thiếu giáo viên như hiện nay, nhất là khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thì cơ chế đặt hàng đào tạo là chủ trương đúng đắn và có ý nghĩa thúc đẩy từng bước thực hiện chính sách ưu tiên trong lĩnh vực giáo dục nói chung, đào tạo giáo viên nói riêng. Tuy nhiên, chỉ khi các tỉnh khảo sát, thống kê và dự báo đúng số liệu thừa, thiếu giáo viên thì cơ chế đặt hàng mới mang lại hiệu quả thiết thực, tránh tình trạng thất thoát, gây lãng phí nguồn ngân sách.

Ngọc Mai