Sắp tới, lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất đơn vị sự nghiệp công lập?

06/10/2022 06:42
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chưa thể cải thiện lương, thu nhập hay giáo viên vẫn làm đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống sẽ khó hạnh phúc với nghề, khó yên tâm công tác.

Ngày 4/11/2013, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI Trung ương ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW (Nghị quyết 29) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tại khoản 6 mục 3 phần B Nghị quyết 29 đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.”[1]

Ảnh minh họa: LC

Ảnh minh họa: LC

Thực trạng cả nước thiếu 101.745 giáo viên, nhiều giáo viên bỏ việc ở nhiều địa phương hay giáo viên chuyển từ công sang tư, giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi, đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc,… đặt ra vấn đề cấp bách cần có chính sách để giữ chân giáo viên giỏi, khuyến khích người giỏi vào nghề. Vấn đề lương nhà giáo theo Nghị quyết 29 tiếp tục được đặt ra.

Bộ Giáo dục tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền để xếp lương nhà giáo theo Nghị quyết 29

Báo Giáo dục và Thời đại ngày 22/9/2022 đăng tải bài viết "Giữ chân giáo viên trong bối cảnh lương thấp áp lực cao", bài viết nêu ý kiến của ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo), ông nhấn mạnh, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên là động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên.

Bên cạnh đó, các chính sách của địa phương như: Hỗ trợ nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc… cũng là yếu tố quan trọng giúp thầy cô yên tâm, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Bài viết trên cũng cho biết “Để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, thu hút và tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.” [2]

Thời gian qua, do áp lực công việc, thu nhập không đủ sống nhiều nhân viên y tế, giáo viên nghỉ việc nên tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế xây dựng, Bộ đề xuất nâng phụ cấp lên 100% cho nhân viên y tế dự phòng, y tế xã, phường.

Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW được các nhà giáo cả nước mong chờ.

Theo đó, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng là tín hiệu đáng mừng, có thể nói là tin rất vui đối với giáo viên trong giai đoạn hiện nay.

Hy vọng lần đề xuất này sẽ được nghiên cứu thấu đáo, được các cấp có thẩm quyền quan tâm, xem xét vì tại quan điểm chỉ đạo Trung ương đã xác định rõ “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.”

Nếu chưa thể cải thiện lương, thu nhập hay giáo viên vẫn làm đủ mọi nghề tay trái để kiếm sống thì giáo viên khó hạnh phúc với nghề, khó gắn bó với nghề, khó đòi hỏi chất lượng thật sự, khi đó tình trạng dạy thêm trái phép tràn lan sẽ vẫn còn.

Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ vô cùng vất vả, áp lực nhất là các môn “tích hợp” ở cấp trung học cơ sở khi vừa dạy, vừa bồi dưỡng kiến thức, tập huấn,… thu nhập thấp như hiện nay, sẽ có nhiều người tiếp tục bỏ nghề.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện và chuẩn bị ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT về xếp lương giáo viên theo các hạng.

Lần ban hành Thông tư sửa đổi này vô cùng quan trọng không chỉ xóa bỏ bất cập, bất công của chùm Thông tư 01-04/2021 mà còn phải hướng đến chế độ lương mới cho giáo viên phù hợp vị trí việc làm, khoa học, cải thiện được thu nhập cho nhà giáo, giữ chân giáo viên giỏi, hạn chế giáo viên bỏ việc, để giáo viên yên tâm công tác và cống hiến và quan trọng là làm sao để không còn giáo viên giỏi ở hạng thấp, lương thấp.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nghị quyết 29/NQ-TW tại địa chỉ https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/doi-moi-can-ban-toan-dien-gd-va-dt.aspx?ItemID=3928

[2] https://giaoducthoidai.vn/cach-nao-giu-chan-giao-vien-post608942.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam