Chưa hướng dẫn đánh giá học sinh bằng lời nói, giáo viên mỏi tay viết nhận xét

22/04/2022 08:42
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên nhận xét bằng cách viết tay vào sổ điểm, phần mềm, học bạ theo tôi là có phần cứng nhắc.

Năm học 2021-2022, chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai ở lớp 6 trong bộn bề lo toan, vất vả cho cả thầy và trò trong việc đánh giá, cho điểm học sinh nhất là các môn tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp,...

Trong đó, nhiều băn khoăn về việc yêu cầu giáo viên bộ môn cuối mỗi học kỳ, cuối năm học phải nhận xét từng học sinh được nhiều giáo viên đánh giá rất hình thức, vô tác dụng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Thông tư 22 có yêu cầu giáo viên tiếp tục ghi nhận xét từng học sinh?

Theo chương trình đang áp dụng cho bậc phổ thông từ lớp 7 đến lớp 12 việc đánh giá học sinh thực hiện theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT trong đó có phần yêu cầu giáo viên phải nhận xét từng học sinh gây vất vả cho giáo viên và rất bất hợp lý.

Vấn đề này từng gây xôn xao dư luận và Bộ Giáo dục và Đào tạo sau đó đã lên tiếng khẳng định Thông tư 26 không quy định giáo viên bộ môn ghi trực tiếp nội dung đánh giá bằng nhận xét vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), học bạ học sinh mà chỉ ghi điểm trung bình môn học (đối với các môn học kết hợp đánh giá bằng nhận xét và điểm số) và kết quả xếp loại nhận xét môn học (đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét) vào 2 hồ sơ này. [1]

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Niềm vui thoát khỏi việc phải viết nhận xét từng học sinh rất vô lý, gây áp lực cho giáo viên chưa được bao lâu thì khi thực hiện đánh giá học sinh theo chương trình mới áp dụng lớp 6 năm 2021-2022; lớp 7, 10 năm 2022-2023;... giáo viên có thể phải tiếp tục vất vả với nhận xét học sinh.

Cụ thể, ngày 20/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT và Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22) có hiệu lực từ ngày 5/9/2021.

Về hình thức đánh giá, nhiều môn sẽ đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số được cho là tiến bộ.

Tuy nhiên khi triển khai việc đánh giá bằng điểm số kết hợp nhận xét, giáo viên có phần quá tải, gây áp lực lớn lên giáo viên và chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, chương trình mới xuất hiện các môn tích hợp do nhiều giáo viên giảng dạy nên việc cho điểm, kết hợp nhận xét gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Tại phụ lục Thông tư 22 phần hướng dẫn sử dụng học bạ có nêu về nhận xét giáo viên bộ môn như sau:

2. Giáo viên môn học

- Ghi điểm trung bình môn học hoặc mức đánh giá kết quả học tập theo môn học từng học kì, cả năm học; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu (nếu có) của học sinh...

Môn học/Hoạt động giáo dục

Điểm trung bình môn học hoặc mức đánh giá

Điểm trung bình môn học hoặc mức đánh giá sau đánh giá lại, rèn luyện thêm trong kì nghỉ hè (nếu có)

Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu (nếu có) và chữ kí của giáo viên môn học


Học kì I

Học kì II

Cả năm



Ngữ văn






Toán






Ngoại ngữ 1






(Trích học bạ theo chương trình giáo dục phổ thông mới)

Tại phụ lục Thông tư 22 hướng dẫn sử dụng sổ gọi tên ghi điểm cũng hướng dẫn sử dụng sổ theo dõi và đánh giá học sinh như sau:

3. Giáo viên trực tiếp ghi vào sổ đầy đủ các thông tin cần thiết theo quy định, khớp với các thông tin trong Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học) của môn học/lớp học do giáo viên chịu trách nhiệm theo phân công của nhà trường. Riêng cột Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh, giáo viên có thể lựa chọn để ghi sao cho có đủ thông tin cần thiết để cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm theo quy định.

Số TT

Họ và tên

Mức đánh giá

Đạt(Đ), Chưa đạt (CĐ)

Mức đánh giá lại

Đạt (Đ), Chưa đạt (CĐ)

Nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu

Thường xuyên

Giữa kì

Cuối kì

Học kì

Cả năm

Học kì

Cả năm























(Trích sổ theo dõi đánh giá học sinh theo chương trình giáo dục phổ thông mới)

Theo các hướng dẫn trên, năm học này nhiều trường ban hành quy định yêu cầu 100% giáo viên dạy lớp 6 phải ghi nhận xét học sinh về năng lực, phẩm chất của từng học sinh vào sổ điểm cá nhân, sổ gọi tên ghi điểm cá nhân, học bạ (viết tay), viết nhận xét vào phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đánh máy) khiến giáo viên vô cùng vất vả, áp lực.

Các trường có thể cho giáo viên nhận xét học sinh bằng hình thức nói?

Chương trình mới bậc phổ thông, nhiều cơ sở giáo dục yêu cầu giáo viên nhận xét bằng cách viết tay vào sổ điểm, phần mềm, học bạ theo tôi là có phần cứng nhắc.

Bởi tại Điều 5 của Thông tư 22 đã có quy định về hình thức đánh giá:

1. Đánh giá bằng nhận xét

a) Giáo viên dùng hình thức nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

b) Học sinh dùng hình thức nói hoặc viết để tự nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của bản thân.

c) Cha mẹ học sinh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cung cấp thông tin phản hồi về việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh.

d) Đánh giá bằng nhận xét kết quả rèn luyện và học tập của học sinh được sử dụng trong đánh giá thường xuyên, đánh giá định kì thông qua các hình thức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với đặc thù của môn học.”

Như vậy, quy định của Thông tư mới quy định giáo viên dùng một trong hai hình thức là nói hoặc viết để nhận xét việc thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh; nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập; đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh.

Bên cạnh đó, trao đổi với VietnamNet, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: Điểm mới của Thông tư 22/2021 quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông (gọi tắt là Thông tư 22) là áp dụng cho chương trình phổ thông mới. Năm nay mới chỉ áp dụng đối với khối lớp 6, các năm học tiếp sau lần lượt thực hiện đối với lớp 7 và lớp 10; lớp 8 và lớp 11; lớp 9 và lớp 12.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành cho biết theo Thông tư, có 2 hệ thống môn học: các môn đánh giá chỉ bằng nhận xét (Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp); các môn đánh giá bằng nhận xét kết hợp điểm số (các môn học còn lại).

Tinh thần của thông tư này là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng sự động viên, khuyến khích học sinh và sự tương tác giữa thầy và trò, chứ không phải chỉ ghi nhận xét vào trong sổ.

Giáo viên có thể nhận xét, đánh giá ngay ở những bài tập và không phải bởi những điều chung chung (có cố gắng, có tiến bộ) mà cụ thể, trực tiếp vào những nội dung dạy học trong quá trình dạy.

Giáo viên dùng hình thức nói, viết để đánh giá, nhận xét sự tiến bộ, những ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình học tập và kết quả rèn luyện, học tập của học sinh. [2]

Như vậy, Thông tư mới 22/2021/TT-BGDĐT về đánh giá học sinh trung học về phần nhận xét, đánh giá kết quả rèn luyện, sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học sinh trong quá trình rèn luyện và học tập môn học có thể dùng lời nói hoặc viết.

Tuy nhiên, việc dùng lời nói để nhận xét từng học sinh thì chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay các trường vẫn yêu cầu giáo viên nhận xét vào rất nhiều sổ khác nhau như sổ điểm cá nhân, học bạ, phần mềm,...

Hiện nay, một giáo viên có thể dạy hàng chục lớp, mỗi lớp 45-40 học sinh, tổng cộng dạy hàng trăm học sinh trong học kỳ, giáo viên không nhớ mặt học sinh thì cuối năm nhận xét như thế nào? Việc này rất hình thức, vô lý, không phù hợp. Ở nhiều nước, mỗi lớp giáo viên có thể chỉ dạy từ 15-20 học sinh nên có thể nhận xét học sinh không quá vất vả.

Theo người viết, đối với giáo viên bộ môn chỉ cần thông qua bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ là biết được sức học của từng học sinh, dựa vào đó giáo viên chủ nhiệm nhận xét đánh giá chung cho các em học sinh về năng lực, phẩm chất là hợp lý.

Vì thế, yêu cầu giáo viên bộ môn viết tay nhận xét từng học sinh là không cần thiết, rất hình thức.

Qui định về hình thức nhận xét giáo viên có thể dùng lời nói hoặc viết đã có nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện đồng bộ thống nhất, giảm áp lực.

Nếu vẫn để phần nhận xét thì chỉ nên nhận xét trên phần mềm, đừng bắt giáo viên phải viết tay mỗi học kỳ hàng trăm nhận xét cho từng học sinh. Việc này rất vô lý và hình thức.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều công văn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Nếu vẫn yêu cầu giáo viên viết tay nhận xét là đi ngược với chủ trương ứng dụng công nghệ số vào đánh giá học sinh theo Công văn 4096/BGDĐT-CNTT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/buoc-giao-vien-nhan-xet-tung-hoc-sinh-vao-so-theo-doi-la-sai-quy-dinh-858178.vov

[2] https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/bo-gd-dt-giai-thich-thong-tu-22-danh-gia-hoc-sinh-thcs-va-thpt-767774.html

[3] Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi