Kế hoạch giáo dục theo mẫu CV 5512 đang làm khổ giáo viên chúng tôi ra sao?

14/09/2022 06:42
NGUYÊN KHANG
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chưa bao giờ giáo viên phải soạn, in ấn nhiều như bây giờ. Thầy cô phải soạn và in ấn tới hàng ngàn trang cho các kế hoạch giáo dục để ký duyệt...

Hai năm nay, khi mà ngành Giáo dục triển khai chương trình mới, đồng thời yêu cầu các nhà trường, giáo viên thực hiện các kế hoạch giáo dục ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng là lúc áp lực hồ sơ sổ sách đè nặng lên vai người thầy.

Thời điểm đầu năm học, giáo viên phải thực hiện hàng loạt các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT nên đang mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc để thực hiện 4 kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn.

Thế nhưng, thử hỏi phía sau những đầu tư này thì ngành Giáo dục sẽ thu lại được những kết quả gì?

Suy cho cùng, hồ sơ sổ sách của giáo viên càng gọn nhẹ, chắt lọc bao nhiêu thì càng giải phóng công sức cho người thầy bấy nhiêu.

Nếu như người thầy phải đầu tư, chăm chút cho những giấy tờ vô bổ, hình thức thì ắt dẫn đến tình trạng không còn nhiều thời gian đầu tư cho việc giảng dạy và chất lượng giảng dạy sẽ bị ảnh hưởng.

Kế hoạch môn học Tổ trường chuyên môn phải liệt kê Yêu cầu cần đạt tất cả bài học trong một năm học của tổ (Ảnh: Nguyên Khang)

Kế hoạch môn học Tổ trường chuyên môn phải liệt kê Yêu cầu cần đạt tất cả bài học

trong một năm học của tổ (Ảnh: Nguyên Khang)

Tiếng lòng của đội ngũ giáo viên

Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có rất nhiều bài viết của giáo viên phản ánh về những bất cập khi thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT mà Bộ đã triển khai từ ngày 18/12/2020.

Thế nhưng, Bộ vẫn chủ trương triển khai Công văn 5512/BGDĐT ở các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều này được cụ thể hóa trong hướng dẫn của Công văn số 2613 /BGDĐT-GDTrH ở năm học trước và Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ở năm học 2022-2023 này.

Cả 2 công văn, Bộ đều nhấn mạnh: “Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 10: Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được thực hiện theo Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ GDĐT về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường (Công văn 5512)”.

Nhưng, khi về cơ sở thì một số trường còn chủ trương áp dụng một số kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT ở tất cả các lớp học để “đồng bộ” khiến cho giáo viên ngao ngán mà không biết kêu ai.

Một nữ giáo viên dạy Văn kiêm nhiệm tổ trưởng Ngữ văn - Công nghệ 6 cấp trung học cơ sở chia sẻ với chúng tôi rằng đầu năm học quả là quãng thời gian áp lực kinh khủng đối với giáo viên khi phải thực hiện các kế hoạch giáo dục mà nhà trường triển khai đến các tổ chuyên môn.

Bởi lẽ, theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT, các tổ trưởng chuyên môn phải thực hiện tất cả 4 kế hoạch giáo dục, bao gồm: Kế hoạch dạy học các môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1); Kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục (theo Khung kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục tại Phụ lục 2); Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4).

Trong 4 kế hoạch này, chỉ riêng Kế hoạch môn học (theo Khung kế hoạch dạy học môn học tại Phụ lục 1) nếu làm theo hướng dẫn của Bộ đã dài khoảng gần 100 trang A4 vì theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT, kế hoạch này phải kèm theo Phân phối chương trình môn học.

Trong phân phối chương trình, tổ trưởng chuyên môn phải liệt kê tất cả Yêu cầu cần đạt đối với các bài học trong phạm vi chuyên môn của tổ mình phụ trách.

Yêu cầu cần đạt trong sách giáo khoa có, giáo án có nhưng Kế hoạch môn học vẫn yêu cầu giáo viên liệt kê (Ảnh: Nguyên Khang)

Yêu cầu cần đạt trong sách giáo khoa có, giáo án có nhưng Kế hoạch môn học

vẫn yêu cầu giáo viên liệt kê (Ảnh: Nguyên Khang)

Đối với môn Ngữ văn ở khối 6, 7, 8 mỗi tuần có 4 tiết/ lớp, Ngữ văn 9 có 5 tiết/ lớp, cộng thêm 35 tiết Công nghệ 6 (tổ ghép) và Nội dung giáo dục địa phương khối 6, 7 thêm 18 tiết nữa. Tổng cộng toàn tổ chuyên môn sẽ có 648 tiết học.

Với chừng ấy tiết, chỉ cần liệt kê ra mỗi bài học 3 cái gạch đầu dòng thì cũng đã lên đến hàng ngàn dòng trong kế hoạch. Đó là chưa kể tại một số trường, môn Ngữ văn còn được ghép với Công nghệ 6 và môn Giáo dục công dân thì Kế hoạch môn học còn nhiều hơn nữa.

Điều trớ trêu là Yêu cầu cần đạt trong sách giáo khoa đã được trình bày cụ thể, giáo án giáo viên cũng đã thể hiện rõ ràng nhưng trong kế hoạch môn học vẫn yêu cầu giáo viên phải liệt kê vào. Vì thế, chỉ một nội dung mà phải thực hiện đến 3 lần...

Ngoài Kế hoạch môn học, điều dĩ nhiên là các tổ trưởng chuyên môn cũng phải dạy lớp như các giáo viên khác theo định mức. Đa số các tổ trưởng sẽ được phân công dạy cả 2 khối lớp, vừa dạy chương trình 2006 và chương trình 2018 để đủ định mức 19 tiết/ tuần.

Vì thế, nếu được phân công dạy khối 7 và khối 9, giáo viên phải soạn 315 tiết Kế hoạch bài dạy (giáo án) theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT ở lớp 7 (Công văn 5512/BGDĐT) và lớp 9 theo Công văn 3280/BGDĐT nên số lượng phải trên dưới 1.500 trang giấy A4 mới hoàn thiện được 2 giáo án.

Nhưng, tổ trưởng chuyên môn đâu chỉ có 2 kế hoạch này mà còn có hàng chục kế hoạch, báo cáo khác nữa. Chính vì thế, thời điểm đầu năm học là lúc mà áp lực hồ sơ sổ sách đè nặng lên vai người giáo viên, đặc biệt là những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn ở các nhà trường.

Loay hoay chuyện hồ sơ sổ sách của giáo viên

Theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, hiện nay tổ trưởng chuyên môn và giáo viên không còn nhiều các loại kế hoạch, sổ sách.

Bởi lẽ, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn giáo viên dạy lớp chỉ có 3 đến 4 loại kế hoạch, sổ sách sau: “Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Những thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn có thêm 2 loại kế hoạch, đó là: Kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); Sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Thế nhưng, thực tế dưới cơ sở có thêm quá nhiều các loại kế hoạch khác nhau. Hơn nữa, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT cũng chỉ hướng dẫn một cách tổng thể vì trong kế hoạch lớn lại có kế hoạch nhỏ. Chẳng hạn, như trong Kế hoạch môn học (tổ trưởng thực hiện) có vô vàn những kế hoạch nhỏ được lồng ghép vào.

Chưa bao giờ số lượng các kế hoạch giáo dục lại được hướng dẫn thực hiện một cách chi tiết, kĩ lưỡng như Công văn 5512/BGDĐT bởi Phân phối chương trình trong Kế hoạch môn học yêu cầu phải liệt kê tất cả Yêu cầu cần đạt của từng bài học. Trong khi, sách giáo khoa đã thể hiện rất rõ mục này và trong Kế hoạch bài dạy (giáo án) cũng phải thể hiện rõ Yêu cầu cần đạt đối với từng bài học.

Chưa bao giờ giáo viên dưới cơ sở phải soạn, phải in ấn nhiều như bây giờ, mỗi năm học, có giáo viên phải soạn và in ấn tới hàng ngàn trang cho các kế hoạch giáo dục để ký duyệt, lưu giữ.

Cũng bởi vậy, nhiều trang facebook của các hội nhóm giáo viên bây giờ được lập ra chỉ có một đích chính là bán giáo án, bán các kế hoạch giáo dục.

Hàng loạt sách hỗ trợ làm kế hoạch, soạn giáo án được các tác giả sách giáo khoa, các nhà xuất bản tung ra thị trường để bán cho giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYÊN KHANG