Việc xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại đang thu hút được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Trần Thị Thúy Minh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (huyện Tuy Đức, Đắk Nông) cho rằng đây là việc làm đúng đắn và mong đề xuất sẽ sớm được triển khai bởi nó sẽ là nguồn động viên, khích lệ rất lớn cho các giáo viên mầm non.
Bởi, không giống những bậc học khác, giáo viên mầm non phải chịu áp lực khi phải thực hiện nhiều công việc nên rất nặng nhọc, vất vả. Không chỉ dạy học, các cô giáo mầm non còn phải lo cho trẻ từ ăn uống, cho các cháu đi ngủ đến đi vệ sinh, các hoạt động vận động, văn nghệ,… nên không còn thời gian chăm sóc cho gia đình.
Ảnh minh họa (Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
Không những vậy, nhiều trường nằm ở vùng khó do hạn chế thiếu cơ sở vật chất, nhiều cô còn phải bỏ tiền ra để mua đồ dùng học tập cho trẻ. Hơn nữa, thực tế hiện nay, phụ huynh vẫn chưa quan tâm, coi trọng giáo viên mầm non so với giáo viên ở các bậc học khác.
Vậy nên, việc thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp các cô giáo mầm non có thêm nguồn phụ cấp ngành nghề, là nguồn động viên, khích lệ sự cố gắng cống hiến, đặc biệt là hạn chế đi tình trạng giáo viên mầm non bỏ nghề đang ngày càng gia tăng tại các địa phương hiện nay. Tại trường mầm non của cô Minh cũng đang xảy ra thực trạng này.
Ngoài ra, theo cô Minh, do những đặc thù của ngành nghề, tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non cũng không thể giống so với các bậc học khác. Cô giáo mầm non mà trên 55 tuổi khó có thể múa hát cho các em.
Chính vì vậy, việc thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại sẽ giúp các cô giáo mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với các ngành nghề thông thường.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, với người lao động nặng nhọc, độc hại, ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc thì được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm.
Như vậy, nếu được bổ sung vào nhóm nghề này, các cô giáo mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 55.
Bà Nguyễn Thị Minh Quý, công tác chuyên môn mầm non tại Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, hiện nay, hầu hết các địa phương đều đang thiếu một lượng lớn giáo viên mầm non.
Tuy nhiên, tình hình, điều kiện thực tế của mỗi địa phương lại khác nhau, nếu quy định cứng là tất cả giáo viên mầm non phải về hưu sớm sẽ là khó khăn cho bậc học mầm non trên địa bàn.
Bởi, nhiều trường hiện nay đang thiếu giáo viên, trong khi đó, nhiều cô vẫn còn đủ sức khỏe, các cô lớn tuổi lại càng có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ tốt hơn.
Do đó, khi thuộc nhóm nghề nặng nhọc, độc hại này, chính sách về tuổi nghỉ hưu được mở hơn, những giáo viên mầm non nào nếu thấy bản thân không còn đủ sức khỏe, năng lực để đáp ứng công việc có thể xin nghỉ hưu sớm, giáo viên nào muốn cống hiến vẫn có thể tiếp tục làm việc. Việc làm này cũng sẽ phù hợp với thực trạng của từng địa phương.
Bên cạnh đó, bà Quý cũng chia sẻ thêm về những khó khăn hiện nay của giáo viên mầm non trên địa bàn.
Theo đó, thời gian làm việc của giáo viên mầm non dạy 2 buổi/ngày theo quy định là 8 tiếng/ngày (6 tiếng dạy trên lớp, 2 tiếng làm những công việc do hiệu trưởng nhà trường phân công).
Tuy nhiên, họ thường xuyên phải làm quá giờ so với quy định, sáng phải đi sớm đón trẻ, tối phụ huynh bận chưa đến đón được cũng phải chờ, trưa phải trực cả trưa, tối về phải chuẩn bị đồ dùng học tập cho trẻ. Việc chuẩn bị đồ dùng học tập cũng tốn nhiều thời gian và công sức bởi khác với các bậc học khác, ở bậc học mầm non, mỗi trẻ phải có một bộ đồ dùng học tập riêng.
Đặc biệt, địa bàn của cô cũng xảy ra tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhiều lớp ở các điểm trường chỉ có một giáo viên đứng lớp nên công việc càng vất vả hơn.
Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có quy định nào về tính phụ cấp tăng giờ cho giáo viên mầm non. Trong khi đó, mức lương hiện tại của giáo viên mầm non tính theo vị trí việc làm theo quy định hiện hành vốn đã rất thấp.
Hơn nữa, theo bà Quý, khó khăn lớn của giáo viên mầm non hiện nay là việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên lại càng khó thực hiện khi biên chế giao bị thắt chặt như hiện nay. Mặc dù đã nhiều lần, bà Quý kiến nghị về việc không tinh giản biên chế đối với giáo viên mầm non nhưng vẫn chưa được chấp thuận.
Không những vậy, các giáo viên mầm non dạy tại các điểm trường lẻ ở khu vực vùng núi như huyện Sìn Hồ lại càng khó khăn hơn. Đường đi đến trường vừa xa nhà lại vừa nguy hiểm với một bên là vách núi, một bên là vực, đặc biệt, vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt nên việc đi lại của các cô đứng trước nhiều khó khăn nguy hiểm đến tính mạng.
Vậy nên, việc sớm có phụ cấp đặc thù ngành cho giáo viên mầm non là điều rất cần thiết, nhất là cho giáo viên tại điểm trường lẻ ở những khu vực khó khăn và đặc biệt khó khăn.