Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn ngành ngôn ngữ Anh thấp, Trường ĐH Luật Hà Nội lý giải

18/10/2023 06:31
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Đề nghị Chính phủ sớm đồng bộ hệ thống quy định về tài chính công, tài sản công tạo điều kiện cho cơ sở GDĐH thực hiện tốt tự chủ tài chính.

Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 quy định các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện quy chế công khai về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; Các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính.

Trước đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết "Năm 2022, nguồn thu của Trường Đại học Luật Hà Nội tăng 55 tỷ đồng so với năm 2021", với nội dung liên quan đến một số thông tin hoạt động của Trường Đại học Luật Hà Nội qua báo cáo 3 công khai và đề án tuyển sinh của đơn vị.

Về một số điểm đáng chú ý về tỷ lệ tốt nghiệp các ngành đào tạo, tình hình biến động đội ngũ giảng viên, tài chính,... của Trường Đại học Luật Hà Nội, phóng viên đã liên hệ với nhà trường để có thêm thông tin chi tiết.

Tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn ngành ngôn ngữ Anh thấp vì nhiều sinh viên đăng ký học song ngành

Theo đó, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn các ngành đào tạo dao động trên dưới 90%, tỷ lệ tốt nghiệp muộn dao động trên dưới 10% mỗi khóa.

Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Lễ tốt nghiệp Khoá 44 hệ đại học chính quy, niên khoá 2019 - 2023. Ảnh: website nhà trường

Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Lễ tốt nghiệp Khoá 44 hệ đại học chính quy, niên khoá 2019 - 2023. Ảnh: website nhà trường

Cụ thể, theo thống kê của Phòng Đào tạo đại học của Trường Đại học Luật Hà Nội, tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn, tốt nghiệp sau của sinh viên Khóa 42 (tốt nghiệp năm 2021) và Khóa 43 (tốt nghiệp năm 2022) như sau:

Đối với sinh viên khóa 42, ngành Luật kinh tế có tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn là 88,55%, tốt nghiệp muộn là 11,55%; Ngành Luật thương mại quốc tế tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn là 84,10%, tốt nghiệp muộn là 11,90%;

Đối với sinh viên khóa 43, ngành Luật kinh tế có tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn là 97,41%, tốt nghiệp muộn là 02,59%; Ngành Luật thương mại quốc tế tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn là 89,77%, tốt nghiệp muộn là 10,23%.

Về nguyên nhân tốt nghiệp muộn của các ngành Luật; Luật Kinh tế; Luật thương mại quốc tế, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết do các môn học/ học phần của chương trình đào tạo khối ngành Pháp luật có yêu cầu chuẩn đầu ra cao bởi đây là khối ngành đặc thù. Do đó, sinh viên tốt nghiệp muộn do chưa tích lũy đủ số môn học/ học phần đúng hạn.

“Bên cạnh đó, do yêu cầu về chuẩn đầu ra về ngoại ngữ Trường yêu cầu khắt khe nên sinh viên đã hoàn thành chương trình học đúng hạn nhưng chưa đạt chuẩn đầu ra, phải chậm hơn các sv khác để đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ mới được xét”, vị đại diện lý giải.

Riêng đối với ngành Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành Tiếng Anh pháp lý - Legal English), khóa 42 có 59 sinh viên, trong đó có 4 sinh viên tốt nghiệp đợt 1; 32 sinh viên tốt nghiệp đợt 2. Tính đến nay đã có 11 đợt tốt nghiệp được tổ chức với 46 sinh viên ra trường, 13 sinh viên chưa tốt nghiệp.

Khóa 43, tổng sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh là 132, đến nay đã có 102 sinh viên tốt nghiệp, trong đó tốt nghiệp đợt 1 là 92 sinh viên.

Trước câu hỏi của phóng viên về vì sao việc tỷ lệ tốt nghiệp đúng hạn của sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh thấp hơn nhiều so với các ngành đào tạo khác của nhà trường, đại diện Trường Đại học Luật lý giải: “Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh sau năm thứ nhất các em đăng ký học cùng lúc 2 chương trình (song ngành) để khi tốt nghiệp nhận 2 bằng, vậy nên sinh viên ngành này tốt nghiệp sẽ trễ hơn các ngành khác khi đúng hạn”.

Nguồn thu năm 2022 tăng do chưa thực hiện hoàn trả học phí theo Nghị quyết 165

Về thông tin tài chính, theo tìm hiểu của phóng viên, tổng thu năm 2022 của Trường Đại học Luật Hà Nội là 235 tỷ đồng, tăng thêm 55 tỷ đồng so với năm 2021. Các năm 2021, 2020, 2019 tổng thu của trường không có nhiều biến động lớn, dao động trên dưới 180 tỷ đồng.

Thông tin về tình hình thực hiện tự chủ tài chính, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết, Trường thực hiện tự chủ chi hoạt động thường xuyên từ năm 2019, thuộc đơn vị tự chủ nhóm 2 theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập.

Trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Trường Đại học Luật Hà Nội. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Nguồn thu của trường chủ yếu từ học phí đào tạo chương trình đại học và chương trình sau đại học; một phần từ nguồn ngân sách nhà nước cấp để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và một phần từ các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật (dịch vụ giáo dục đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên; dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; dịch vụ tuyển sinh; khai thác cơ sở vật chất…).

Về học phí, trường thực hiện thu theo quy định của pháp luật về giáo dục, giáo dục đại học và các quy định của Chính phủ về học phí: Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021 (Nghị định 86); Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo (Nghị định 81).

Vị đại diện chia sẻ, theo quy định thì từ năm học 2021-2022, trường được thực hiện thu học phí theo quy định của Nghị định 81. Tuy nhiên, cho đến năm học 2022-2023 Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn đang thực hiện theo mức thu quy định của năm học 2020-2021 của Nghị định 86 theo đúng tinh thần Nghị quyết 165/NQ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không chỉ dịch vụ đào tạo mà một số nguồn thu khác của nhà trường cũng bị ảnh hưởng, sụt giảm theo.

Cụ thể, tổng nguồn thu năm 2021 nguồn thu của trường chỉ đạt hơn 93% so với năm 2020. Sang năm 2022, thời điểm bắt đầu năm học 2022-2023, trường thực hiện thu theo mức học phí quy định tại Nghị định 81 nên tổng nguồn thu của trường tăng khoảng 20% so với năm 2021.

“Tổng nguồn thu tăng thêm khoảng 20% này tương ứng trên 52 tỷ đồng. Năm 2023, Trường phải thực hiện hoàn trả hoặc giảm trừ vào học phí kỳ tiếp theo và tính toán lại cấp bù, miễn giảm học phí cho người học (theo tinh thần Nghị quyết 165/NQ-CP - PV)”, vị đại diện thông tin.

Cũng giống với nhiều cơ sở giáo dục đại học công lập khác, vị đại diện chia sẻ, là đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2, từ năm 2020 đến nay tình hình thực hiện tự chủ tài chính của trường trong những năm qua gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với cơ sở giáo dục, chi phí chủ yếu chi cho bộ máy, chi phí tiền lương, tiền công. Trong đó, phải đảm bảo theo quy định (tăng mức lương cơ sở, nâng bậc lương thường xuyên đối với viên chức; tăng lương tối thiểu vùng đối với lao động hợp đồng). Theo đó, các khoản bảo hiểm phải nộp của đơn vị cũng tăng theo; một số khoản chi phục vụ hoạt động thường xuyên cũng tăng (điện, nước, nhiên liệu, vật tư văn phòng (đặc biệt là giấy in), sửa chữa thường xuyên đảm bảo tài sản cố định, cơ sở vật chất không xuống cấp…

“Việc nguồn thu không ổn định làm ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch tài chính của Trường, nguồn để thực hiện đầu tư phát triển, nâng cấp cơ sở vật chất rất hạn chế; khó có cơ hội nâng cao đời sống của viên chức, người lao động và làm hạn chế, chậm lại lộ trình tăng mức độ tự chủ của đơn vị”, đại diện nhà trường chia sẻ khó khăn.

Trên cơ sở đó, đại diện Trường Đại học Luật Hà Nội đề nghị Chính phủ có chỉ đạo hoàn thiện, đồng bộ hệ thống các quy định có liên quan về tài chính công, tài sản công tạo điều kiện cho cơ sở giáo dục công lập nói chung, cơ sở giáo dục đại học nói riêng thực hiện tốt tự chủ tài chính; tạo nguồn lực đầu tư phát triển mạnh mẽ đội ngũ giảng viên; xây dựng hệ thống học trình, học liệu đảm bảo tiên tiến; cải tạo cơ sở vật chất góp phần đảm bảo, nâng cao chất lượng đào tạo, tăng khả năng cạnh tranh với các cơ sở giáo dục trong khu vực.

Minh Chi