Ngày 30/10/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 16/12/2023.
Ảnh minh họa. |
Thông tư 19, 20, nhân viên y tế học đường được xếp vào vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ
Theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10/9/2020 của Chính phủ, các vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, hỗ trợ phục vụ được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ Nội vụ trong đó có đối tượng nhân viên y tế trường học thuộc nhóm vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ cho ngành giáo dục.
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT.
Đối với Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT tại Phụ lục 2, vị trí việc làm y tế học đường tại trường mầm non, phổ thông được xếp vào vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ chung nhóm với các vị trí bảo vệ, tạp vụ, nấu ăn.
Thực tế giai đoạn hiện nay, các nhân viên trường học vô cùng vất vả, áp lực. Họ phải trực hằng ngày tại trường để phòng học sinh xảy ra tai nạn, thương tích, chăm lo sức khỏe ban đầu cho hàng trăm học sinh,...
Chăm lo luôn cả sức khỏe ban đầu khi giáo viên bị tai nạn, đau ốm,.. có nơi còn kiêm luôn thủ quỹ. Họ càng vất vả hơn khi có dịch bệnh, phải kiêm luôn xịt khử khuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm,mẫu thức ăn khi có nấu ăn bán trú,…
Nhân viên y tế phải theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án bảo đảm dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh...
Nhiều nhân viên y tế có bằng cấp chuyên môn đầy đủ, có người là y sĩ, có người đã có bằng đại học, cao đẳng nhưng xếp vào nhóm cùng với bảo vệ, tạp vụ,…khiến nhân viên y tế băn khoăn vì thiệt thòi, nhiều người bỏ việc, dẫn đến tình trạng thiếu vị trí y tế học đường trầm trọng hơn.
Đề xuất điều chỉnh vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường
Nhận được nhiều ý kiến băn khoăn, tâm tư không chỉ của đội ngũ y tế trường học mà còn của các giáo viên, nhân viên trường học cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có văn bản gửi Bộ Nội vụ xem xét, bổ sung, điều chỉnh danh mục vị trí việc làm. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị điều chỉnh vị trí “y tế học đường” từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiệm vụ y tế trường học là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Nhân viên y tế học đường cũng đảm nhiệm nhiều công việc liên quan khác như thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế học sinh, công tác phòng chống dịch bệnh, phòng chống bệnh học đường, phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy, phòng chống HIV/AIDS, chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình và các cơ sở y tế can thiệp kịp thời…
Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục để bảo đảm chế độ, chính sách và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ, học sinh trường học.[1]
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục có công văn đề nghị Bộ Nội vụ đề xuất chế độ chính sách cho nhân viên trường học. Theo đó, nhân viên trường học được hưởng mức phụ cấp ưu đãi bằng 25%. Ngoài ra, khi được tuyển dụng mới, sau khi hoàn thành tập sự, nhân viên trường học được bổ nhiệm và xếp lương ở bậc 2 trong thang bảng lương của ngạch viên chức tương ứng. [2]
Đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vị trí việc làm của vị trí y tế học đường và đề xuất về lương, phụ cấp cho nhân viên trường học là đề xuất kịp thời, thiết thực, mong sớm được trở thành hiện thực, giải quyết phần nào trăn trở của nhân viên trường học hiện nay, giúp họ gắn bó với nghề.
Từ 23/12/2023, tiếp tục xếp vị trí việc làm y tế trường học vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung
Sau đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí y tế học đường từ nhóm danh mục hỗ trợ, phục vụ sang nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung trong các cơ sở giáo dục.
Mới nhất, ngày 23/12/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn Số: 7583/BNV-TCBC hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm.
Tại điểm b khoản 1.3. Nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung mục II của Công văn 7583/BNV-TCBC:
“b) Về đề nghị nghị điều chỉnh, bổ sung vị trí việc làm dùng chung
- Trước mắt, đề nghị các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định vị trí việc làm “Y tế học đường” thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung như hiện nay.
Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phù hợp." [3]
Như vậy, với hướng dẫn mới nhất của Bộ Nội vụ, vị trí việc làm y tế học đường sẽ không bị xếp vào nhóm hỗ trợ, phục vụ của Thông tư 19, 20/2023/TT-BGDĐT mà được xếp vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung.
Điều này, giải quyết được phần nào băn khoăn, tâm tư của lực lượng y tế học đường tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông hiện nay.
Được xếp vào vị trí việc làm chuyên môn dùng chung, vị trí Y tế học đường sẽ được xếp chung với các vị trí thư viện, kế toán, văn thư,...sẽ được hưởng lương, phụ cấp đặc thù theo quy định.
Tương lai, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ tiếp tục tham mưu Chính phủ sửa đổi các quy định hiện hành để nhân viên trường học (y tế, văn thư, kế toán,…) có thể được trở thành viên chức, được hưởng lương, phụ cấp như giáo viên.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.vietnamplus.vn/bo-gd-dt-de-nghi-bo-noi-vu-dieu-chinh-vi-tri-viec-lam-y-te-hoc-duong-post915811.vnp
[2] https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-de-xuat-phu-cap-uu-dai-cho-nhan-vien-truong-hoc-lang-nghe-tam-can-post665672.html
[3] https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Lao-dong-Tien-luong/Cong-van-7583-BNV-TCBC-2023-huong-dan-noi-dung-vuong-mac-trong-xay-dung-De-an-vi-tri-viec-lam-592274.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.