Giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng có thể không ký lại hợp đồng?

04/06/2019 06:18
NHẬT KHOA
(GDVN) - Khi bỏ biên chế viên chức có hay không hiệu trưởng sẽ trở thành “ông trời con”, có trường hợp trù dập và sa thải giáo viên bất cứ lúc nào hay không?

LTS: Tiếp tục đưa ra những chia sẻ về vấn đề bỏ biên chế suốt đời đối với cán bộ công chức, viên chức, tác giả Nhật Khoa đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức trong đó có việc bỏ biên chế suốt đời đối với cán bộ công chức, viên chức nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhất là việc bỏ biên chế “viên chức suốt đời” của giáo viên.

Nhiều ý kiến đồng tình về việc làm này, nó sẽ tạo ra động lực cho giáo viên phấn đấu, tình trạng lương giáo viên không đủ sống sẽ hết khi đó giáo viên sẽ sống được bằng lương thậm chí đủ nuôi con.

Bỏ biên chế viên chức sẽ kéo theo bộ máy giáo dục vận hành tốt, những giáo viên yếu, kém không chịu thay đổi sẽ bị đào thải, mọi giáo viên đều phải cố gắng không ngừng để hoàn thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ,…lúc đó người hưởng lợi chính là học sinh và xã hội đó chính là mục tiêu cao cả mà giáo dục đang hướng đến.

Bỏ biên chế giáo viên, giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng có thể không ký lại hợp đồng? (Ảnh minh họa: vov.vn).
Bỏ biên chế giáo viên, giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng có thể không ký lại hợp đồng? (Ảnh minh họa: vov.vn).

Tuy vậy, cũng có một số lo ngại với ý kiến “bỏ chế độ công chức, viên chức suốt đời” vì sợ hệ lụy không kiểm soát được.

Năng lực công tác của công chức, viên chức không phải lúc nào cũng định lượng một cách minh bạch. Lúc đó, thủ trưởng có “quyền sinh quyền sát” và đương nhiên nạn chạy việc, hối lộ bằng mọi hình thức sẽ xảy ra. Lúc đó ai kiểm soát được?

Khi bỏ biên chế viên chức có hay không hiệu trưởng sẽ trở thành “ông trời con”, có trường hợp trù dập và sa thải giáo viên bất cứ lúc nào hay không?

Hiệu trưởng có quyền không ký lại hợp đồng khi giáo viên không hoàn thành nhiệm vụ?

Khi đã bỏ biên chế viên chức giáo dục thì câu trả lời là có, lúc đó giáo viên khi vào làm việc không còn loại hợp đồng không xác định thời hạn mà chỉ còn loại hợp đồng ngắn hạn 1 năm, 2 năm, 3 năm hay 5 năm,…tùy theo thời gian công tác và thành tích đạt được…

Như vậy, khi giáo viên hợp đồng 1 năm nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ thì hiệu trưởng có quyền từ chối không ký lại hợp đồng hay việc giáo viên hợp đồng 3 năm, 2 năm trước hoàn thành, hoàn thành tốt nhưng tại năm thứ 3 chuẩn bị ký hợp đồng mới mà xếp không hoàn thành nhiệm vụ, hiệu trưởng cũng có quyền không ký lại hợp đồng mới.

Hay nếu quy chế của trường, nếu giáo viên nhiều năm liền chỉ xếp hoàn thành nhiệm vụ (giáo viên không có cầu tiến, không đổi mới phương pháp) thì hiệu trưởng cũng có thể không ký lại hợp đồng mới.

Do đó, khi đã giao quyền tự chủ cho hiệu trưởng trong việc tuyển dụng giáo viên, lúc này quyền hiệu trưởng là rất lớn. Nghi ngờ, lo lắng của giáo viên khi bỏ biên chế giáo viên không phải là không có cơ sở.

Giải quyết như thế nào?

Đứng trên phương diện cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc bỏ biên chế viên chức giáo viên, vấn đề biên chế đã lỗi thời, đã hết sứ mạng trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chạy chọt để vào biên chế hay đeo cái mác biên chế để bám trụ nghề, để sáng cắp ô đi chiều cắp ô về đáng lý phải bỏ từ vài năm nay, thời điểm này bỏ đã là hơi muộn, nhưng thà muộn còn hơn không.

Bỏ biên chế suốt đời là tốt cho giáo dục, cho thầy cô, còn chần chừ gì nữa!
Bỏ biên chế suốt đời là tốt cho giáo dục, cho thầy cô, còn chần chừ gì nữa!

Nếu không bỏ biên chế giáo viên, thì bộ máy giáo dục sẽ trở nên trì trệ, ì ạch,…giáo dục sẽ không bao giờ phát triển.

Vì biên chế viên chức giáo dục nên có trường hợp hàng ngàn giáo viên ở các nơi như Nghệ An, Cà Mau, Hà Nội,…trong vài năm qua bị chấm dứt hợp đồng vì không phải biên chế dù họ có nhiều người công tác vài chục năm, có người nhận nhiều bằng khen giấy khen, nhưng vì không có biên chế nên họ ngậm ngùi bị cắt hợp đồng.

Chắc chắn, nếu không có vụ biên chế giáo dục, thì những giáo viên giỏi trong số đó sẽ không mất nghề, thậm chí cống hiến tốt hơn nữa đến cuối đời, biên chế trong việc này là phao cứu sinh cho nhiều người nhưng lại đẩy nhiều giáo viên khác ra đường, quả là quá bất công, phi lý vì chữ “biên chế suốt đời”.

Vậy thì có 2 vấn đề cần giải quyết là giám sát quyền lực hiệu trưởng như thế nào để hiệu trưởng không là “ông trời con”, và đánh giá, phân loại cuối năm sao cho công bằng, phù hợp.

Vấn đề thứ nhất, nếu hiệu trưởng không đủ tài, đủ đức, không đủ tầm, hay là “ông trời con”,…thì lỗi là do bổ nhiệm, do giám sát, quản lý của cấp trên không tốt.

Nhưng, lưu ý lúc đó hiệu trưởng cũng không phải là biên chế, hiệu trưởng cũng phải hợp đồng theo nhiệm kỳ, nếu hiệu trưởng sai phạm thì cấp trên cũng có quyền không ký hợp đồng ở nhiệm kỳ tiếp theo (hiệu trưởng sẽ mất việc, cũng không thể chuyển làm giáo viên).

Pháp lý đã có, công cụ giám sát quyền lực đã có (Ủy ban nhân dân Tỉnh/Huyện, Sở/phòng Nội vụ, Sở/phòng Giáo dục, Chi bộ, Hội đồng trường, công đoàn, giáo viên…) vấn đề là “nhốt quyền lực vào cũi” như thế nào để hiệu trưởng cố gắng làm việc mà thôi.

Lúc mà mọi hiệu trưởng đều tốt lên, giáo viên cũng sẽ làm việc tốt... khi đó mọi người đều hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không ai bị mất việc nhưng giáo dục sẽ tốt lên, học sinh hưởng lợi, nhà trường hưởng lợi, gia đình học sinh hưởng lợi (học sinh ngoan, không vi phạm biết giúp đỡ gia đình, yêu thương, giúp đỡ mọi người…).

Phải thay đổi cách đánh giá giáo viên cuối năm

Vấn đề thứ 2, hiện nay việc xếp loại cuối năm của hiệu trưởng đối với giáo viên còn quá bất cập, việc đánh giá chủ yếu dựa vào sáng kiến kinh nghiệm và dựa vào chủ quan của hiệu trưởng là không nên, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét và thay đổi cách đánh giá như hiện nay.

Theo quan điểm cá nhân, tôi xin được đề nhất 2 giải pháp như sau:

Thứ nhất, việc xếp loại giáo viên cuối năm hiện nay theo công văn 02/VBHN – BNV hợp nhất nghị định 56 và nghị định 88/NĐCP, việc xếp loại giáo viên xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phải có sáng kiến kinh nghiệm đã không còn phù hợp nên bỏ, hàng trăm triệu sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên trong mấy chục năm nay đã trở thành giấy vụn, nên việc viết sáng kiến kinh nghiệm cũng nên bỏ.

Biên chế suốt đời làm con người thui chột, đất nước thêm nhiều gánh nặng
Biên chế suốt đời làm con người thui chột, đất nước thêm nhiều gánh nặng

Thứ hai, trình tự xếp loại giáo viên hiện nay cũng nên thay đổi, hiện nay việc xếp loại giáo viên là giáo viên tự đánh giá năng lực, phẩm chất…sau đó tổ trưởng đánh giá…rồi cuối cùng hiệu trưởng quyết định đều mang tính cảm tính, định tính không có định lượng rõ ràng, các tiêu chuẩn cũng chung chung.

Hiệu trưởng chủ yếu quy định ai có sáng kiến xếp loại xuất sắc, ai có lao động tiên tiến thì xếp hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn lại là hoàn thành và không hoàn thành, nhưng đâu phải ai đạt lao động tiên tiến hay có sáng kiến kinh nghiệm là giáo viên giỏi, tốt...việc đánh giá hết sức cảm tính.

Một quy luật muôn đời không thay đổi, theo kinh nghiệm giảng dạy của tôi, thì kiến thức chuyên môn của giáo viên là rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giảng dạy và đổi mới phương pháp.

Giáo viên có kiến thức giỏi chưa chắc dạy giỏi, nhưng giáo viên kiến thức yếu, không cập nhật kiến thức hay kiến thức mai một thì không thể trở thành giáo viên giỏi, sẽ trở thành giáo viên ỳ ạch, bảo thủ.

Bên cạnh đó, không ai đánh giá học sinh giỏi, tốt một cách chính xác hơn học sinh, có nhiều người nói giáo viên khi đó sẽ sợ học sinh nhưng sự thật không phải như vậy, nếu giáo viên có tâm, cố gắng, dù học sinh không thích 1, 2 tiết nhưng dạy cố gắng suốt năm học gần 10 tháng tốt, hay thì học sinh sẽ ghi nhận.

Đừng nghi ngờ sự đánh giá của học sinh, học sinh bây giờ rất giỏi, rất nhạy cảm và sẽ cho ý kiến chính xác (phần này có thể dành cho học sinh từ trung học cơ sở trở lên).

Nên theo tôi việc đánh giá giáo viên nên được định lượng rõ ràng thì sẽ tránh được việc hiệu trưởng lạm quyền hay hiệu trưởng là các “ông trời con”.

Muốn vậy theo tôi việc đánh giá giáo viên cuối mỗi năm định lượng % cụ thể như sau:

Đầu tiên giáo viên sẽ làm bài khảo sát kiến thức chuyên môn trên máy vi tính (đây là vấn đề quan trọng, quyết định) nên chiếm 50% số điểm, tổ chuyên môn đánh giá 10%, Hiệu trưởng được quyền đánh giá 20% và toàn thể học sinh giảng dạy chiếm 20%, sau đó tổng hợp điểm lại có thể đánh giá, xếp loại tùy theo điểm số mà không sợ hiệu trưởng là “ông trời con”.

Biên chế giáo dục đã lỗi thời, thay đổi là cần thiết, các giáo viên đừng lo sợ mà phải thay đổi để không chỉ lương giáo viên thay đổi, nâng cao, nuôi sống bản thân, gia đình mà còn làm cho giáo dục phát triển, mong mọi giáo viên hãy yên tâm đừng sợ mất việc nếu mình làm tốt công việc của mình khi bỏ biên chế giáo dục.

NHẬT KHOA