Khi dạy và chủ nhiệm, lớp chưa tốt sẽ để cho ai?

14/08/2017 07:08
Sông Trà
(GDVN) - Trước thềm năm học mới 2017-2018, nhà trường, phụ huynh mong sao các thầy cô chúng ta cần bớt đi sự so bì thiệt hơn về chuyện phân công giảng dạy, chủ nhiệm.

LTS: Có thể nói, giáo viên chủ nhiệm là người đóng vai trò quan trọng trong việc giảng dạy, kết nối giữa nhà trường với học sinh; là người thường xuyên gần gũi, tiếp xúc, truyền đạt những mong muốn, suy nghĩ của các em tới nhà trường và ngược lại.

Cũng bởi trọng trách nặng nề đó nên nhiều giáo viên được ví như những người “làm dâu trăm họ” đã đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm cho người khác khiến cho Ban giám hiệu các nhà trường phải đau đầu trong công tác phân công, chuẩn bị tổ chức nhân sự.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
 
Phân công các thầy cô làm công tác chuyên môn, công việc chủ nhiệm lớp đang trở thành vấn đề “đau đầu” đối với nhiều Ban Giám hiệu khi chuẩn bị công tác tổ chức “bộ máy” cho năm học mới. 

Làm sao để phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm luôn tận tâm với nghề đã khiến Ban giám hiệu phải đau đầu. (Ảnh nguồn: news.zing.vn)
Làm sao để phân công giáo viên làm công tác chủ nhiệm luôn tận tâm với nghề đã khiến Ban giám hiệu phải đau đầu. (Ảnh nguồn: news.zing.vn)

Có những thầy cô, nhà trường, khi Hiệu trưởng phân công chuyên môn, lớp dạy, lớp chủ nhiệm như thế nào thì dạy và thực hiện như thế, không nề hà, kêu ca, so bì thiệt hơn.

Song, cũng có không ít giáo viên, nhất là các cô giáo vào đầu năm học mới, khi thấy Ban Giám hiệu chỉ định, phân công mình làm chủ nhiệm những lớp không tốt (thông tin được biết từ các năm học trước) là bắt đầu than thở, kêu ca, thậm chí còn “quy kết” cho Hiệu trưởng cái tội đối xử bất công, bên trọng bên khinh… 

Đúng là công tác tổ chức, sự phân chia lao động, công việc trong một tập thể, đơn vị trường học khó mà tránh khỏi sự phức tạp, lời ra, tiếng vào, thậm chí gay gắt, kiện thưa nếu như nhà trường, ban giám hiệu “yếu mền”, thiếu sáng suốt, công tâm, khách quan. 

Gần đây, một số nhà trường, Ban Giám hiệu thực hiện chia lại các khối lớp (sau một năm học) để các khối lớp được đồng đều về chất lượng học sinh trước phân công giáo viên chủ nhiệm và giảng dạy. 

Cách bốc thăm lớp dạy và chủ nhiệm để mọi người cảm thấy công bằng, bớt lời ra, tiếng vào, buồn vì lớp tệ, mừng vì lớp tốt cũng được áp dụng nhiều. 

Giải pháp tạm thời, bất đắc dĩ này của một số đơn vị, có cái được là đến cuối học kỳ, cuối năm, khi xét thi đua - khen thưởng cho học sinh, thầy cô giáo đã bớt đi lời than vãn, so bì. 

Khi dạy và chủ nhiệm, lớp chưa tốt sẽ để cho ai? ảnh 2

Tại sao giáo viên sợ làm chủ nhiệm?

Mỗi nhà trường có nhiều khối, lớp vốn dĩ đã không đồng đều nhau về tính cách, đạo đức, năng lực học tập... Ngay cả trong từng cá thể học sinh, mỗi giai đoạn cũng có những biểu hiện khác nhau, lúc ngoan, lúc lì lợm, khi học được, khi học yếu…

Cái căn cơ, mấu chốt ở đây là sự nắm bắt, am tường về đối tượng học sinh và giáo viên của người quản lý để từ đó biết cách điều hành, phân công thầy cô dạy và chủ nhiệm vào từng loại lớp, loại đối tượng học sinh cho phù hợp. 

Thực tế cho thấy giáo viên nào chủ nhiệm tốt, dạy tốt thì luôn chủ nhiệm tốt; còn giáo viên nào chủ nhiệm chưa nhiệt tình, kiến thức và phương pháp dạy còn hạn chế thì dù phân công lớp nào, những nhược điểm cũng sớm hay muộn sẽ bộc lộ ra. 

Trước thềm năm học mới 2017-2018, nhà trường, phụ huynh mong sao các thầy, cô giáo chúng ta cần bớt đi sự so bì thiệt hơn về chuyện phân công giảng dạy, chủ nhiệm. 

Lớp nào, học sinh nào cũng đều đáng yêu, đáng quý và luôn cần tình yêu thương, nghệ thuật ứng xử sư phạm chuẩn mực, khéo léo của các thầy cô. 

Nếu gặp lớp yếu, học sinh cá biệt nhưng thầy cô biết cách giáo dục, cảm hóa, dạy dỗ các em nhanh tiến bộ, chuyển biến tốt các em cá biệt. 

Công lao và năng lực của người giáo viên là ở đó, chứ đâu phải cứ chờ mong, phụ thuộc mãi vào các lớp tốt, học sinh ngoan có sẵn được.              

Sông Trà