LTS: Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mời các giáo viên tham gia đóng góp ý kiến về chương trình giáo dục phổ thông mới khiến nhiều người vui mừng.
Tuy nhiên, cô giáo Phan Tuyết cho rằng để có tiếng nói giáo viên thật khách quan thì Bộ cần mở một diễn đàn công khai.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới đây, trong một trả lời về Chương trình sách giáo khoa mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói:
“Đợt này chúng tôi có một đổi mới là lấy ý kiến trực tiếp của các thầy cô đang đứng lớp tham gia vào, không phải là chương trình của một số các chuyên gia…
Ngoài các chuyên gia dự thảo ra còn các thầy cô đứng lớp phải tham gia thông qua giáo viên chủ chốt.
Tới đây, chúng tôi cho phản biện và đặc biệt mời các giáo viên cốt cán ở các địa phương, các trường tham gia từ thành phố cho đến vùng hải đảo để khi chương trình đưa ra viết thì vào cuộc sống.
Chúng tôi có hướng dẫn cách xây dựng chương trình môn học và không phải chỉ là một nhóm các nhà khoa học viết mà chúng tôi sau khi có hướng dẫn, có khung thì mời rộng rãi các giáo viên tham gia để làm sao chương trình sau đó được thẩm định”.
Từ những dự định vô cùng tốt đẹp và thiết thực trên, chúng tôi những giáo viên hằng ngày đang đứng lớp cũng mong ngóng để được nói lên những suy nghĩ của mình về những điều bất cập, những điểm còn tồn tại trong Chương trình sách giáo khoa ấy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần mở diễn đàn công khai để giáo viên phản biện. (Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân) |
Phút giây vui mừng hy vọng cũng qua nhanh, nỗi thất vọng và sự lo lắng xâm chiếm.
Bởi thành phần được mời phản biện lại là những giáo viên cốt cán, giáo viên chủ chốt (thường là các tổ trưởng chuyên môn), chuyên viên các phòng, sở, ban giám hiệu nhà trường (những người đã không còn giảng dạy trong nhiều năm) chứ đại đa số giáo viên như chúng tôi làm gì có cơ hội để lên tiếng?
Và trong buổi hội thảo đó, sẽ không thể thiếu vắng những vị lãnh đạo chủ chốt của ngành giáo dục địa phương.
Liệu với khung cảnh như thế, có ai dám nêu lên ý kiến trái chiều của chính mình?
Cách đây một năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng đã từng mở hội thảo trực tuyến cho hơn 600 Hiệu trưởng các trường tiểu học phản biện về Thông tư 30.
Mặc dù ở cơ sở, nhiều hiệu trưởng cũng tỏ ra ngao ngán về việc giáo viên phải bỏ dạy để hoàn thành những lời phê, lời nhận xét cho học sinh nhưng tuyệt nhiên hơn 600 hiệu trưởng ấy không một ai dám có ý kiến về điều này.
Các thầy cô, hãy lên tiếng cho "bóng tối lui dần, cho giáo dục nở hoa" |
Họ im lặng không phải là đồng ý, họ cũng sợ nếu nêu ý kiến trái chiều sẽ bị để ý, bị làm khó (một thực tế đang diễn ra phổ biến trong ngành giáo dục).
Hiệu trưởng còn sợ như thế, thử hỏi giáo viên có dám nói lên những hạn chế, những tồn tại hay không?
Chắc chắn là không!
Ví như góp ý về chương trình VNEN, dù ai cũng biết, cũng hiểu những hạn chế cốt lõi dẫn đến chương trình VNEN thất bại. Nhưng khi có ý kiến cũng chỉ toàn là ưu điểm vượt trội.
Bởi những lời góp ý chân thật nhất, giáo viên cũng chẳng dám nói ra, mà có nói cũng bị quy chụp, lên án là ngại đổi mới, dạy chưa đúng phương pháp...
Thế nên mọi người rỉ tai nhau “im lặng là thượng sách”.
Thế thì có lấy ý kiến trực tiếp giáo viên như lời Bộ trưởng nói hay không tổ chức lấy ý kiến cũng chẳng khác nhau là mấy.
Nếu thật sự Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn lấy ý kiến của đông đảo giáo viên một cách chân thực nhất, từ đó làm cơ sở để điều chỉnh Chương trình sách giáo khoa mới chỉ còn một cách duy nhất là mở diễn đàn góp ý công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Nơi đây, mọi thông tin về giáo viên cũng được bảo mật.
Rất nhiều nhà giáo, phụ huynh những người quan tâm đến giáo dục nói rằng muốn biết tình hình giáo dục hiện nay thế nào hãy nên vào đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Chuyên mục Giáo dục 24H là nơi phản biện đúng nghĩa về giáo dục bởi có nhiều bài viết chân thực của rất nhiều thầy cô giáo ở khắp mọi miền đất nước.
Thông qua những bài phản ánh này, những góc khuất trong giáo dục cũng được hiện lên một cách rõ nét mà không nhiều tờ báo hiện nay dám đăng tải điều này.
Rồi những tâm tư, những nguyện vọng, những mong muốn để ngành giáo dục chuyển đổi, những bài viết sâu sắc của các chuyên gia giáo dục tâm huyết cũng được thể hiện đầy đủ.
Từ thực tế đã diễn ra nên chúng tôi hy vọng rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đừng tổ chức những cuộc hội thảo góp ý tập trung (điều này vừa tốn kém lại chẳng hiệu quả gì).
Bộ cũng đừng bắt các trường tổng hợp ý kiến để báo cáo lên từng cấp như trước nay vẫn làm, mà nên mở diễn đàn công khai để giáo viên góp ý phản biện bằng những bài viết, những câu hỏi một cách thẳng thắn (như Chuyên mục Giáo dục 24H của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam).
Chắc chắn rằng, Bộ sẽ nhận được những góp ý một cách thẳng thắn và chân thành nhất.