Lạm thu ngầm trong trường học

02/08/2019 06:37
Thảo Ly
(GDVN) - Chỉ có giáo viên, những thầy cô hằng ngày đứng trên lớp luôn phải dẹp chuyện dạy qua một bên để làm công tác đòi nợ và thu nợ mới thấy ngán ngẩm và mệt mỏi.

Để chấn chỉnh nạn lạm thu bùng phát, vào đầu năm học mới, ngày 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản do Thứ trưởng Lê Hải An ký gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị thực hiện nghiêm các khoản thu trong lĩnh vực giáo dục.

Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).
Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn).

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, đảm bảo các điều kiện đảm bảo chất lượng và thu chi tài chính, thực hiện các khoản thu theo đúng quy định, tăng cường kiểm tra, rà soát và có biện pháp xử lý nghiêm đối với cá nhân là người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm dụng, thu ngoài học phí.{1}

Tiếp theo đó, nhiều tỉnh thành cũng có công văn chỉ đạo về các phòng giáo dục và các trường học ở địa bàn mình.

Tình trạng lạm thu có được khống chế theo tinh thần chỉ đạo?

Sau hàng loạt công văn ấy, chắc chắn nạn lạm thu ở nhiều trường học không thể bùng phát dữ dội như nhiều năm trước đây.

Nhưng nói khống chế được hoặc không còn lạm thu nữa thì chúng tôi khẳng định luôn rằng đó là điều không thể.

Bởi, không ít hiệu trưởng hiện nay có khá nhiều cách, nhiều “mánh”, nhiều “thủ thuật” để lách quy định.

Lạm thu ngầm trong trường học ảnh 2
Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra lạm thu

Thành quả đạt được là, tiền vẫn thu được mà trách nhiệm cũng chẳng sao.

Một số chiêu thức “lách”

Thứ nhất, không gộp các khoản thu vào cùng một lúc.

Ví như tiền quần áo, sách vở, có trường mở cửa bán từ tháng 6 để phụ huynh tới tận trường mua theo kiểu “tiền trao cháo múc”. Hai khoản này đã lên tới tiền triệu.

Thứ hai, phân loại các khoản đóng góp đầu năm.

Trong các khoản thu của học sinh bao giờ cũng có 2 phần đó là những khoản thu bắt buộc và những khoản thu tự nguyện. 

Những khoản thu tự nguyện cũng được chia nhỏ thu nhiều lần trong năm.

Cụ thể, thu đầu năm là tiền hội phí, tiền vệ sinh…

Nếu tổng hợp số tiền phải đóng đầu năm mỗi học sinh chỉ hơn triệu đồng. 

Nhưng thu lai rai trong năm là những khoản còn lại trong số tiền tự nguyện.

Thường là tiền quỹ lớp, số tiền nhiều hay ít tùy theo từng vùng, miền.

Một số người thân ở Đồng Nai cho biết, một năm mình phải đóng cho con tiền quỹ lớp khoảng 400 ngàn đồng/học sinh.

Số tiền quỹ này cũng được chia nhỏ thu làm 2 lần. Lần đầu vào học khoảng vài tuần, lần sau thu vào ngày họp phụ huynh cuối học kỳ 1.

Lạm thu ngầm trong trường học ảnh 3
Năm học mới liệu có hết lạm thu?

Một số trường cũng nhân buổi họp phụ huynh lần 2 này xin ủng hộ cây xanh, ghế đá, sửa chữa cơ sở bật chất nhỏ của trường… thường phụ huynh quy ra số tiền và đóng luôn.

Rồi, tiền nước uống của học sinh nơi thu 100 ngàn đồng /năm, nơi 50 ngàn đồng, nơi chỉ thu 30 ngàn đồng sẽ được thu khi vào năm học khoảng vài tuần.

Ngoài ra còn hàng tá khoản tiền mà học sinh phải đóng lai rai như tiền mua báo, tiền phù hiệu, quỹ đội, tiền học bơi, học kỹ năng sống, tiếng Anh tăng cường, tiền tham quan…

Nếu gộp tất cả các khoản tiền này lại, số tiền phải đóng của phụ huynh mang tên tự nguyện và bắt buộc cũng chẳng phải là ít.

Đóng cho xong

Nhờ chia nhỏ số tiền phải đóng nên đầu năm phụ huynh không bị “ngợp” trong cái ma trận tiền đóng góp.

Khi vào học được vài tuần, mỗi lần thu cũng vài khoản, người thì không để ý, người biết lại tặc lưỡi “đóng cho xong”.

Thế nên không ít trường học hiện nay nhìn vào bảng thống kê thu đầu năm thì bình thường. Nhưng cộng tất cả các khoản lớn, bé lại thực chất là lạm thu.

Thế nhưng cũng không hề bị phụ huynh lên tiếng phản đối.

Hiệu trưởng vẫn luôn tự cho rằng mình đã thực hiện đúng như tinh thần chỉ đạo.

Chỉ có giáo viên, những thầy cô hằng ngày đứng trên lớp luôn phải dẹp chuyện dạy qua một bên để làm công tác đòi nợ và thu nợ mới thấy ngán ngẩm và mệt mỏi.

Thế nhưng lại chẳng ai dám lên tiếng. Và như thế lạm thu vẫn sẽ còn mãi mãi nhưng không ồn ào mà phát triển một cách ngấm ngầm như thế.

Dẹp kiểu lạm thu "ngầm" chẳng ai có thể làm tốt hơn chính các bậc phụ huynh cần phải lên tiếng. 

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/gdvn/nam-hoc-moi-lieu-co-het-lam-thu-post200760.gd{1}

Thảo Ly