Liên quan đến chủ đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải ý kiến của thầy giáo Trần Nghĩa Sơn ở Quảng Ngãi, với tư cách là một người trong cuộc.
Trên các phương tiện truyền thông thời gian qua, một số ý kiến nói thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) thời gian qua “mang nhiều tính hình thức”, có biểu hiện “bệnh thành tích”.
Một độc giả có nick là Lâm Kỹ Sư viết trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam: “Cứ tổ chức thi tràn lan như lâu nay thì đó là hậu quả của bệnh thành tích và bệnh hình thức mà thôi”.
“Tôi đã từng dự thi GVDG, sau đó trở thành cán bộ của Sở giáo dục và tham gia ban giám khảo thi GVDG nhiều năm.” - Một độc giả khác có nick Vũ Minh chia sẻ – “Theo tôi, tổ chức thi và thi như hiện nay ở địa phương (thành phố) đúng là hình thức, ít tác dụng và không tìm được giáo viên giỏi thực sự, tuy giáo viên và nhà trường tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức.”
Có ý kiến còn nêu khá cụ thể cái “được” và chưa được của các hội thi GVDG. Một độc giả có nick là Lê Mai bình luận: “Tôi từng là giám khảo ở Hà Nội. Xin thưa thật lòng: 1-Mỗi đợt chấm thi GVDG (2-4 tuần) cũng được một khoản khá (gấp 5-6 lần lương tháng), nhưng cầm cái “kính gửi” cũng thấy ngượng; 2- Thực chất giáo viên dạy thi nhưng không giỏi, thậm chí chỉ ở mức trung bình và thường là “diễn”; 3- Nhiều hội thi, giáo viên muốn bỏ nhưng không dám nói vì sợ bị đánh giá này nọ, ảnh hưởng đến “ghế” của mình; 4- Thường thì đồng nghiệp không phục những giáo viên giỏi kiểu đó.”
Ở chiều ngược lại, có những ý kiến cho rằng việc tổ chức thi GVDG là cần thiết, là một hoạt động bổ ích để nâng cao trình độ, tay nghề cho giáo viên. Vì vậy, họ phản đối quan điểm cho rằng “nên bỏ thi GVDG”.
“Tôi từng đi thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và thấy mình được học hỏi rất nhiều. Nếu không có tiêu cực thì nên duy trì.” Một độc giả có nick lucnguyen nêu ý kiến.
Giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) thảo luận về phương pháp giảng dạy mới (Ảnh: Trần Sơn) |
Thầy Ngô Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng, trường THPT Ba Tơ (Quảng Ngãi), từng là thí sinh dự thi và đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp tỉnh, được báo điện tử Giáo dục Việt Nam dẫn lời, nói: "Trong nhà trường, đối với thầy cô giáo mà không tổ chức các hoạt động chuyên môn, hội thi dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi thì còn có ý nghĩa gì đâu. Tôi không đồng tình luồng ý kiến bỏ hẳn hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, vì những lý do nọ, lý do kia. Chúng tôi đến với Hội thi dạy giỏi nhiều năm trước đều xuất phát từ tự nguyện, tự giác, muốn thể hiện, khẳng định mình, chẳng có ai bắt buộc cả.”
Chia sẻ quan điểm trên, trong một bài viết của mình, thầy Đỗ Tấn Ngọc, Phó hiệu trưởng trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP Quảng Ngãi) nêu ý kiến: “Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp là một hoạt động rất có ý nghĩa, bổ ích và cần thiết trong môi trường giáo dục, trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Nhà giáo. Nó đã được các cấp quản lý giáo dục từ trường học đến Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, duy trì tổ chức đều đặn, thường xuyên hàng mấy chục năm nay.”
Dù có nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều nhau, nhưng hầu hết các ý kiến đều mang tính xây dựng. Không có những thái độ cực đoan hay “ném đá” trên diễn đàn.
Là một người trong cuộc, quan tâm đến vấn đề này, tôi xin được chia sẻ một số suy nghĩ của mình. Theo tôi, thi GVDG cũng như bao vấn đề khác đều có tính hai mặt: được và chưa được.
Cái được là, khi tham gia thi GVDG, bắt buộc giáo viên phải tìm tòi các phương pháp dạy học mới để tiết dạy của mình thuyết phục ban giám khảo (và/hoặc để thể hiện khả năng của bản thân). Qua đó, họ tích lũy được những kiến thức, kỹ năng vận dụng các phương pháp dạy học mới bên cạnh kiến thức, kỹ năng về các phương pháp dạy học “truyền thống”. Bản thân tôi đã từng có một số lần tham gia thi GVDG. Qua những lần thi ấy, tôi thấy chuyên môn của mình thêm vững hơn, có thêm kinh nghiệm hơn và cảm thấy tự tin hơn.
Có bằng thạc sĩ, nhưng không biết làm việc, thất nghiệp còn kêu ai?
(GDVN) - Có bằng thạc sĩ rồi mà không biết phát huy chuyên môn để làm việc và kiếm sống, chứng tỏ năng lực, bằng cấp có “vấn đề”. Đây có là lỗi của người học?
Trong quá trình chuẩn bị cho việc thi, ngoài sự tự chuẩn bị của bản thân, các giáo viên thường phải trao đổi, thảo luận về tiết dạy với các đồng nghiệp khác (thường là các đồng nghiệp giàu kinh nghiệm hơn). Vì vậy, họ học hỏi được những kinh nghiệm, làm phong phú thêm vốn hiểu biết của mình về nghiệp vụ chuyên môn.
Thi GVDG còn tạo cho giáo viên có thêm động lực trong công tác giảng dạy, nếu họ tham gia với tinh thần tự nguyện, tự giác.
Bên cạnh cái được nói ở trên, thực tế hoạt động thi GVDG thời gian qua cũng đã bộc lộ không ít những cái chưa được.
Mục đích thi GVDG là nhằm nâng cao năng lực giảng dạy cho đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, ở một số nơi hoạt động này đã biến thành “sân chơi” của “bệnh thành tích”. Không ít giáo viên, vì để đạt được thành tích, đã không ngần ngại biến một hoạt động giáo dục thành một “vở diễn”. Họ “mớm” trước cho học sinh các câu trả lời. Thậm chí, có trường hợp giáo viên còn bí mật đưa trước cho học sinh các câu hỏi và câu trả lời để học sinh về nhà học thuộc trước(!)
Trong thể thức thi GVDG, giáo viên dự thi bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài nghiên cứu khoa học giáo dục. Tuy nhiên, phần lớn các sáng kiến kinh nghiệm hoặc đề tài nghiên cứu đều có chung một tác giả là… internet. Có lẽ vì vậy mà nhiều người cho rằng thi GVDG mang nặng tính hình thức, đối phó, không thực chất.
Nói tóm lại, hoạt động thi GVDG có những khía cạnh tích cực chứ không phải là hoàn toàn vô bổ. Theo quan điểm của người viết bài này, vấn đề đặt ra không nên là bỏ hay không hoạt động thi GVDG, mà là phải chấn chỉnh, cải tiến làm sao để hoạt động này thực chất hơn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý giáo dục phải có những giải pháp để giảm thiểu tối đa những tiêu cực phát sinh từ hoạt động này.