Tỉnh Nam Định bắt đầu triển khai hình thức dạy học qua truyền hình từ ngày 3/3/2020.
Đã hơn 1 tuần nay, cô giáo Đào Thanh Huyền (Trường Trung học cơ sở Trần Đăng Ninh) tất bật với công việc chuẩn bị bài giảng, rèn luyện kỹ năng nói.
Lần đầu đứng dưới ánh đèn trường quay, có người dẫn chương trình, trước những con người xa lạ, cô Huyền không khỏi bỡ ngỡ.
Việc dạy học qua truyền hình không chỉ chú trọng đến bài giảng mà còn phải rèn luyện cách diễn đạt và chăm chút cả phần ngoại hình.
Dạy trực tuyến, truyền hình không được công nhận, thầy trò làm sao có động lực |
Cô Huyền chia sẻ: “Nếu như đi dạy trên lớp thì mình chỉ giao tiếp với học sinh của từng lớp. Đôi khi ngôn ngữ hay cách ăn mặc có thể thoải mái, tự nhiên một chút.
Nhưng dạy học trên truyền hình, đối tượng nghe giảng là học sinh toàn tỉnh, còn có các đồng nghiệp, phụ huynh…
Chỉ cần lời nói, hành động của mình không chuẩn là có thể sẽ bị phản ứng.
Cho nên từng lời nói luôn phải cố gắng thật sự chuẩn xác. Buổi giảng đầu tiên tôi cũng run lắm nhưng giờ thì quen hơn rồi”.
Khác với phương pháp dạy học theo lối truyền thống, hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình yêu cầu giáo viên phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, nhất là qua truyền hình không có sự tương tác trực tiếp mà chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều, vì thế cần chi tiết, tỉ mỉ hơn để học sinh trình độ trung bình nghe cũng hiểu được bài.
Việc dạy học qua truyền hình khiến nhiều giáo viên còn bỡ ngỡ (Ảnh minh họa: VTC.VN) |
Cô Huyền trải lòng: “Để có được một bài giảng tốt thì chúng tôi phải chuẩn bị trước vài ngày. Ngày nào cũng làm việc liên tục từ sáng đến tối. Do đặc thù dạy qua truyền hình là dành cho học sinh toàn tỉnh, cho nên chúng tôi phải biên soạn lượng kiến thức cô đọng nhất, dễ hiểu nhất.
Thời lượng một bài giảng rất ngắn chỉ khoảng vài chục phút nếu nói lan man học sinh sẽ không tiếp thu được.
Hình thức giảng dạy này yêu cầu giáo viên phải tư duy nhiều hơn, để làm sao trong thời gian ngắn ngủi đó mình có thể truyền tải những kiến thức gì cho học sinh, trình bày như thế nào?”.
Chúng tôi gặp thầy giáo Vũ Mạnh Thắng (tỉnh Nam Định) ít phút trước khi vào trường quay. Từ những tiết học đầu tiên dạy trên truyền hình, thầy Thắng nói vui rằng, bất đắc dĩ trở thành người nổi tiếng.
Thầy Thắng tâm sự: “Với những giáo viên quanh năm gắn bó với phấn đen, bảng trắng như chúng tôi thì ánh đèn sân khấu quả thật xa lạ.
Thời gian đầu mình phải tập mãi và rất bỡ ngỡ, hồi hộp. Nhưng vì đây là nhiệm vụ cho nên chúng tôi phải vượt qua những điều đó với mục tiêu mang đến những bài giảng tốt nhất, cô đọng và ngắn gọn cho học sinh.
Dù phải tiếp cận làm quen với những cái mới cũng có đôi chút bỡ ngỡ nhưng cũng rất vui vì vẫn được thường xuyên trao truyền kiến thức cho học trò. Học trò của tôi tình cảm lắm, thấy thầy giáo lên truyền hình còn nhắn tin đùa thầy là người nổi tiếng".
Học qua truyền hình là một trong những giải pháp tối ưu trong điều kiện học sinh chưa thể quay lại trường (Ảnh minh họa: namdinh.edu.vn) |
Hiện nay, trước những diễn biến của dịch Covid-19, nhiều tỉnh/thành phố đã chủ động cho học sinh nghỉ học. Song song với đó, nhiều địa phương đã triển khai phương án dạy học trực tuyến qua internet, qua truyền hình trong thời gian học sinh chưa thể quay trở lại trường.
Đánh giá về hình thức học qua truyền hình, cô Phạm Thái Lê (giáo viên tại Hà Nội) cho biết: “So với hình thức học trực tuyến, học qua truyền hình mang đến nhiều ưu điểm hơn. Tại những vùng khó khăn không phải học sinh nào cũng có điều kiện để trang bị máy tính phục vụ việc học trực tuyến. Học qua truyền hình có một cái lợi đó là giúp phổ cập kiến thức đến tất cả mọi học sinh”.
Nhiều địa phương dạy học qua truyền hình, chờ phản ứng của Bộ Giáo dục |
Tại tỉnh Lào Cai, do điều kiện kinh tế nhiều gia đình còn khó khăn không có điều kiện học trực tuyến.
Vì thế Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đang xem xét cho phép học sinh lớp 9, lớp 12 được học qua truyền hình của thành phố Hà Nội.
Theo đề xuất, đài Phát thanh và Truyền hình Lào Cai sẽ tiếp sóng theo khung giờ học của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hoặc được phát lại chương trình học theo khung giờ thích hợp.
Đánh giá về đề xuất này, thầy Nguyễn Duy Tiến (Trạm Tấu, Lào Cai) cho biết: “Đối với trẻ em vùng cao được nghỉ dài ngày chúng tôi cũng rất lo lắng vì việc quản lý các em sẽ khó khăn. Do điều kiện kinh tế người dân chưa cao, cho nên việc học trực tuyến sẽ rất khó được thực hiện.
Học qua truyền hình sẽ khả thi hơn. Thậm chí nhà trường sẵn sàng tạo điều kiện về phòng học cho các cháu có thể đến và học qua truyền hình”.
Học sinh tại nhiều nơi mong mỏi được học qua truyền hình để kịp thời ôn luyện cho kỳ thi cuối cấp (Ảnh:Hoàng Hằng) |
Trong điều kiện dịch Covid-19 như hiện nay, hình thức học qua truyền hình rõ ràng là sự lựa chọn hợp lý. Khi phân tích về những ưu điểm của hình thức học này, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ chỉ ra rằng: “Hình thức học qua truyền hình sẽ bù đắp được thiếu sót của hình thức học trực tuyến đó là thiếu tính phổ cập, bởi hiện nay cũng có nhiều gia đình không có điều kiện mua sắm máy tính cho con. Việc học trực tuyến không phải trường nào cũng có thể triển khai được”.
Tuy nhiên việc dạy học qua truyền hình cũng không phải không có nhược điểm của nó. Việc dạy học không tương tác chỉ trở nên hiệu quả nếu học sinh có ý thức học tập.
Còn đối với những cô Huyền, thầy Thắng, đây sẽ là những trải nghiệm vô cùng đáng nhớ trong đời nhà giáo.
Những giáo viên lần đầu còn bỡ ngỡ dưới ánh đèn trường quay vẫn đang miệt mài đem con chữ, cùng cả xã hội đẩy lùi dịch Covid-19.