Giấc mơ xuân của thầy Nguyễn Cao

19/02/2018 06:27
Nguyễn Cao
(GDVN) - Hóa ra đó là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp của ngày đầu xuân mới, tôi trở lại với cuộc sống thực như mọi ngày và tiếc nuối một giấc mơ đã qua.

LTS: Sau giấc mơ đầy niềm vui và hạnh phúc ngày đầu xuân năm mới của mình, tác giả Nguyễn Cao đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam -  một tờ báo quen thuộc hàng ngày của chính tác giả bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Đầu Xuân, mấy anh em chúng tôi ngồi bên nhau nhâm nhi ly rượu để cùng nhau chúc mừng năm mới và cũng là để tiễn đưa một năm cũ đã qua. Tiễn đưa những buồn vui của cả một năm với biết bao nhiêu thành công và nhiều những thất bại trong đời.

Vừa trò chuyện, vừa nâng chén chúc mừng nhau trong rôm rả chuyện trò. Tiệc tan, mọi người ra về, lòng tôi lâng lâng hạnh phúc trong những ngày đầu tiên của năm mới. Bỗng nhiên, cơn buồn ngủ đến lúc nào không hay…Trong mơ tôi đã thấy…

Giấc mơ xuân của thầy Nguyễn Cao ảnh 1Mong ước đầu xuân của thầy giáo Nhật Duy

Trên đường đi đến trường, những sắc xuân vẫn còn nguyên vẹn, vẫn tấp nập dòng người đi về các chùa lớn để cầu may một năm “mưa thuận, gió hòa” được yên vui hạnh phúc.

Hai bên đường quê cây cối xum xuê màu lộc biếc, những cánh mai vàng đang khoe sắc vàng ươm trong cái nắng ban mai thật đẹp.

Nhìn nhà nào, nhà đấy đang trang hoàng rực rỡ, nào cờ, nào cây kiểng, nào hoa trước sân nhà...

Ngày đầu năm mới đến trường, thầy hiệu trưởng bắt tay từng người vui vẻ chuyện trò.

Những ly trà nóng, những cái bánh Tết muộn được đưa tận tay từng người trong ánh mắt chan chứa niềm tin của một lãnh đạo dành cho những cấp dưới của mình.

Thầy chúc mừng anh em trong trường, thầy hy vọng, mong muốn trong năm mới toàn thể anh em giáo viên, nhân viên trong trường đoàn kết, sẻ chia và cùng nhau phấn đấu để cuối năm ai cũng có những thành tích cao nhất trong giảng dạy, công tác.

Vào lớp học, nhìn lại những học trò như đang háo hức gặp thầy sau gần 2 tuần xa cách mà lòng thấy xốn xang đến lạ. Đứa nào đứa nấy sao hôm nay thân thương đến thế, ngoan hiền đến thế.

Bài học bắt đầu, lạ thật sao hôm nay đứa nào cũng lặng im, chăm chú nghe thầy giảng bài mà không quậy phá, không chuyện trò.

Lạ nhất là mỗi khi thầy đưa ra câu hỏi hay đặt vấn đề về các nội dung bài học thì đứa nào cũng giơ cánh tay của mình lên làm thầy kêu không hết lượt.

Sướng thật, làm thầy dạy những đứa học trò giỏi giang, ngoan hiền như thế này ai mà không muốn!

(Ảnh minh họa: MAI HẢI).
(Ảnh minh họa: MAI HẢI).

Giờ trưa, tranh thủ vào mạng đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam - một tờ báo quen thuộc hàng ngày của tôi. Nhìn vào mục “Góc nhìn” thấy bài của bác Xuân Dương đang hiện hữu trên trang báo.

Ồ, mà sao lạ thế, hôm nay không phải là một bài viết về những góc khuất, những bất cập của xã hội, bác Xuân Dương lại không có một dẫn chứng nào “đau đớn” cả.

Ừ, mà một câu chuyện vui về những lãnh đạo tập đoàn này, lãnh đạo tỉnh kia đang vi hành ở những nơi công trường, đang bì bõm lội ruộng cùng bà con nông dân trong cái lạnh căm căm của ngày đầu xuân mới và rạng rỡ những nụ cười.

Chuyển sang  “Giáo dục mục 24h” vẫn là những cây bút quen thuộc mà sao hôm nay thấy toàn những tin vui. Thầy Bùi Nam không còn đề nghị “giải tán” Phòng Giáo dục nữa mà lại có bài ca ngợi Phòng Giáo dục đang có sự chuyển mình rõ rệt trong chỉ đạo.

Giấc mơ xuân của thầy Nguyễn Cao ảnh 3Thêm nhiều lý do để giải tán phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện

Đây nữa, cô giáo Thuận Phương, cô Đỗ Quyên, thầy Nhật Khoa không còn viết về dạy thêm, học thêm, về các đề tài sáng kiến kinh nghiệm với vô vàn bất cập.

Chỉ thấy những bài viết hôm nay là những chính sách đúng, những tấm gương thầy cô giáo đang hết lòng vì học trò, đang phụ đạo miễn phí cho những em học sinh yếu kém.

Rồi thầy Đỗ Tấn Ngọc lại có bài viết ca ngợi về những chỉ đạo sát sao với thực tế khi Bộ Giáo dục đề ra kế hoạch kì thi trung học phổ thông Quốc gia gọn nhẹ, phù hợp, các đề thi mẫu gần gũi và sát với thực tế hơn.

Đây rồi, phóng viên Thùy Linh đã có bài viết thông tin về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo chính thức về số phận 2 môn “tích hợp” trong chương trình môn học mới.

Ôi, vui nhất là Bộ đã tiếp thu ý kiến và không gộp các môn Lí, Hóa, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí không gộp thành môn Lịch sử và Địa lí nữa.

Vậy là bao nhiêu những bài viết phản biện của Hồng Thủy, Vũ Thái, Nguyễn Nguyên, Nhật Duy, Nhật Khoa, Thuận Phương…đã được đáp đền...

Mục “Quốc tế” vẫn là những cây bút quen thuộc như Hồng Thủy, Phan Doãn Tình, Tiến sĩ Trần Công Trục…nhưng không phải là những xung đột và đâu đó đang “dậy sóng” nữa mà đâu đâu cũng được hòa giải, tiếng súng đã lặng im trên mọi lãnh thổ. Các quốc gia xung đột đã ngồi lại với nhau để đàm phán hòa bình.

Giấc mơ xuân của thầy Nguyễn Cao ảnh 4“Tích hợp” 1 sách 3 thầy, xin đừng cố đấm ăn xôi

Mục “Xã hội” xuất hiện những bài viết, những thông tin về các cơ quan nhà nước, các bộ ngành, địa phương nhưng toàn là những chuyện vui, những gương mặt điển hình chứ không phải là những bài viết “nóng” như thời gian qua…

Mục “Bạn đọc” cũng không còn là những trung tâm, những nhóm dạy thêm trá hình hay một vài hiệu trưởng nhà trường tham lam, ỷ quyền, không phải là chuyện “đạo văn” để làm luận án của một số tiến sĩ như bấy lâu nay mà lại là những bài viết nhẹ nhàng về những tấm gương “Người tốt, việc tốt”.

Niềm vui trong tôi nhiều quá, sung sướng đến vô ngần… Niềm vui ấy, cứ miên man, lâng lâng trong tôi một niềm hạnh phúc khó tả hết thành lời.

Vậy là năm mới đã có vô vàn những câu chuyện mới, chuyện lạ, những câu chuyện mà bấy lâu tôi cũng như bao nhiêu những thầy cô, những bạn đọc mong muốn, ước mơ cho ngành giáo dục, cho xã hội và thế giới này được tiến bộ, được yên ổn đã thành hiện thực…

Bất ngờ…tôi nghe tiếng: Một…hai…ba…dzô; Một…hai…ba…dzô khiến tôi giật nảy người thức giấc.

Ồ, hóa ra đó là một giấc mơ, một giấc mơ đẹp của ngày đầu xuân mới. Thì ra, nhà kế bên đang tổ chức tiệc tùng…

Tôi trở lại với cuộc sống thực như mọi ngày và tiếc nuối một giấc mơ đã qua.

Nguyễn Cao