Giai đoạn nước rút, thầy Năng “mách” cách học môn Giáo dục công dân đạt điểm cao

14/07/2020 06:16
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học sinh nên tập trung những chuyên đề kiến thức trọng tâm sau để đạt điểm số cao nhất môn Giáo dục công dân trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020.

Còn chưa đầy 1 tháng nữa kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 chính thức diễn ra, chia sẻ với Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Năng, giáo viên môn Giáo dục công dân tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho hay, trong giai đoạn này, học sinh cần tập trung ôn tập vào một số chuyên đề để việc ôn thi đúng trọng tâm và đạt hiệu quả.

Theo đó, thầy Năng đã đưa ra 5 chuyên đề, cụ thể:

Một là, thực hiện pháp luật:

Đây là chuyên đề có nhiều câu hỏi nhất trong đề thi chính thức năm 2019 và hai đề thi tham khảo của bộ năm 2020.

Khi ôn tập phần này, các em cần chú ý một số đặc điểm: Khi nào vi phạm hành chính chuyển thành vi phạm hình sự, phân biệt những việc làm vi phạm hành chính, dân sự, hình sự, kỉ luật; Các hình thức thực hiện pháp luật; Những dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Ví dụ: Câu 114 mã đề 301 năm 2019

Ông B là giám đốc, chị S là trưởng phòng tài vụ, anh A là nhân viên cùng công tác tại sở X. Phát hiện ông B cùng chị S vi phạm về kế toán gây thiệt hại của ngân sách nhà nước 5 tỉ đồng, anh A đã làm đơn tố cáo nhưng lại bị lãnh đạo cơ quan chức năng là ông D vô tình lộ thông tin khiến ông B biết anh là người tố cáo.

Vì vậy, ông B liên tục gây khó khăn cho anh A trong công việc. Bức xúc, anh A đã ném chất thải vào nhà riêng của ông B. Những ai sau đây đồng thời phải chịu trách nhiệm hình sự và kỉ luật?

A. Ông B, chị S và anh A.

B. Ông B và ông D.

C. Ông B, chị S và ông D.

D. Ông B và chị S.

Hai là, quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội

Để làm tốt phần thi ở chuyên đề này, học sinh cần phải biết phân biệt quyền bình đẳng trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản, những nội dung thuộc quyền bình đẳng trong quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. Bên cạnh đó, các em cũng cần phân biệt tài sản chung, tài sản riêng của vợ - chồng.

Thầy Trần Văn Năng (Ảnh: NVCC)

Thầy Trần Văn Năng (Ảnh: NVCC)

“Những kiến thức về nội dung quyền bình đẳng trong hôn nhân, gia đình; Những biểu hiện vi phạm luật hôn nhân, gia đình; Những nội dung của quyền bình đẳng trong lao động cũng rất quan trọng trong chuyên đề này”, thầy Năng lưu ý thêm.

Ví dụ: Câu 107 mã đề 301 năm 2019

Trong thời gian chị A xin nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ mười tháng tuổi bị ốm, giám đốc cơ quan nơi chị công tác là ông Q bất ngờ kí quyết định sa thải chị. Ông Q đã vi phạm quyền bình đẳng trong lao động ở nội dung nào sau đây?

A. Thanh toán bảo hiểm nhân thọ.

B. Nâng cao năng lục quản lí.

C. Thay đổi quy trình tuyển dụng.

D. Giao kết hợp đồng lao động.

Ba là, công dân với các quyền tự do cơ bản

Với chuyên đề này, học sinh cần nắm vững và phân biệt quyền bất khả xâm phạm về thân thể công dân với quyền được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khỏe; quyền tự do ngôn luận với quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội.

Ví dụ: Câu 119 mã đề 301 năm 2019

Nghi ngờ cháu A lấy trộm đồ chơi tại siêu thị X, nơi mình làm quản lí, nên ông M đã chỉ đạo nhân viên bảo vệ là anh D bắt giữ cháu. Sau một ngày tìm kiếm, bố cháu A là ông B phát hiện con bị bỏ đói tại nhà kho của siêu thị X nên đã đến tìm gặp và hành hung làm cho anh D bị đa chấn thương. Những ai sau đây vi phạm quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân?

A. Ông M và ông B.

B. Anh D và ông B.

C. Ông M và anh D.

D. Ông M, anh D và ông B.

Bốn là, công dân với các quyền dân chủ

Trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân, các em cần nắm vững và phân biệt được ba nhóm quyền dân chủ sau: Những biểu hiện vi phạm quyền bầu cử, ứng cử, trường hợp không được quyền bầu cử.

Nội dung cơ bản của quyền tham gia quản lí nhà nước và xã hội (ở phạm vi cả nước, ở phạm vi cơ sở), phân biệt những việc "dân biết", "dân bàn", "dân làm", "dân kiểm tra". Phân biệt quyền khiếu nại và tố cáo.

VD: Câu 115 mã đề 301 năm 2019

Ông C là giám đốc, chị N là kế toán và anh S là nhân viên cùng công tác tại sở X. Lo sợ anh S biết việc mình sử dụng xe ô tô của cơ quan cho thuê để trục lợi, ông C chỉ đạo chị N tạo bằng chứng giả vu khống anh S làm thất thoát tài sản của cơ quan rồi kí quyết định buộc thôi việc với anh.

Phát hiện chị N vu khống mình nên anh S nhờ anh M viết bài công khai bí mật đời tư của chị N trên mạng xã hội. Bức xúc, chị N đã trì hoãn việc thanh toán các khoản phụ cấp của anh S. Hành vi của những ai sau đây vừa bị khiếu nại, vừa bị tố cáo?

A. Ông C và chị N.

B. Chị N, anh M và anh S.

C. Anh S và anh M.

D. Ông C, chị N và anh M.

Năm là, pháp luật với sự phát triển của công dân

Đây là chuyên đề cuối cùng trong 5 chuyên đề trọng tâm của môn Giáo dục công dân trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, các em cần nắm vững và phân biệt được ba nhóm quyền: quyền học tập, quyền sáng tạo, quyền phát triển của công dân.

Ví dụ: Câu 112 mã đề 301 năm 2019

Lãnh đạo thành phố X đã chỉ đạo lắp đặt hệ thống lọc nước biển theo công nghệ hiện đại nhằm cung cấp nước sạch cho người dân. Lãnh đạo thành phố X đã tạo điều kiện để người dân được hưởng quyền được phát triển ở nội dung nào sau đây?

A. Có mức sống đầy đủ về vật chất.

B. Thay đổi đồng bộ kết cấu hạ tầng.

C. Sử dụng nguồn quỹ bảo trợ xã hội.

D. Chủ động xử lý công tác truyền thông.

Thầy Năng cho biết, thông thường, trong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Giáo dục công dân, những câu hỏi vận dụng cao sẽ khiến học sinh dễ bị mất điểm.

Tuy nhiên, nhiều em vẫn bị mất điểm oan vào những câu hỏi rất dễ ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lí chủ quan, cho rằng câu hỏi này dễ nên học sinh chỉ đọc lướt qua và lựa chọn nhanh dẫn đến sự lựa chọn sai.

Đối với câu hỏi dễ, các em phải đọc kỹ câu hỏi và đáp án trước khi điền vào phiếu trả lời trắc nghiệm; còn đối với câu hỏi khó thì bí quyết là đọc đi, đọc lại nhiều lần đến khi hiểu thì thôi; sau đó dùng phương pháp loại trừ để đi đến đáp án đúng nhất.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang cận kề, các em cần tập trung ôn luyện và phân bố thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Ôn thi các môn phải bám sát vào đề thi tham khảo của bộ; không ôn vào những phần đọc thêm và giảm tải.

Khi bước vào phòng thi phải có được tâm thế thoải mái và tự tin; khi làm bài cần căn giờ hợp lí cho các câu hỏi, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau. Khi làm xong bài, nếu còn thời gian các em nên kiểm tra bài làm cho thật kĩ, tránh điền sót đáp án.

Linh Hương