4 Thông tư xếp hạng giáo viên đã tạo ra quá nhiều ưu phiền cho nhà giáo

04/06/2021 06:54
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhìn lại chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT vừa qua thì chúng ta thấy nó phức tạp, phiền toái, thậm chí tạo ra sự dao động về tâm lý đối với nhiều nhà giáo.

Ngày 02/02/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 4 Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.

Nhưng, phải nói thật là đến giờ phút này mọi người có thể nhìn thấy là chùm Thông tư này chưa đem lại lợi ích gì cho giáo viên nhưng đã làm phức tạp thêm vấn đề bởi nó đã gây ra nhiều xáo trộn cho đội ngũ nhà giáo trong suốt 4 tháng vừa qua.

Không xáo trộn sao được khi trên các trang báo chính thống liên tục có những câu hỏi của đội ngũ giáo viên về chuyện giữ hạng, xuống hạng, chuyện xếp lương theo hạng mới. Còn trên các trạng mạng xã hội của giáo viên thì đến bây giờ chuyện lương bổng, xếp hạng theo chùm Thông tư mới vẫn chưa hết nóng.

Bây giờ, lại đến thông tin Bộ Giáo dục đồng ý bỏ chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp như đề xuất của Bộ Nội vụ. Thế nhưng, phần lớn giáo viên đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng/ 1 người để theo học chứng chỉ này trong thời gian qua!

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến/GDVN

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Lã Tiến/GDVN

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT tạo ra quá nhiều tranh cãi

Có thể nói, chưa có văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành lại nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ nhà giáo trên cả nước như chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ ban hành ngày 02/2/2021. Sự quan tâm, thậm chí có giáo viên oán trách, bất mãn vì cách hướng dẫn xếp hạng, xếp lương của chùm Thông tư này.

Rất nhiều giáo viên đang ở hạng I có nguy cơ bị xuống hạng II vì họ chưa có bằng thạc sĩ.

Đa phần giáo viên đã được xếp hạng II theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập có nguy cơ tụt xuống hạng III vì các tiêu chí tréo ngoe của chùm Thông tư mới.

Bởi, đâu phải giáo viên nào cũng có cơ hội được ra đề thi, được làm giám khảo ở các cuộc thi; đâu phải ai cũng có cơ hội được tham gia đánh giá ngoài, kiểm tra chuyên môn, chủ trì sinh hoạt chuyên môn…để giữ được hạng II mà bản thân các nhà giáo đã được xếp hạng từ mấy năm về trước?

Rồi chuyện học chứng chỉ bồi dưỡng theo chức danh nghề nghiệp nữa. Trong cả 4 Thông tư mà Bộ ban hành ngày 02/2/2021 thì chỉ có giáo viên hạng III mới được tuyển dụng trong những năm đầu tiên là chưa yêu cầu có, còn lại đa phần đều được yêu cầu có chứng chỉ này.

Cho dù, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì Bộ đã né bằng một cụm từ lấp lửng: “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định” là do dư luận giáo giới phản đối nhiều quá.

Cũng chính vì chùm Thông tư của Bộ ban hành đã trở thành cơ sở vững vàng để không ít trường đại học đã “đục nước thả câu” mở ra nhiều loại hình đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Họ biết đang trong năm học nên việc mở lớp trực tiếp sẽ khó khăn nên nhiều trường đại học đã nhanh chóng mở ra loại hình đào tạo trực tuyến.

Có trường đại học sư phạm ở khu vực miền Trung “rải quân” ra quảng cáo trên các mạng trang xã hội của các nhóm giáo viên để chiêu sinh. Họ còn gửi thông báo đến nhiều tỉnh, thành để chiêu sinh lớp học trực tuyến theo đường chính thống của các Sở Giáo dục.

Những thầy cô tham gia học trực tiếp thì cũng chỉ thêm phần chán ngán. Thời gian học được Bộ phê duyệt 240 tiết nhưng rồi các trường chỉ dạy khoảng 5-7 buổi sáng là xong.

Nội dung thì trùng lặp chẳng có gì mới so với những nội dung giáo viên đã được tập huấn ở các năm qua và họ đang áp dụng trong giảng dạy. Một số nội dung thì đang được bồi dưỡng trực tuyến ở Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Có lẽ bên đào tạo thì cần chiêu sinh thật nhiều để thu được nhiều lợi nhuận, giáo viên thì chỉ cần chứng chỉ nên việc dạy và học chỉ mang tính đối phó, nhiều đầu mối chỉ cần ghi danh, đóng tiền là có chứng chỉ.

Nhưng, giáo viên mất tiền là thật. Mỗi chứng chỉ ít nhất cũng tốn 2 triệu đồng, có nơi lên đến 2,7 triệu đồng, bao gồm cả tài liệu học tập.

Nhìn lại tính hiệu quả trong 4 Thông tư vừa qua

Cả 4 Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2021 nên ngay sau khi ban hành thì nhiều thầy cô giáo dưới cơ sở đã bàn luận xôn xao về chuyện xếp lương của mình sau khi các Thông tư có hiệu lực.

Tuy nhiên, trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có một số bài viết nhận định về chế độ tiền lương khi các Thông tư này có hiệu lực, như: Tôi nghĩ 20/3 giáo viên chưa thể hưởng bảng lương mới, thầy cô chớ vội mừng; Năm 2021 tiền lương, phụ cấp thâm niên giáo viên chưa có gì thay đổi

Và, thực tế đến bây giờ thì chế độ lương bổng của giáo viên cũng không có gì mới so với khi chưa có các Thông tư này.

Vì sao vậy? Bởi, tại Hội nghị Trung ương 13 vào ngày 09/10/2020, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất lùi thời điểm áp dụng cải cách tiền lương đến 01/7/2022 thay vì từ năm 2021 như tinh thần của Nghị quyết số 27/NQ-TW.

Vì thế, chùm Thông tư 01, 02, 03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ ban hành ngày 02/2/2021 vừa qua cũng chỉ là để… tham khảo mà thôi.

Bởi, khi thực hiện cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm thì đâu còn cách tính hệ số như chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT nữa.

Vậy nhưng, ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và nhiều địa phương đã đang triển khai việc này.

Thế nhưng, nếu như những nội dung ở văn bản số 2499/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ được Chính phủ chấp thuận cũng đồng nghĩa 4 Thông tư mà Bộ Giáo dục vừa ban hành phải sửa đổi, bổ sung, phải bỏ tiêu chí chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và tất nhiên các địa phương lại phải thay đổi cách xếp hạng giáo viên.

Khi các địa phương, các trường xếp hạng xong thì có lẽ đã đến thời điểm Chính phủ trả lương theo vị trí việc làm (01/7/2022), lúc ấy việc xếp hạng, xếp lương theo chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT sẽ khó có cơ hội thực hiện.

Hơn nữa, chế độ tiền lương giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức cả nước nói chung còn liên quan đến nhiều Bộ, đến Chính phủ, đến chủ trương của Đảng và Nhà nước. Một mình Bộ Giáo dục và Đào tạo thì làm sao mà quyết được chế độ tiền lương của giáo viên mà xếp hạng, xếp lương…

Vì thế, nhìn lại chùm Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT mà Bộ mới ban hành thì chúng ta thấy nó có phần phức tạp, thậm chí dẫn đến sự lo lắng cho nhiều nhà giáo trong suốt 4 tháng vừa qua về chuyện giữ hạng, xuống hạng, xếp bậc lương nhưng cuối cùng cũng chưa giải quyết được vấn đề gì cụ thể!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN