6 giải pháp khả thi thầy Bùi Nam hiến kế gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục

07/05/2021 06:48
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông qua bài viết, người viết tiếp tục có thêm những nguyện vọng của cá nhân mang tính khả thi về giáo dục xin được gửi đến tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Việc Phó giáo sư Nguyễn Kim Sơn được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời điểm này được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ rất cao, nhân dân rất hy vọng sự thay đổi này mang lại một luồng gió mới, tích cực cho giáo dục trong thời gian tới.

(*)

Có rất nhiều bài viết nhiều nguyện vọng, kỳ vọng,… gửi đến tân Bộ trưởng đủ để cho thấy ngành giáo dục có nhiều vấn đề nóng cần giải quyết và tâm tư của cử tri, nhân dân cả nước còn rất nhiều.

Trong bài viết “Giáo viên đang đặt nhiều kỳ vọng làm khó Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn” của tác giả Nguyễn Nguyên đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh phần nào áp lực mà Bộ trưởng đang phải đối mặt và hy vọng mọi người cùng chung tay, góp sức, góp trí tuệ để giáo dục phát triển, không để đặt ra yêu cầu quá cao đối với tân Bộ trưởng.

Tác giả bài viết trên đã nêu “Một mình thầy Nguyễn Kim Sơn sẽ rất khó có thể tạo ra những thay đổi nếu không có sự chuyển biến của nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn ngành giáo dục.”

Tuy nhiên với trách nhiệm là người lãnh đạo cao nhất ngành giáo dục, người viết tin rằng tân Bộ trưởng sẽ có những chính sách phù hợp và có những tham mưu, đề xuất để đời sống giáo viên cải thiện, hạn chế dạy thêm học thêm và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục thật sự, đưa giáo dục phát triển từng bước vững chắc, không phô trương hình thức, chạy theo thành tích, dạy thật học thật.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đứng) phát biểu trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn (đứng) phát biểu trong cuộc họp của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6/5/2021. Ảnh: Nhật Bắc/VGP.

Thông qua bài viết, người viết tiếp tục có thêm những nguyện vọng của cá nhân mang tính khả thi về giáo dục xin được gửi đến tân Bộ trưởng và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ nhất, giai đoạn này cho giáo viên được hưởng lương theo bằng cấp

Từ năm 2015 đến nay, việc trả lương theo hạng chức danh nghề nghiệp.

Việc trả lương theo hạng chức danh nghề nghiệp bộc lộ rất nhiều bất cập, cùng công việc như nhau, cùng bằng cấp, cùng hiệu quả công việc,… nhưng lại phân chia ra các hạng để trả lương là không phù hợp, có trường hợp hiệu trưởng hạng III còn giáo viên bộ môn là hạng II, I.

Nó không đúng với định hướng trả lương theo vị trí việc làm (gồm 3 bảng lương lãnh đạo, chuyên môn, nhân viên) và hiệu quả công việc (làm việc tốt, làm việc nhiều được hưởng lương cao hơn).

Và mới nhất Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành các thông tư mới về việc bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên có hiệu lực từ 20/3/2021.

Tuy nhiên, đến nay đã qua giữa tháng 4/2021 vẫn chưa thể chuyển xếp lương, bổ nhiệm hạng mới do các Thông tư có một số vấn đề không phù hợp, rõ ràng, bộc lộ một số hạn chế về thăng hạng, chuyển hạng, giáng hạng, chuyển xếp lương,…

Theo quan điểm người viết, hiện nay đã có rất nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học gần 10 năm nay nhưng do vướng cơ chế, quy định mà chưa được chuyển xếp lương phù hợp thì nên cho những người đó được hưởng lương theo bằng cấp, nên dừng lại việc chia hạng giáo viên để trả lương vì sắp tới dự kiến 01/7/2022 sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Chỉ cần trả lương theo bằng cấp là loại bỏ phần nào những bất công, bất cập hiện nay, từ đó tiến tới trả lương theo vị trí việc làm theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Trung ương về cải cách tiền lương.

Nếu vẫn chia hạng thì phải chia theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, việc chia hạng theo các thông tư mới tồn tại nhiều vấn đề đã được nhiều bài viết phản ánh.

Bên cạnh đó, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thay thế chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên bằng các hình thức trực tuyến, miễn phí.

Thứ hai, kiến nghị có bảng lương riêng cho giáo viên

Tôi và giáo giới cả nước rất vui, khi tân Bộ trưởng nêu quan điểm sẽ tìm cách cải thiện thu nhập của giáo viên cả nước, dù sao cũng rất ấm lòng.

Tôi tin rằng, Bộ trưởng sẽ tìm mọi cách để cải thiện thu nhập của nhà giáo trong tương lai, để cải thiện vai trò, vị thế của nhà giáo như trong bức thư Bộ trưởng gửi các nhà giáo gần đây.

Nếu muốn cải thiện vai trò, vị thế nhà giáo tương xứng với nghề cao quý thì không gì tốt hơn là có một thang bảng lương riêng cho nhà giáo cũng như thang bảng lương riêng dành cho quân đội, công an.

Ngành nghề nào mà không xuất thân từ trường học, không được thầy, cô dạy dỗ, có một bảng lương riêng cho nhà giáo là phù hợp.

Chí ít trong giai đoạn hiện nay, để cải thiện thu nhập tạm thời có thể dùng % cải cách tiền lương để tạm thời tăng thu nhập cho nhà giáo và dùng quỹ khen thưởng chi trả khen thưởng cho giáo viên làm việc hiệu quả.

Việc này tuy khó, nhưng Bộ trưởng có thể nghiên cứu việc trả lương hiện nay ở các nước trong khu vực và thế giới và kiên trì đề xuất Chính phủ, Trung ương để giáo viên có được bảng lương riêng, có như vậy mới hy vọng giáo dục sẽ thay đổi, các em học sinh giỏi sẽ chạy đua vào sư phạm, sư phạm sẽ lấy lại thời hoàng kim và vị thế người thầy có thể được nâng cao như mong muốn của Bộ trưởng và nhân dân cả nước.

Thứ ba, tiến tới cấm dạy thêm ở tiểu học, trung học cơ sở

Một trong những vấn đề hiện nay gây bức xúc dư luận chính là việc o ép học sinh học thêm tràn lan, vi phạm dạy thêm rất nhiều.

Về hậu quả đối với giáo viên mất đoàn kết, không có thời gian nghiên cứu, tham gia các hoạt động, học hỏi kinh nghiệm,...

Về phía phụ huynh thì tốn thời gian đưa rước, tốn tiền.

Về phía học sinh thì ỷ lại, tự ti, mất khả năng độc lập, suy nghĩ, tự học,…

Quy định cấm dạy thêm tiểu học hiện nay đã có những vi phạm rất nhiều.

Thực tế không khó để thấy học sinh tiểu học nhiều nơi phải học thêm, giáo viên tiểu học dạy thêm dù quy định đã cấm từ gần 10 năm nay (Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT).

Sắp tới thực hiện chương trình phổ thông mới, tiến tới dạy 2 buổi/ ngày nên việc cấm giáo viên đến bậc trung học cơ sở dạy thêm là điều rất cần thiết.

Chỉ có xử lý nghiêm vi phạm, chỉ có dẹp nạn dạy thêm trái phép thì hy vọng mới lấy lại môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, công bằng, khi đó giáo viên ai cũng yêu thương và dạy học sinh hết mình, chất lượng thật sẽ dần dần nâng lên.

Thứ tư, tiếp tục tham mưu về tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo

Ai trong ngành giáo cũng biết hiện nay, nhà giáo với áp lực rất lớn, mỗi ngày giáo viên làm việc với hàng trăm học sinh, công việc vô cùng áp lực, khó khăn và đặc thù của nghề giáo là cần phải có lực lượng trẻ có trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin, chuyên môn,… đáp ứng thay đổi giảng dạy và thực hiện việc ứng dụng công nghiệp 4.0, số hóa giáo dục.

Nên lực lượng giáo viên giáo viên lớn tuổi, sức khỏe yếu khó mà đáp ứng được sự thay đổi.

Hiện nay, việc tập huấn trực tuyến online của giáo viên đã cho thấy giáo viên lớn tuổi đã thực hiện khó khăn, rồi khi thực hiện chính thức, đồng loạt sẽ rất khó, rồi còn hàng loạt vấn đề khác về sức khỏe, sự yêu thích của học sinh, các phong trào,…

Rất mong, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét trình cơ quan có thẩm quyền phương án điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của thầy, cô giáo theo hướng giáo viên tuổi hưu được áp dụng linh hoạt.

Theo thiển ý của người viết về tuổi nghỉ hưu có thể nam đến 62 tuổi, nữ 57 tuổi, nếu ai còn sức khỏe có thể dạy để hưởng lương cao, nghỉ hưu lương cao thì tiếp tục công tác, giáo viên sức khỏe hạn chế có thể nghỉ hưu.

Thứ năm, mong Bộ chỉ đạo cụ thể về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Việc các Thông tư mới đã bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ như việc bỏ “giấy phép con” khiến giáo viên rất vui mừng, cảm ơn Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên khi vận dụng lại vô cùng khó, tại địa phương tôi khi làm phương án chuyển hạng sang lương mới, yêu cầu tất cả giáo viên phải có đủ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học vì trong tiêu chuẩn, điều kiện giáo viên các hạng phải biết sử dụng ngoại ngữ, tin học.

Mà minh chứng để biết là giáo viên sử dụng được ngoại ngữ, tin học chính là các chứng chỉ trên.

Nên việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong Thông tư mới xem như không có ý nghĩa.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến, chỉ đạo cụ thể các địa phương việc này.

Thứ sáu, sửa đổi quy chế đánh giá học sinh

Ở quy định hiện nay học sinh ở bậc trung học cơ sở trở lên học yếu, kém 1, 2 môn trong tổng số hơn 10 môn học phải ở lại lớp là điều khá bất hợp lý, không theo định hướng đánh giá năng lực người học, các em có thể có năng lực này, hạn chế năng lực khác.

Theo ý kiến người viết, học sinh học sinh chưa đạt 1, 2 môn học thì vẫn được lên lớp nhưng sẽ phải học trả nợ môn học đó ở thời điểm thích hợp hoặc nghiên cứu cho học sinh từ trung học cơ sở trở lên thí điểm dạy học theo tín chỉ như ở bậc đại học hiện nay.

Trên đây là một số kỳ vọng của bản thân, những kỳ vọng mà Bộ trưởng cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể thực hiện từng bước để giáo dục lấy lại thời hoàng kim, vai trò, vị thế của nhà giáo được nâng cao.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM