6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất

14/01/2018 07:23
Nhật Duy
(GDVN) - Chúng tôi mong muốn những nhà viết sách giáo khoa tới đây nên chọn lọc những đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm nhưng phải phù hợp với tâm lí lứa tuổi học trò.

LTS: Trước những thay đổi về việc biên soạn chương trình môn học Ngữ văn phổ thông, là một thầy giáo dạy Ngữ văn - tác giả Nhật Duy thông qua bài viết này muốn được bày tỏ những vấn đề còn thắc mắc, băn khoăn về các tác phẩm văn học tiêu biểu được đưa vào chương trình bắt buộc có khả quan khi áp dụng hay không?

Đồng thời, tác giả thẳng thắn cho rằng, nếu được lựa chọn tác giả sẽ không lựa chọn cả 6 tác phẩm như ban biên soạn chương trình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo dự kiến, chương trình môn học Ngữ văn phổ thông tới đây sẽ được những người biên soạn hướng tới việc phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh nên đang được dư luận kì vọng, nhất là đối với những giáo viên đang giảng dạy môn học này.

Điều đáng chú ý nhất trong chương trình Ngữ văn mới là ở lớp 7 không còn biên chế những tác phẩm văn học trung đại với rất nhiều những bài thơ Đường luật.

Tuy nhiên, dư luận rất mong muốn việc sắp xếp, bố trí 6 tác phẩm văn học bắt buộc trong chương trình Ngữ văn mới cũng cần có sự nghiên cứu kĩ càng, thấu đáo, tránh mâu thuẫn.

Bởi thực tế, nhìn vào mục tiêu chung, nhìn vào những tác phẩm bắt buộc thì chúng tôi nhận thấy còn vênh nhau nhiều lắm.

6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất mà ban soạn thảo chương trình đề ra (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).
6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất mà ban soạn thảo chương trình đề ra (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn).

Theo dự kiến của ban soạn thảo chương trình thì thì 6 tác phẩm văn học bắt buộc ở chương trình phổ thông sẽ được dạy từ chương trình lớp 8-12.

Đối với cấp trung học cơ sở sẽ dạy các tác phẩm bắt buộc: Nam quốc sơn hà (chưa rõ tác giả); Truyện Kiều (Nguyễn Du); Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn); Tuyên ngôn độc lập (Hồ Chí Minh).

Cấp trung học phổ thông sẽ được học các tác phẩm bắt buộc là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu); Truyện Kiều (Nguyễn Du); Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi).

Như vậy, so với chương trình hiện hành thì bài thơ Nam quốc sơn hà đã không còn nằm ở lớp 7 mà sẽ được đưa lên chương trình lớp 8-9, đoạn trích Nước Đại Việt ta (Bình Ngô đại cáo) sẽ không còn nằm ở chương trình Ngữ văn cấp trung học cơ sở mà đưa lên cấp trung học phổ thông.

Văn bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh đang ở lớp 12 hiện hành sẽ được đưa xuống lớp 8-9. Còn lại, tác phẩm Truyện Kiểu hiện được trích trong cả 2 cấp học và bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc vẫn được bố trí như chương trình hiện hành.

Những băn khoăn về tác phẩm bắt buộc

Chúng tôi hiểu rằng sau nhiều năm chuẩn bị cho chương trình mới thì các nhà khoa học được lựa chọn viết chương trình mới đã có sự nghiên cứu kĩ lưỡng mới đưa ra quyết định cuối cùng.

Nhất là ngoài những tác phẩm bắt buộc thì những tác phẩm gợi ý trong chương trình vẫn giữ được những tác phẩm tiêu biểu và đưa mới vào những tác phẩm tương đối hay.

6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất  ảnh 2Những yêu cầu mới đối với môn Ngữ văn liệu có thành hiện thực?

Thế nhưng, liệu những tác phẩm văn học tiêu biểu được đưa vào chương trình bắt buộc có khả quan khi áp dụng hay không vẫn còn nhiều câu hỏi cần làm rõ.

Chúng tôi đưa ra những thắc mắc và kiến nghị sau:

Thứ nhất, bài thơ Nam quốc sơn hà - được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta. Thế nhưng, hiện có tới 35 dị bản khác nhau. Đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được tác giả và thời gian sáng tác bài thơ này.

Chúng tôi xin phép chưa bàn đến nội dung tác phẩm mà muốn đưa ra một câu hỏi nhỏ: Một tác phẩm văn học bắt buộc mà tính xác thực chưa rõ ràng thì ban soạn thảo chương trình có cần đưa vào làm một trong những tác phẩm bắt buộc hay không?

Thứ 2, khi trích dẫn tác phẩm Truyện Kiều vào chương trình phổ thông thì những thầy trong ban biên soạn cần lựa chọn những đoạn trích phù hợp, tránh quá tầm suy nghĩ với lứa tuổi học trò để các em có thể tiếp cận một cách thấu đáo.

Chẳng hạn, chương trình lớp 9 hiện hành có đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích rất hay và tiêu biểu cho nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du.

Tuy nhiên, trong đoạn trích này nên đưa vào chương trình Ngữ văn cấp trung học phổ thông thì phù hợp hơn. Vì trong đoạn trích này đề cập đến nỗi nhớ nhung của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng thì rõ ràng quá sức với học trò cấp 2.

Bởi lứa tuổi các em mới 14-15 thì đang còn quá nhỏ, những rung động, yêu đương đa phần là chưa có mà bắt các em phải cảm nhận về một mối tình lỡ dở, trái ngang của Kim- Kiều thì khiên cưỡng vô cùng.

Hơn nữa, chuyện yêu đương có phần nhạy cảm với học trò cấp 2 nên khi giảng đoạn trích này thì đa phần thầy cô cũng rất khó yêu cầu các em phân tích, phát hiện những nhớ thương, hồi tưởng lại mối tình đầu của Thúy Kiều khi nàng đang bơ vơ nơi đất khách, quê người.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn những nhà viết sách giáo khoa tới đây nên chọn lọc những đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm nhưng phải phù hợp với tâm lí lứa tuổi học trò.

6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất  ảnh 3Một số vấn đề cần lưu ý khi giảng tác phẩm văn học ở bậc trung học cơ sở

Thứ 3, chúng tôi thấy rằng có tới 5/6 tác phẩm bắt buộc là văn học trung đại cho chương trình phổ thông mới liệu chúng ta có áp đặt lên học trò nhiều quá không?

Bởi 5 tác phẩm này có 3 tác phẩm viết bằng chữ Hán và 2 tác phẩm viết bằng chữ Nôm với rất nhiều điển tích, điển cố, một số tác phẩm viết theo thể biền ngẫu và đối nhau.

Hơn nữa, có một số tác phẩm được viết theo phương thức biểu đạt nghị luận cổ nên học sinh rất khó tiếp cận. Vì vậy, học sinh chủ yếu là tiếp cận qua phần dịch nghĩa, dịch thơ nên rất khó học, đó là chưa kể còn nhiều chỗ dịch chưa sát nghĩa với nguyên bản.

Trong khi, văn chương ngoài nội dung ra thì còn phải tìm hiểu về thể loại, ngôn từ, phương thức biểu đạt, tư tưởng…của tác phẩm.

Thứ tư, trong 6 tác phẩm bắt buộc thì có tới 5 tác phẩm liên quan đến sự kiện chống giặc ngoại xâm liệu có quá nhiều?

Bởi trong mục tiêu chung của chương trình Ngữ văn là “hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất cao đẹp: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm”.

Như vậy, 5 tác phẩm này mới hình thành cho học sinh phẩm chất “yêu nước” và một chút phẩm chất “trách nhiệm” , 3 phẩm chất còn lại không được đề cập. Rõ ràng, ban biên soạn chương trình còn có phần mâu thuẫn với mục đích mà mình đề ra.

Nếu được lựa chọn, giáo viên chúng tôi không lựa chọn cả 6 tác phẩm như ban biên soạn chương trình.

Theo chúng tôi, trong 7 năm của cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì việc lựa chọn 6 tác phẩm văn học bắt buộc có lẽ là …hơi ít.

Chúng tôi vẫn biết là những tác phẩm không bắt buộc đã được ban biên soạn đưa vào chương trình để tác giả viết sách giáo khoa, giáo viên và học sinh lựa chọn.

6 tác phẩm bắt buộc của môn Ngữ văn mới chỉ làm rõ được 1 trong 5 phẩm chất  ảnh 4Thầy cô giáo tâm đắc với những thay đổi, định hướng mới ở môn Ngữ văn

Nhưng, một khi chúng ta đã chia thành tác phẩm “bắt buộc” và “không bắt buộc” thì ban biên soạn cũng cần nghiên cứu, bàn bạc thấu đáo hơn. Vì vậy, theo chúng tôi thì mỗi lớp cần đưa vào khoảng 2 tác phẩm bắt buộc là phù hợp nhất.

Mỗi học kì có 1 tác phẩm sẽ giúp cho giáo viên, học sinh dễ dạy và học hơn. Những tác phẩm văn học sẽ được chia đều trong các giai đoạn văn học, các thể loại văn học.

Chẳng hạn, văn học dân gian chúng ta lựa chọn 2 tác phẩm tiêu biểu (1 truyện cổ tích, 1 truyện truyền thuyết), văn học trung đại khoảng 4 tác phẩm (2 tác phẩm thơ Đường luật, 1 tác phẩm thơ lục bát, 1 tác phẩm văn xuôi), Văn học hiện đại lựa chọn 6 tác phẩm ( 2 tác phẩm giai đoạn 1930-1945; 2 tác phẩm giai đoạn 1945-1975; 2 tác phẩm sau 1975), mỗi giai đoạn nhỏ này chọn 1 tác phẩm thơ và một tác phẩm văn xuôi tiêu biểu.

Việc ban biên soạn chương trình “chú trọng các kỹ năng: đọc, viết, nghe và nói, tập trung giáo dục kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng tạo dựng các văn bản khác nhau cần thiết trong cuộc sống” là điều mà dư luận chờ đợi.

Vì thế, khi chương trình môn học được đưa ra để lấy ý kiến góp ý của xã hội thì có lẽ ban biên soạn chương trình mới, các chuyên gia viết sách giáo khoa cũng cần thiết xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp và có những định hướng cụ thể, rõ ràng, tránh lặp lại những hạn chế của chương trình Ngữ văn hiện hành.

Nhật Duy