Áp lực hồ sơ sổ sách không đến từ Bộ thì cắt giảm thế nào đây?

22/01/2019 06:19
Đỗ Quyên
(GDVN) - Chúng tôi bất an vì các địa phương ngoài luật còn dùng "lệ". Áp lực không đến từ quy định ở bên trên mà đến từ sự máy móc, ngẫu hứng của cấp lãnh đạo bên dưới.

Trong chuyến đến thăm, tặng quà, chúc Tết các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Bắc Giang ngày 16/1, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã lắng nghe chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của một số nhà giáo đang công tác tại đây.

Một trong những “điều ước” giáo viên gửi đến Bộ trưởng là mong muốn giảm áp lực hồ sơ, sổ sách.

Sau khi nghe những chia sẻ gan ruột ấy, Bộ trưởng khẳng định, đây là việc trong thẩm quyền và sẽ làm ngay trong thời gian tới để tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên. 

BỘ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lắng nghe chia sẻ của giáo viên (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)
BỘ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ lắng nghe chia sẻ của giáo viên (Ảnh minh họa: moet.gov.vn)

Trong đó, chú trọng “giảm áp lực cho giáo viên” bằng việc cắt giảm mạnh các hồ sơ, sổ sách không cần thiết…{1}

Thế nhưng, những gì mà giáo viên chúng tôi đã và đang trải qua có thể nói chuyện áp lực về hồ sơ sổ sách không đến từ Bộ Giáo dục mà chủ yếu là theo “lệ” làng ở từng địa phương. Theo sự ngẫu hứng của nhiều Ban giám hiệu.

Thông tư 22 sửa đổi việc ghi chép nhiều trường vẫn hành giáo viên

Cũng trong một địa bàn tỉnh Bình Thuận, nhiều trường học ở đây đã có sự chỉ đạo thực hiện việc sửa đổi của Thông tư 22 nhưng mỗi nơi làm mỗi kiểu.

Nếu như Thông tư 30 giáo viên phải ghi nhận xét đến mỏi tay thì Thông tư 22 quy định chú trọng nhận xét bằng lời, chỉ ghi những trường hợp cần thiết.

 Một số giáo viên ở huyện Hàm Thuận Nam cho biết, không ghi nhận xét vào sổ theo dõi, nhà trường vẫn buộc nhận xét chi tiết từng học sinh trên phần mềm Vnedu (phần mềm này chỉ giáo viên của lớp và Ban giám hiệu được đọc, phụ huynh và học sinh sẽ không thể đọc được).

Dù biết những lời nhận xét không có tác dụng gì với học sinh nhưng một số trường học vẫn buộc giáo viên làm cái công việc vô bổ ấy.

Giáo viên vùng cao chia sẻ "nỗi sợ" với Bộ trưởng Nhạ

Có giáo viên bức xúc: “Trước là ghi mỏi tay trong việc nhận xét, nay thì copy mỏi tay vào phần mềm.

Hay như việc tại tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các trường làm học bạ điện tử trên phần mềm Vnedu.

Việc làm này, đã giải phóng cho giáo viên khá nhiều thời gian trong việc ngồi viết lại các thông tin về gia đình, về tên gọi, tên trường của học sinh trong học bạ giấy…

Thế nhưng không ít học sinh chuyển trường sang tỉnh khác nơi đó không chấp nhận tờ học bạ được in ra từ phần mềm. Thế là, giáo viên phải cùng lúc làm 2 cuốn học bạ.

Giáo án thuộc lòng như cháo vẫn phải in ra chỉ để kiểm tra

Bộ Giáo dục quy định “giáo viên lên lớp phải có giáo án”. Theo quy định này, mỗi địa phương vận dụng mỗi khác.

Có địa phương cho phép giáo viên sử dụng giáo án cũ với điều kiện thầy cô giáo ấy đã dạy 3 năm cùng một khối lớp.

Nhưng lại có địa phương, dù giáo viên có dạy hàng chục năm một khối lớp thì năm nào cũng phải in giáo án ra chỉ để nộp kiểm tra.

Nhiều giáo viên bức xúc nói rằng “chỉ nói tên bài học, có nhắm mắt tôi cũng đọc vanh vách các bước lên lớp, nội dung triển khai. Vậy có nhất thiết bắt tôi phải in ra chỉ để kí kiểm tra theo đúng thủ tục không?

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh cho biết “nếu giáo viên giảng dạy nhiều năm một khối lớp sẽ được miễn soạn giáo án. Những thay đổi chỉnh sửa sẽ ghi chú vào cuốn sổ gọi là giáo án bổ sung”.

Ngoài thành phố Hồ Chí Minh, nhiều tỉnh thành khác vẫn đang quy định một cách máy móc “năm nào phải soạn giáo án năm đó”.

Thế là cũng chỉ bộ giáo án đã soạn nhiều năm, khi nào nhà trường kiểm tra, giáo viên cứ việc in ra và nộp. Điều này không chỉ mất thời gian, còn gây tốn kém không nhỏ tiền giấy mực.

Đủ loại phần mềm

Buộc nhà trường phải sử dụng cùng lúc nhiều phần mềm quản lý giáo dục đương nhiên không phải ý kiến của Bộ Giáo dục.

Thế mới có chuyện có địa phương sử dụng phần mềm này, địa phương lại sử dụng phần mềm khác. Cũng có địa phương cùng lúc sử dụng 2 phần mềm.

Nào là phần mềm Vnedu mạng giáo dục Việt Nam. Từ lý lịch học sinh, điểm số, nhận xét, xếp loại, quản lý học sinh, quản lý giáo viên…tất thảy đủ cả.

4 điều mà tất cả thầy, cô mong đợi trong năm học mới

Thế nhưng không ít trường vẫn sử dụng luôn phần mềm SMAS cũng có những chức năng gần giống như thế. Giáo viên cùng lúc buộc phải làm cả 2 phần mềm.

Mặc dù trong các phần mềm đều có mục thống kê kết quả. Có điều điểm số trong phần mềm được tính giao động trong các khoảng 0-4; 5-6; 7-8; 9-10.

Lẽ ra, giáo viên chỉ cần nhập điểm, phần mềm sẽ tự khắc thống kê. 

Nhưng có trường, Ban giám hiệu vẫn “hành” giáo viên phải thống kê riêng bên ngoài theo các khoảng cách điểm tự mình đặt ra từ 0-1,2; 3-4; 5; 6; 7; 8; 9; 10.

Giáo viên bỏ công ra chỉ đếm/nữ và tính phần trăm cũng đủ toét cả mắt. Mặc dù theo Thông tư 22, điểm số của học sinh không đặt nặng như trước đây. Vậy mà chẳng hiểu sao nhiều trường vẫn có cách theo dõi điểm số kì cục đến vậy?

Có thể nói, Ngoài giờ dạy, giáo viên phải bỏ ra thời gian khá nhiều để hoàn thành những yêu cầu về hồ sơ sổ sách (công việc chỉ mang tính hình thức tuyệt đối không giúp gì cho việc nâng cao chất lượng học sinh).  

Thế nhưng áp lực này không đến từ Bộ Giáo dục mà đến từ sự vẽ vời của nhiều địa phương. Bộ Trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã ghi nhận những ý kiến bức xúc từ sự phản ánh của giáo viên.

Lời hứa của Bộ trưởng "đây là việc trong thẩm quyền và sẽ làm ngay trong thời gian tới để tạo động lực, giảm áp lực cho giáo viên" cho giáo viên nhiều hy vọng về sự đổi mới.

Thế nhưng chúng tôi vẫn bất an vì các địa phương ngoài luật còn dùng khá nhiều "lệ". Áp lực đôi khi không đến từ quy định ở bên trên mà đến từ sự máy móc, ngẫu hứng của cấp lãnh đạo bên dưới.

Vậy muốn hạn chế áp lực sổ sách cho giáo viên phải làm sao đây? Liệu những chỉ thị do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành sắp tới đây có được các địa phương cải thiện?

https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-gui-dieu-uoc-giam-ap-luc-toi-bo-truong-phung-xuan-nha-652608.ldo{1}

Đỗ Quyên