Bài 2: Cho tư nhân viết sách, bây giờ cũng chả mấy người làm!

27/06/2014 04:46
Xuân Trung
(GDVN) - Câu chuyện khuyến khích các tổ chức, cá nhân cùng tham gia viết sách giáo khoa, đó là chủ trương đúng, khơi dậy được sở trường từng người, nhưng còn đó nỗi lo.

Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Xung quanh chủ trương này, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT), người từng từ quan để phản đối chương trình cải cách giáo dục tiểu học mới.

Người viết sách phải có gan

Trước chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết sách giáo khoa, PGS. Nguyễn Kế Hào cho rằng, mặc dù đây là chủ trương dân chủ nhưng sẽ không nhiều người đứng ra viết sách.

Theo quan điểm của PGS. Hào, vấn đề này phải có người nào đó xả thân đứng ra để chủ trì thì lúc đó mới có người tham gia viết, tức là tổng chủ biên. “Sách giáo khoa không thể viết theo kiểu gom mỗi người một tí, mà phải thống nhất” PGS Hào cho hay.

Bài 2: Cho tư nhân viết sách, bây giờ cũng chả mấy người làm! ảnh 1

PGS. Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung

Chia sẻ thêm, người từng giữ chức Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học còn cho rằng, nếu cá nhân hay tổ chức có nguyện vọng viết sách phải được đăng ký trước, và phải xét người đó, tổ chức đó có đủ tiêu chuẩn hay không? Một tác giả viết cẩu thả để rồi bắt con cháu mình học chương trình đó là nguy hiểm.

“Đầu tiên người viết sách phải có phẩm chất, năng lực, chung thành với Nhà nước. Sách viết ra phải được thử nghiệm, có đạt chuẩn không và khi đạt chuẩn thì giáo viên, phụ huynh sẽ chọn sách” ông Hào nói.

Theo lời của PGS. Nguyễn Kế Hào, công việc viết sách rất vất vả, người viết sách phải có gan, biết hy sinh, còn viết sách để kiếm tiền thì đó lại không phải là viết sách giáo khoa. 

Nói ít người tham gia viết sách giáo khoa nhưng không thể cấm những cá nhân, tổ chức tham gia viết sách, vì đó là dân chủ. PGS. Hào cho rằng, ai cũng tham gia viết sách và kinh phí có thể  tự bỏ ra hoặc nhà nước hỗ trợ một phần ban đầu, và bộ sách của ai, của tổ chức nào được chọn thì tác giả sẽ sống bằng “bản quyền” của bộ sách đó sau khi được in và tái bản nhiều lần. 

Điều lo ngại không kém khi cho các cá nhân, tổ chức tham gia viết sách giáo khoa là chương trình sách phải được viết như thế nào để đảm bảo tính ổn định của vòng đời sách? Câu hỏi này PGS. Nguyễn Kế Hào cho biết, xác định sách càng cấp dưới tính ổn định càng cao, ít nhất là 15-20 năm.

“Việc đọc thông viết thạo tiếng Việt, tiếng Việt thì không thể thay đổi được” PGS. Hào khẳng định.

…và cần cái Tâm

Theo chủ trương của Chính phủ, Chính phủ khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ Giáo dục phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc; xây dựng ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh tham khảo.

Như vậy sẽ có một chương trình khung cứng của Bộ GD&ĐT, các cá nhân và tổ chức có khả năng sẽ cùng tham gia viết sách. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra trong nội dung này: Trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức khi tham gia viết sách là gì, điều gì cần ở họ nhất để tránh tình trạng viết sách giáo khoa là một món lời của dịch vụ?

PGS. Nguyễn Kế Hào thẳng thắn cho rằng, người viết sách trước hết phải có tâm, có trình độ, am hiểu không những về khoa học mà còn về nghiệp vụ sư phạm. Viết sách đòi hỏi phải có kiến thức khoa học cơ bản, người viết sách phải là ông thầy, là nhà nghiên cứu.

Do đó viết sách phải có đủ ba nhà; nhà khoa học, nhà tâm lý giáo dục và nhà chuyên môn sư phạm. 

Để tránh lãng phí, theo ý kiến của PGS. Hào chúng ta có thể lấy một số môn khoa học tự nhiên của nước ngoài về và cải biên thành sách để học sinh học phổ thông học. Riêng cấp tiểu học phải là sách của ta, vì tiếng Việt không thể lấy của nước ngoài (giáo dục đạo đức lối sống, lịch sử).

Việc thay đổi sách và làm lại bộ sách có thể ảnh hưởng tới học sinh và toàn xã hội, theo PGS. Hào ở những nước phát triển họ rất chú ý tới các cấp học dưới. Chính vì thế chúng ta có đề án xây dựng chương trình giáo dục phổ thông là rất đúng.

Việc để xã hội cùng tham gia làm sách giáo khoa sẽ tiết kiệm kinh phí cho nhà nước?

Quan điểm của PGS. Nguyễn Kế Hào hoàn toàn ngược lại, vì bản chất xã hội hóa làm sách là mở rộng, dân chủ, không cấm ai tham gia viết sách, và khi tuân thủ được quy trình làm sách sẽ rất ngặt nghèo. Khi làm xong sách phải đưa thử nghiệm và qua kiểm định để xem có được chấp nhận hay không?

Quan ngại nhất của PGS. Hào là quá trình thử nghiệm, bởi để một bộ sách vào trường học là không dễ. Khi một vài bộ sách được Bộ GD&ĐT  thẩm định thì các trường và học sinh sẽ là người lựa chọn.

Còn nữa…

Xuân Trung