Bây giờ thực sự rất cần nhân văn cho giáo viên Bình Định

29/07/2019 06:47
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định có trách nhiệm cấp lại Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho học viên, vì thực tế họ đã ra hành nghề sư phạm.

Hơn 130 giáo viên ở huyện Phù Cát (Bình Định) sử dụng giấy “Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” do Cao đẳng Bình Định cấp, không được dự thi viên chức.

Nguyên nhân do “Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” không phải là “Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”!

Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của Trường Cao đẳng Bình Định cấp không được công nhận. (Ảnh: Tienphong.vn)
Giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm của Trường Cao đẳng Bình Định cấp không được công nhận. (Ảnh: Tienphong.vn)

Vậy “Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm” học cái gì?

Thông tư số 10/2013/TT-BGDĐT ngày 28/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT ngày 12/4/2012), các đối tượng có bằng cử nhân không thuộc hệ sư phạm muốn trở thành Giáo viên giảng dạy các trường Phổ thông, Trung cấp, Cao đẳng và Đại học thì có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức đào tạo Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm như sau:

– Chứng chỉ Nghiệp vụ sư phạm cho Giáo viên Trung cấp chuyên nghiệp: áp dụng cho đối tượng không tốt nghiệp trường sư phạm muốn đi dạy tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học Phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp.

–  Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên cao đẳng, đại học: áp dụng cho đối tượng không tốt nghiệp trường sư phạm muốn đi dạy tại các trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước.

Với các cử nhân không phải là Sư phạm, nay muốn hành nghề Sư phạm mới cần Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. 

Nội dung bồi dưỡng Chứng chỉ sư phạm gồm 2 môn (mà chỉ có sinh viên sư phạm mới được học, các trường khác không học): 

Môn Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm: Giúp các thầy cô giáo tương lai nắm rõ và áp dụng các biện pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi

Giáo học pháp: Giúp các thầy cô tương lai có phương pháp soạn giáo án và giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Giaó sinh sẽ được hướng dẫn các kỹ năng đứng lớp, kỹ năng soạn giáo án, kỹ năng giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi học sinh; tham gia thực tập giảng dạy.

Sau khi học xong, cơ sở dạy học (bồi dưỡng) kiểm tra đánh giá; nếu đạt yêu cầu, sẽ cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, cho học viên, theo mẫu của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. 

Chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, do trường Cao đẳng sư phạm Bình Định cấp, phải chăng chỉ là thuật ngữ? 

Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?
Cần bao nhiêu loại chứng chỉ nữa thì người ta mới công nhận giáo viên chúng tôi?

Thuật ngữ “Chứng chỉ” và “Chứng nhận” hoàn toàn khác nhau.

Thế nhưng, trong “ngữ cảnh” cụ thể này, ta chỉ cần xét nội dung đào tạo của trường Cao đẳng sư phạm Bình Định. 

Nếu nội dung đào tạo Nghiệp vụ sư phạm của trường gồm 2 môn: Môn Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm; Giáo học pháp; rõ ràng nhà trường đã đủ điều kiện cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm thay vì giấy chứng nhận. 

Việc kiểm tra, so sánh nội dung đào tạo này, trong tầm tay của các cơ quan hữu quan, chỉ cần một “tấm lòng” là làm được.

Trường Cao đẳng sư phạm Bình Định có trách nhiệm cấp lại Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho học viên, vì thực tế họ đã ra hành nghề sư phạm. 

Đây chính là lúc cần cái tâm, cái tầm, cái nhân văn của các cơ quan liên đới với thầy cô giáo ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; cũng là sửa lỗi cho chính bản thân họ đã không “phát hiện” ra sai sót này khi ký hợp đồng dạy học với người không có “Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm”.

Thời đại này, không còn đánh giá người tài qua bằng cấp, các giáo viên ở trường hợp này đã dạy học, cống hiến, có người đã phấn đấu làm cán bộ quản lý. 

Cần, cần lắm nhân văn, về với giáo viên, học nội dung bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, đúng ra phải được cấp Chứng chỉ, thay vì cấp Chứng nhận.

Sơn Quang Huyến