Bộ Giáo dục nói về chứng chỉ xét thăng hạng giáo viên ở Bắc Giang

18/07/2019 07:02
Chiến Thắng
(GDVN) - Bên cạnh yêu cầu về chuyên môn thì các giáo viên cần phải có chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp mới được xét thăng hạng.

Hiện nay, nhiều địa phương trong đó có Bắc Giang đã có văn bản rà soát, hướng dẫn giáo viên đăng kí dự xét thăng hạng viên chức.

Từ những niềm vui ban đầu, bây giờ nhiều giáo viên lại lo lắng, băn khoăn không biết liệu mình có được giữ hạng hay thăng hạng hay không.

Thế nên thay vì được nghỉ hè, các giáo viên lại phải đăng kí để tham gia học các lớp cho kịp thời gian nộp hồ sơ.

Lớp nọ chồng lên lớp kia, buổi học này chồng lên buổi học khác cốt làm sao cho kịp tiến độ và miễn có chứng chỉ để đủ điều kiện được xét.

Giáo viên mong được nghỉ hè để nghỉ ngơi sau một năm học căng thẳng giờ lại vất vả đi học, rồi tiền đóng lệ phí, quỹ lớp… cũng mất một khoản chi phí kha khá.

Lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học ở Bắc Giang tháng 6/2019. Ảnh. CT
Lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên tiểu học ở Bắc Giang tháng 6/2019. Ảnh. CT

Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nói về chứng chỉ thăng hạng giáo viên

Để đảm bảo hồ sơ giáo viên phải đảm bảo các tiêu chuẩn mà một trong số đó là các loại văn bằng, chứng chỉ.

Ở phần văn bằng chuyên môn thì đã rõ, nhưng phần các chứng chỉ có các yêu cầu về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp để nâng hạng đã gây ra nhiều bất cập cho giáo viên.

Ông Khuông Văn Thông - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang thông tin cho phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

Bắc Giang đang thực hiện công tác bồi dưỡng thăng hạng cho giáo viên theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Việc đào tạo thăng hạng giáo viên là theo kế hoạch và bắt buộc các giáo viên trong diện phải đi bồi dưỡng.

Theo luật viên chức, bên cạnh yêu cầu về chuyên môn được đào tạo thì các giáo viên cần phải có trình độ nhất định ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, chứng nhận bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Để có góc nhìn chuẩn xác nhất về góc độ của ngành giáo dục, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, ông thông tin cho biết:

“Nếu không có chứng chỉ bồi dưỡng thăng hạng thì không đủ điều kiện để tham gia thi/xét thăng lên hạng tương ứng.

Đây cũng là qui định chung cho mọi viên chức (không chỉ có trong Ngành giáo dục)”.

Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Ảnh: VGP
Ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Ảnh: VGP

Nhưng có một thực tế kể cả khi đã có các chứng chỉ đó thì chưa hẳn giáo viên đã được nâng hạng vì số lượng người đăng kí ở một huyện là rất lớn nên khó đảm bảo được nguồn kinh phí để nâng hạng cho tất cả giáo viên.

Ở nhiều địa phương sau khi đã rà soát có nhiều giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học do Bộ cấp và chứng chỉ chỉ bồi dưỡng theo chuẩn chức danh nghề nghiệp để nâng hạng thì Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo liên kết với các trường đại học để mở các lớp bồi dưỡng thăng hạng giáo viên.

Theo đó, giáo viên không phải dự thi thăng hạng mà chỉ cần nộp hồ sơ xét thăng hạng kèm phỏng vấn hoặc làm một bài kiến thức pháp luật. Đây là một điều làm vui lòng giáo viên trong cả nước sau một thời gian dài chờ đợi.

Bởi, đây là một nội dung mới khi thực hiện Luật Viên chức, tác động đến nhà giáo ở tất cả cấp học. Nhưng hiểu cho đúng, cho đủ về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, cho đến thời điểm này, vẫn là câu chuyện cần phải bàn. 

Hiểu đúng về thăng hạng

Có lẽ cần phải hiểu cho đúng về thăng hạng và bản chất của thăng hạng. Thăng hạng bắt buộc hay không? Câu trả lời là thăng hạng không bắt buộc.

Theo quy định giáo viên các cấp học được xếp vào 3 hạng (I, II, III đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông; II, III, IV đối với giáo viên mầm non, tiểu học).

Bộ Giáo dục yêu cầu Bắc Giang kiểm tra công tác bồi dưỡng chức danh giáo viên
Bộ Giáo dục yêu cầu Bắc Giang kiểm tra công tác bồi dưỡng chức danh giáo viên

Trong đó, sau khi được xếp vào hạng thấp nhất, giáo viên sẽ có quá trình tích lũy các điều kiện (về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ) để đủ điều kiện tham dự thi hoặc xét thăng hạng lên hạng cao hơn liền kề.

Việc thăng hạng bắt buộc phải được thực hiện thông qua một kỳ thi hoặc xét do cơ quan có thẩm quyền tổ chức quyết định.

Sau một thời gian triển khai thực hiện tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, vấn đề lớn nhất còn tồn tại ở các địa phương vẫn là vấn đề nhận thức về các quy định: nhiều giáo viên chưa hiểu hoặc hiểu không đúng về bản chất của tiêu chuẩn chức danh và các quy định liên quan.

Thăng hạng cho giáo viên là việc giải quyết chế độ chính sách có thể có tăng lương (tăng nhiều hay ít tùy thời điểm, nếu giáo viên thăng hạng càng sớm thì càng có lợi về lương và ngược lại).

Như vậy, nếu giáo viên muốn được hưởng lợi ích nhiều hơn về lương và khẳng định vị thế nghề nghiệp, họ bắt buộc phải nỗ lực cố gắng, tích lũy các minh chứng để đủ điều kiện thăng hạng, còn nếu không, họ chỉ cần đáp ứng đủ các điều, tiêu chuẩn của hạng đang giữ.

Chiến Thắng