Bỏ hay không bỏ biên chế chưa hẳn đã là vấn đề lớn nhất

31/10/2019 06:40
Trần Phương
(GDVN) - Bỏ biên chế hay không bỏ biên chế không phải là vấn đề lớn nhất mà quan trọng, chế độ chính sách cho giáo viên có thay đổi gì khi chính sách mới có hiệu lực.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, theo dự thảo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, từ 1/7/2020, giáo viên và tất cả các trường hợp viên chức chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn (trừ viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn).

Việc Quốc hội đề xuất sẽ không còn chế độ hợp đồng không xác định thời hạn với viên chức ký mới từ ngày 1/7/2020 lập tức đã thu hút sự quan tâm rất lớn từ xã hội.

Đặc biệt là cộng đồng giáo viên, một trong những đối tượng có số lượng bị ảnh hưởng rất lớn từ chính sách này.

Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên có làm cho đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa có được nâng cao hơn hay không? (Ảnh minh họa: LC)
Việc bỏ biên chế suốt đời đối với giáo viên có làm cho đời sống giáo viên, đặc biệt là giáo viên vùng sâu, vùng xa có được nâng cao hơn hay không? (Ảnh minh họa: LC)

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng trường Mầm non Chà Tở (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cho rằng:

“Đối với những viên chức ở vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn như chúng em thì vẫn được kí hợp đồng không xác định thời hạn đối với giáo viên mới tuyển sau 1/7/2020 theo em là phù hợp với đặc thù từng đơn vị.

Như vậy, sẽ thu hút được nhiều nhân lực lựa chọn vào vùng khó khăn công tác để được hưởng ưu đãi này và hạn chế số lượng giáo viên chuyển ra vùng thuận lợi như vậy tình trạng luôn luôn thiếu giáo viên sẽ được khắc phục

Biên chế còn chả mấy ai muốn làm, bỏ thì ai đi dạy ở vùng cao nữa?
Biên chế còn chả mấy ai muốn làm, bỏ thì ai đi dạy ở vùng cao nữa?

Đối với viên chức nhà giáo công tác ở những vùng thuận lợi thì họ sẽ giảm được  sức ì của 1 bộ phận giáo viên như hiện tại.

Bởi vì không phải ai làm việc và cống hiến như nhau.

Để tiếp tục được duy trì hợp đồng sau khi hết hạn thì bắt buộc họ phải luôn luôn cố gắng, luôn luôn làm việc để mang lại hiệu quả tốt nhất, nếu không sẽ tự đào thải mình.

Các cơ quan quản lý giáo dục cũng có thêm công cụ để thúc đẩy hiệu quả làm việc của đội ngũ giáo viên của mình.

Tuy nhiên, vấn đề mà các cô giáo quan tâm chính là các chế độ về lương, phụ cấp, ưu đãi khác đối với viên chức kí hợp đồng xác định thời hạn có thay đổi gì so với hợp đồng không xác định thời hạn hay không?

Như vậy, động lực làm việc của các giáo viên và chất lượng giáo dục vẫn có thể đảm bảo”.

Thầy giáo Nguyễn Văn Thuận, Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lũng Táo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng:

“Nghề giáo, đặc biệt là những thầy cô giáo vùng cao đòi hỏi con người phải tâm huyết, sự yêu thương trẻ nhỏ, học sinh…

Nếu từ 1/7/2020, khi chính sách mới được áp dụng, chính sách đãi ngộ cho giáo viên vùng cao có được như trước hay không?

Do vậy, hi vọng những điều chỉnh của cấp trên vừa đảm bảo công việc, điều kiện cho giáo viên vừa phải đảm bảo cho giáo viên yên tâm công tác phù hợp và tương xứng với tâm huyết của giáo viên.

Cần có chế độ chính sách phù hợp với giáo viên vùng cao, biên chế chưa chắc đã là "miếng bánh" hấp dẫn đối với giáo viên.
Cần có chế độ chính sách phù hợp với giáo viên vùng cao, biên chế chưa chắc đã là "miếng bánh" hấp dẫn đối với giáo viên.

Việc bỏ biên chế suốt đời nếu đó là việc phù hợp với quy trình phát triển thì cũng nên làm tuy nhiên, theo tôi các cơ quan ban ngành cần tính toán việc bỏ biên chế như thế nào, chế độ chính sách ra sao sau đó?.

Khi bỏ biên chế thì chế độ, chính sách cho giáo viên có đảm bảo mức sống, mức thu nhập cao hơn hay không. Đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng khó.

Tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, theo tôi nghĩ có thể tác động bằng nhiều cách chứ không riêng gì một chính sách rồi kỳ vọng sẽ tạo ra hiệu quả ngay.

Các chế độ chính sách, điều kiện, môi trường làm việc....đó mới là những thứ thiết thực để giáo viên có thêm động lực, tâm huyết với nghề".

Trần Phương