Bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 được nhiều hơn mất, cớ sao không làm?

28/12/2017 07:00
Thùy Linh
(GDVN) - Chúng ta phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên nói là xét tuyển nhưng thực chất chính là chuyển danh sách học sinh từ bậc Tiểu học sang bậc Trung học cơ sở.

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh Trung học cơ sở và tuyển sinh Trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014.

Dự thảo bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành như sau: “Tuyển sinh Trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển.

Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, việc tuyển sinh Trung học cơ sở phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn.

Như vậy có nghĩa là, chỉ những trường đặc thù không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực. 

Trong khi đó, Thông tư hiện hành chỉ quy định: “Tuyển sinh Trung học cơ sở theo phương thức xét tuyển”.

Được biết, năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Chỉ thị chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học.

Bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 được nhiều hơn mất, cớ sao không làm? ảnh 1

Thầy Văn Như Cương: Cấm thi lớp 6, Bộ có biết bao nhiêu em phải thi không?

Trong đó, nêu rõ các trường không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức.

Vậy là trong 3 mùa tuyển sinh (năm 2015, 2016, 2017), một số trường trung học cơ sở đặc thù trên địa bàn Hà Nội chỉ thực hiện xét tuyển học sinh vào lớp 6 dựa vào kết quả 5 năm tiểu học của học sinh và các tiêu chí phụ:

Giải thưởng của các cuộc thi giải Toán, Tiếng Anh trên mạng; giải thưởng của các cuộc thi văn hóa, nghệ thuật (hát, nhảy, vẽ tranh), thể thao (bơi, điền kinh, đá bóng...) rồi đến các chứng chỉ tiếng Anh của các trung tâm Anh ngữ có uy tín. 

Phải sử dụng tới tiêu chí phụ vì lãnh đạo một số trường có đông học sinh đăng ký cho rằng, việc tuyển sinh dựa trên học bạ chưa thể chọn lọc được thí sinh bởi 100% hồ sơ nộp vào trường đều “Hoàn thành chương trình tiểu học”, điểm tổng kết đều 9, 10. 

Mặt khác, có một số trường lại cho rằng, việc đánh giá kết quả học ở các trường Tiểu học rất khác nhau nên trường trung học cơ sở rất khó phân biệt về trình độ học sinh để chọn lọc hồ sơ xét tuyển. 

Nói là xét tuyển vào lớp 6 nhưng thực chất là chuyển danh sách học sinh cấp 1 lên cấp 2

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) khẳng định:

Chúng ta phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên nói là xét tuyển, nhưng thực chất là chuyển danh sách học sinh từ bậc Tiểu học sang bậc Trung học cơ sở, nếu có xét thì là xét hộ khẩu xem học sinh đó thuộc địa bàn của địa phương nào. 

Và tất cả các trường công lập trên địa bàn tỉnh/thành đó phải đảm nhiệm vụ phổ cập này nên tuyệt đại đa số học sinh cứ “Hoàn thành chương trình tiểu học” là lên học bậc trung học cơ sở”. 

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: "Chúng ta phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên nói là xét tuyển nhưng thực chất chính là chuyển danh sách học sinh từ bậc Tiểu học sang bậc Trung học cơ sở. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: "Chúng ta phổ cập giáo dục trung học cơ sở nên nói là xét tuyển nhưng thực chất chính là chuyển danh sách học sinh từ bậc Tiểu học sang bậc Trung học cơ sở. (Ảnh: Thùy Linh)

Ông Khang thông tin thêm, hiện nay Hà Nội có gần 700 trường trung học cơ sở (cả công lập và tư thục), trong khi các trường công lập có nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

Chính vì vậy, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo có sửa đổi, bổ sung Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT theo đúng như dự thảo thì cũng không tác động gì tới vấn đề tuyển sinh vào lớp 6 của các trường công lập. 

Tức là có tới 99% số học sinh không bị ảnh hưởng nếu sửa đổi Thông tư 11. 
Vậy 1% số học sinh bị tác động là những học sinh nào? 

Đó là những trường đặc thù, ví dụ tại Hà Nội bao gồm: Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam; Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) và hệ thống trường tư thục. 

Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam có hệ trung học cơ sở được phép tuyển sinh không theo tuyến nhằm tạo nguồn học sinh chuyên ở bậc trung học phổ thông nên họ được phép tuyển sinh trên toàn thành phố. 

Trường Trung học cơ sở Cầu Giấy (Hà Nội) được thành phố chấp thuận xây dựng trường này theo mô hình trường trung học cơ sở chất lượng cao do đó, trường được phép tuyển sinh trên địa bàn toàn quận, thậm chí cả các quận lân cận. 

Khẳng định với phóng viên, ông Khang cho hay: “Trong 3 mùa tuyển sinh vào lớp 6 vừa qua, trường Marie Curie phải định ra tiêu chí phụ để xét tuyển, chọn lọc hồ sơ”. 

Bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 được nhiều hơn mất, cớ sao không làm? ảnh 3

Không thi tuyển lớp 6: Phụ huynh lo, nhà trường bí

Tuy nhiên, chính ông Khang cũng khẳng định, chính những tiêu chí phụ đó đã dẫn đến việc phụ huynh phải đưa con đi thi suốt cả năm học. 

Nào là thi Toán, thi Tiếng Anh trên mạng, thi viết, thi lấy chứng chỉ ở trung tâm tiếng Anh, thi các môn văn hóa, thi văn nghệ, thi các môn thể thao...

Nếu thi không được giải hoặc chưa đạt chứng chỉ cần thiết thì phụ huynh sẵn sàng “chạy giải” cho con cái mình, mà “chạy” dễ nhất là giải về thể thao, văn nghệ bởi đây là hai lĩnh vực khó có cái chuẩn cụ thể. 

Biết rằng, những giải thưởng này đã làm méo mó mục tiêu tuyển sinh của các trường, nhưng nhiều trường vẫn phải áp dụng vì không còn cách nào khác. 

Vậy là từ chỗ chỉ có 1 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 6 thì chúng ta đã khiến học sinh phải đi thi quanh năm. Điều này có tạo ra áp lực thi cử không?

Ngoài ra, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã có chỉ đạo rà soát các cuộc thi. Công văn do Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa ký nêu từ năm học 2017-2018, các sở Giáo dục và Đào tạo sẽ không được lấy kết quả cuộc thi do sở tổ chức hoặc kết quả từ các cuộc thi quốc tế do sở cử tham gia vào việc đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Từ năm học 2018-2019, các sở Giáo dục và Đào tạo không được sử dụng kết quả này để tuyển thẳng trong tuyển sinh đầu cấp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ không cấp xác nhận thành tích của giáo viên, học sinh được sở cử đi tham gia các cuộc thi quốc tế.

Lúc này ông Khang đặt vấn đề: “Nếu không sửa đổi Thông tư 11/2014 mà áp dụng đúng tinh thần công văn tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên, học sinh của Bộ thì các trường đã và đang sử dụng tiêu chí phụ để tuyển sinh vào lớp 6 sẽ phải làm thế nào để phân biệt được các đối tượng học sinh?”. 

Bỏ lệnh cấm thi tuyển vào lớp 6 được nhiều hơn mất, cớ sao không làm? ảnh 4

Những điều chỉnh mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh lớp 6, lớp 10

Có ý kiến cho rằng, nếu thi tuyển vào lớp 6 thì học trò khổ sở với việc ôn tập, luyện thi. 

Nhận định về ý kiến này, ông Khang cho rằng, quả thực khi thi tuyển vào lớp 6 có xuất hiện “lò luyện thi” nhưng số học sinh đi luyện thi chỉ là con số ít bởi nếu không đủ điều kiện (tài chính của gia đình, năng lực) để tham dự vào các trường “hot” thì học trò sẽ chọn lựa học trường gần nhà để đỡ vất vả.

Nhưng sau khi cấm thi tuyển vào lớp 6 thì lại nảy sinh tình trạng phụ huynh dắt con đi thi suốt cả năm học để tích lũy giải thưởng và tích lũy các chứng chỉ. 

Ông Khang tiết lộ, giả sử dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 11/2014 được thông qua thì trong mùa tuyển sinh vào lớp 6 trường Marie Curie có thể đánh giá năng lực để tuyển thí sinh theo hình thức tổ chức test IQ (chỉ số thông minh), EQ (chỉ số cảm xúc), AQ (chỉ số vượt khó) của học trò. 

Lúc này ông Khang cho rằng, đánh giá năng lực học sinh theo cách này thì học trò sẽ không cần luyện thi và giả sử có “lò luyện thi” nào mà tăng được trí thông minh, tăng chỉ số vượt khó, tăng chỉ số cảm xúc được cho đứa trẻ thì tốt quá vì hiện nay xã hội đang lo sợ về mức độ vô cảm của giới trẻ. 

Thùy Linh