Bộ vẫn chấm điểm Văn theo ba-rem, học sinh mặc nhiên phải làm văn theo khuôn mẫu

23/07/2021 09:44
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cho dù là đề bài luôn yêu cầu học sinh trình bày, nêu suy nghĩ, cảm nhận của anh (chị) nhưng đáp án luôn phải tuân thủ theo người ra đề.

Những năm gần đây, đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia (trước đây) và thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (2 năm nay) luôn được dư luận đặc biệt quan tâm và mổ xẻ khá nhiều sau mỗi kỳ thi.

Cho dù đây là đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra, đề thi được xem là mẫu mực cho một kỳ thi lớn nhất cả nước nhưng với cách ra đề, xây dựng đáp án như hiện nay thì rất dễ khiến cho nhiều người chưa thực sự hài lòng bởi nếu chỉ vậy thì học sinh không thích học Văn, chán học Văn cũng là lẽ thường tình.

Đáp án môn Văn phần vận dụng có 0.75 điểm sáng tạo, ảnh chụp từ màn hình.Đáp án môn Văn phần vận dụng có 0.75 điểm sáng tạo, ảnh chụp từ màn hình.

Nếu cứ đà này, Bộ không có những thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá, thi cử thì môn Văn sẽ mất dần chất Văn. Bởi nhìn vào đáp án đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay thì chúng ta thấy học sinh không cần phải học nhiều, chỉ cần chú ý một chút là dễ dàng đạt được điểm trung bình trở lên.

Đáp án môn Văn đóng khung theo công thức, thí sinh chỉ cần chép lại vài câu trong đề thi cũng đã có điểm

Ngay sau khi thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Trung học phổ thông năm nay, nhiều học sinh, giáo viên, chuyên gia đều đánh giá là đề thi quen thuộc, học sinh dễ được điểm trung bình trở lên.

Đúng là đề Văn năm nay không khó vì cấu trúc đề không chỉ quen thuộc mà ngay câu nghị luận 5,0 điểm cũng là một đề mà học sinh lớp 12 đã ôn, đã làm trong quá trình học của mình, nhất là các đoạn thơ trong bài Sóng của Xuân Quỳnh đã quá quen thuộc khi nói về nỗi nhớ của tình yêu…

Thế nhưng, khi Bộ công bố đáp án đề thi môn Ngữ văn năm nay thì nhiều chuyên gia, giáo viên dạy Văn trên cả nước cảm thấy hẫng hụt vì đáp áp cho môn Văn quá đơn điệu và thậm chí có một số câu chỉ cần chép lại cũng đã có điểm.

Chẳng hạn như câu 1, 2 của phần đọc hiểu thì học sinh chỉ cần chép lại trong đoạn trích của đề thi mà không cần phải suy nghĩ gì hết là đã được mỗi câu 0,75 điểm.

Phần làm văn (7 điểm) thì đã được đóng khung theo công thức. Vẫn biết đây là đề thi với 2 mục đích là vừa để lấy kết quả xét tốt nghiệp và vừa lấy kết quả xét tuyển đại học, nhưng với đáp án như thế này thì rõ ràng Bộ đã không chạm được mục tiêu mà ngành đang hướng tới trong nhiều năm qua- đó là phát triển phẩm chất, năng lực của học trò.

Học sinh dễ lấy điểm trung bình, điểm khá nhưng điểm 9, 10 môn Văn sẽ rất ít

Trong các môn thi trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trước đây và bây giờ là kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì chỉ còn môn Ngữ văn là môn duy nhất thi tự luận. Dù những năm qua, Bộ, Sở liên tục đổi mới về cách dạy Văn, học Văn nhưng các đề thi vẫn không có nhiều thay đổi.

Cho dù là đề bài luôn yêu cầu học sinh trình bày, nêu suy nghĩ, cảm nhận của anh (chị) nhưng đáp án luôn phải tuân thủ theo người ra đề. Bởi, cứ nhìn vào đáp án thì chúng ta thấy điểm dành cho sáng tạo là không nhiều.

Chẳng hạn như đáp án môn Văn năm nay thì câu vận dụng thấp 2 điểm có 0.25 điểm sáng tạo, câu vận dụng cao 5 điểm thì có 0.5 điểm sáng tạo. Còn lại, chủ yếu giám khảo chấm phải tuân thủ theo đáp án của người ra đề.

Như vậy, dù bài viết của thí sinh mở rộng, liên hệ, đối chiếu tốt thì bài văn chỉ được tối đa là 0.75 điểm cho phần sáng tạo mà thôi. Những câu, những ý, những yêu cầu còn lại thì đúng đến đâu, giám khảo sẽ cho điểm đến đó.

Cũng chính vì thế mà bài thi môn Văn rất ít điểm từ 9 trở lên và tất nhiên là điểm 10 thì cực hiếm. Kỳ thi năm 2020 có 2 bài điểm 10 và năm nay thì theo phản ánh của các Hội đồng chấm thi thì đến thời điểm hiện nay mới có 1 thí sinh ở Quảng Nam là đạt điểm 10.

Đặc biệt, với đáp án cố định môn Văn như những năm qua thì những thầy cô ôn thi luôn hướng học sinh vận dụng tốt cách trình bày đầy đủ các ý, các phần để lấy điểm cao chứ chất văn trong các bài văn sẽ không có nhiều.

Bởi, có viết hay, viết sâu, viết sáng tạo nhưng không đảm bảo các ý và yêu cầu của đáp án thì bài văn đó cũng rất khó để có thể được điểm cao. Những giám khảo chấm thi bắt buộc phải tuân thủ theo đáp án và cách thống nhất của Hội đồng chấm thi chứ không thể nào làm khác được.

Rõ ràng, đề thi thì luôn nói là đề mở nhưng đáp án vẫn “đóng” theo ý kiến chủ quan của người ra đề. Có nghĩa là học sinh dù có làm bài hay, bài tốt như thế nào đi chăng nữa nhưng nó không trùng với đáp án của người ra đề thì điểm thi vẫn thấp là chuyện bình thường.

Văn mẫu và hiện tượng “thầy chấm văn thầy”

Từ lâu, sách văn mẫu được bán tràn lan ở các nhà sách, văn mẫu hiện hữu trên mạng internet có hàng ngàn, hàng vạn bài, dạng nào cũng có. Văn mẫu hay hơn thầy cô dạy trên lớp vì được các chuyên gia, các thầy giáo dạy Văn ở các trường viết ra, được biên tập kỹ lưỡng trước khi xuất bản.

Văn mẫu hay hơn đáp án mà thầy cô giáo các trường phổ thông làm. Vì thế, khi kiểm tra, thi cử dù biết đó là văn mẫu nhưng giáo viên chấm bài không thể nào làm khác được và học trò tất nhiên sẽ đạt điểm cao.

Bởi, như đề thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt 1 năm nay thì câu vận dụng cao 5 điểm cũng có vô vàn văn mẫu trong tài liệu, trên mạng internet…

Chưa bao giờ hiện tượng “thầy chấm văn thầy” lại nhiều như bây giờ. Nhiều thí sinh càng học sinh giỏi, trí nhớ tốt thì càng sử dụng càng nhiều văn mẫu khi làm bài.

Những giáo viên khi chấm bài kiểm tra ở lớp hay chấm tập trung tại các Hội đồng thi tuyển sinh 10, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông dù biết rằng đó là văn mẫu, là những bài văn mà mình đã đọc nhưng không có lý do gì mà thầy cô có thể hạ điểm của học trò.

Bởi, tất cả các bài kiểm tra, bài thi không thấy có hiện tượng sử dụng tài liệu, thí sinh không bị lập biên bản. Vì thế, cơ sở nào để giáo viên có thể hạ điểm của học trò, nếu hạ điểm của học trò, giám khảo sẽ là người phải giải trình đầu tiên.

Đổi mới các dạy Văn, học Văn và ra đề kiểm tra, đề thi môn Văn vẫn chưa thực sự…mới, vẫn là một lối mòn từ hàng chục năm nay.

Có mới chăng là đoạn ngữ liệu trong phần đọc hiểu được lấy ở ngoài sách giáo khoa nhưng cũng chính phần này lại đang bị dư luận nói nhiều nhất vì gần như đề thi Văn năm nào cũng có…vấn đề ở phần đọc hiểu.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI