Các loại chứng chỉ giáo viên phải có hiện nay đang mang lợi nhuận cho ai?

13/08/2020 06:05
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi chứng chỉ của giáo viên có giá từ 1 triệu đến 5- 7 triệu đồng và cứ như hiện nay thì thị trường đào tạo, bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ sẽ còn rất sôi động.

Các dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập vừa được Bộ công bố tiếp tục trở thành đề tài tranh luận sôi nổi trong đội ngũ nhà giáo.

Cả 4 dự thảo này, chỉ có giáo viên hạng IV (chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019) là không yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, giáo viên từ hạng III trở lên đều bắt buộc phải có.

Tất cả giáo viên phải có chứng chỉ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ thì giáo viên mầm non từ hạng II trở lên phải có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên.

Giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng III yêu cầu có trình độ ngoại ngữ bậc 1, hạng II có trình độ ngoại ngữ bậc 2, hạng I có trình độ ngoại ngữ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Giáo viên trung học phổ thông hạng III, hạng II có trình độ tối thiểu là bậc 2, giáo viên hạng I có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc III theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Và, tất nhiên để có được các chứng chỉ này thì giáo viên phải đầu tư rất nhiều tiền bạc và thời gian mới có thể có được.

Giáo viên hiện đang phải học nhiều loại chứng chỉ theo quy định (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Giáo viên hiện đang phải học nhiều loại chứng chỉ theo quy định

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Chứng chỉ đang làm lợi cho ai?

Nếu như trong thời gian tới đây, những dự thảo Thông tư Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập được Bộ thông qua mà không có nhiều thay đổi so với dự thảo thì sao?

Lúc đó, trên 1,3 triệu giáo viên đang trực tiếp giảng dạy, công tác trong ngành giáo dục- dù đủ chuẩn hay không đủ chuẩn trình độ bắt buộc phải có ít nhất từ 1 chứng chỉ trở lên.

Những giáo viên hạng II, hạng I ở các cấp học thì bắt buộc phải có rất nhiều loại chứng chỉ bởi chỉ riêng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp thì mỗi hạng có mỗi chứng chỉ khác nhau.

Hiện nay, các trường đại học đang đào tạo các loại chứng chỉ hạng III, hạng II, hạng I và để học mỗi chứng chỉ này thì giáo viên phải bỏ ra ít nhất là 2 triệu đồng.

Chứng chỉ ngoại ngữ cũng yêu cầu mỗi hạng giáo viên có một khung năng lực ngoại ngữ khác nhau, điều này cũng đồng nghĩa mỗi chứng chỉ giáo viên cũng phải bỏ ra số tiền ít nhất là 1 tháng lương.

Hiện nay, cả nước có 14 trường đại học, học viện được phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

Có 49 nhà trường được phép đào tạo và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Có 134 cơ sở giáo dục đại học được cấp chứng chỉ công nghệ thông tin, 43 Sở Giáo dục và Đào tạo có trung tâm sát hạch ứng dụng công nghệ thông tin.

Cùng với các đơn vị được phép đào tạo là hàng trăm các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, cấp huyện cùng chung tay liên kết đào tạo.

Học viên là hàng triệu giáo viên, sinh viên sư phạm nên thị trường đào tạo chứng chỉ rất tiềm năng để sinh lợi cho các nhà trường, các cơ sở liên kết đào tạo.

Bởi, mỗi chứng chỉ của giáo viên có giá từ 1 triệu đến 5- 7 triệu đồng và cứ như đà phát triển hiện nay thì thị trường đào tạo, bồi dưỡng, thi và cấp chứng chỉ sẽ còn rất sôi động và sẽ còn tiếp tục được phát triển trong thời gian tới.

Được và mất gì từ việc yêu cầu giáo viên phải có rất nhiều loại chứng chỉ như hiện nay?

Cái được là hàng loạt trường sư phạm mấy năm nay dù số lượng tuyển sinh đầu vào khó khăn do chỉ tiêu sư phạm có phần giảm, chuẩn trình độ giáo viên tăng lên, sinh viên sư phạm ra trường ít có cơ hội việc làm…

Nhưng, giảng viên các trường sư phạm luôn có việc làm đều đều vì ngoài việc giảng dạy tại nhà trường thì đội ngũ giảng viên còn đi đến các cơ sở mà nhà trường liên kết để giảng dạy chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Nhiều Trung tâm giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên với chức năng là đào tạo nghề ngắn hạn cho địa phương và giảng dạy bổ túc văn hóa cho học sinh học văn hóa cũng ít tuyển được người học, nguồn thu ít.

Thế nhưng, họ liên kết với các trường đại học để đào tạo chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, ngoại ngữ, tin học nên hàng năm họ có thêm một nguồn thu rất lớn.

Nguồn thu từ việc cho thuê cơ sở đào tạo và họ đứng ra tuyển sinh và quản lý trung gian…

Những nguồn thu này còn hơn rất nhiều lần nguồn thu từ chức năng chính của họ là đào tạo nghề ngắn hạn và dạy bổ túc văn hóa.

Cái mất thuộc về người học- những giáo viên, sinh viên sư phạm bởi Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu quá nhiều những chứng chỉ đối với người bắt đầu được tuyển dụng và cả những người công tác trong ngành Giáo dục vài chục năm trời.

Để hoàn thiện các chứng chỉ theo quy định hiện hành thì hàng triệu giáo viên đang công tác phải bố trí thời gian, tiền bạc để đi học.

Sinh viên thì bắt buộc phải học vì mấy năm gần đây khi các cơ quan tuyển dụng đều yêu cầu phải có những chứng chỉ tin học, ngoại ngữ mới đủ tiêu chuẩn thi (xét tuyển) vào các vị trí tuyển dụng.

Giá như, Bộ Giáo dục và Đào tạo lồng ghép dạy và công nhận chương trình đào tạo chính khóa cho sinh viên khi còn học ở các trường sư phạm thì đỡ lãng phí biết nhường nào.

Và, có lẽ đội ngũ nhà giáo trên cả nước cũng không phải vất vả ngược xuôi, phải bỏ tiền đi học (đi mua) hàng loạt chứng chỉ như quy định hiện hành!

NHẬT DUY