Cần có phương án cho trẻ đến trường càng sớm càng tốt

21/11/2021 06:44
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không thể để thời gian học trực tuyến kéo quá dài, bởi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi trẻ bị hạn chế giao tiếp xã hội, hạn chế giao tiếp bạn bè.

Việc học trực tuyến trong điều kiện dịch bệnh là một giải pháp giúp trẻ dừng đến trường nhưng không dừng học khi bắt buộc phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, việc học trực tuyến quá dài khiến nhiều phụ huynh và chuyên gia lo ngại về những nguy cơ mà trẻ gặp phải, đặc biệt là học sinh lớp 1 nói riêng, học sinh tiểu học nói chung và học sinh cuối cấp.

Không nên nhốt trẻ ở nhà quá lâu

Bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (Trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam) cho biết:

“Để học sinh học trực tuyến kéo dài sẽ không ổn. Trong giai đoạn hình thành và phát triển nhân cách, tâm lý của học sinh mà bị hạn chế về giao tiếp vận động sẽ có rất nhiều nguy cơ.

Trẻ con lứa tuổi tiểu học luôn yêu thích vận động, thông qua vận động trẻ có thể học tập, giao tiếp. Từ các hoạt động này trẻ sẽ trưởng thành nên nhiều. Những hoạt động này sẽ không thể có khi học trực tuyến. Nếu cứ nhìn qua màn hình thì một thời gian sau trẻ con sẽ chán. Các em sẽ chỉ tập trung được 30 phút là tối đa thôi. Đây là về mặt chỉ số tâm sinh lý của các em.

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam). Ảnh: Nguyễn Hường

Tiến sĩ Tâm lý học Nguyễn Thị Kim Quý (trung ương hội Khoa học tâm lý Giáo dục Việt Nam). Ảnh: Nguyễn Hường

Sau đó phải thay đổi hoạt động, nếu mà ngồi cả buổi để hoạt động như vậy sẽ không ổn.

Thêm vào đó, trẻ em thích vận động, nếu giờ đó không có mà cứ phải nhìn vào màn hình mà tập theo thì các em cũng chán. Các em phải được tương tác theo, được chơi thì mới có thể giúp các em phát triển những kỹ năng rất cần lại không có.

Nếu cứ học qua sách vở, màn hình thôi thì sẽ bị hạn chế rất nhiều”, Tiến sĩ Kim Quý cho biết.

Phân tích về nguy cơ sức khỏe, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng:

“Về sức khỏe, trẻ nhìn màn hình nhiều như vậy thì tỉ lệ trẻ bị cận thị sẽ tăng lên rất nhiều. Nhiều học sinh mới học được có mấy tháng đã bắt đầu cận mấy diop rồi.

Lâu dần sẽ dẫn đến trẻ sẽ lười vận động, trẻ sẽ thu hẹp khoảng cách giao tiếp. Nếu chỉ tương tác qua máy tính sẽ rất có hại cho đứa trẻ.

Có thể nói là việc học trực tuyến kéo dài sẽ cực kỳ khó khăn cho học sinh và phụ huynh. Tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Việc học trực tuyến cực chẳng đã mới phải sử dụng thôi.

Với những sinh viên lớn, đã có ý thức thì việc học trực tuyến vẫn có thể áp dụng nhưng với các cháu phổ thông thì hiệu quả rõ ràng không thể đáp ứng.

Đặc biệt là các em học sinh phổ thông, các cháu cuối cấp như lớp 5, lớp 9 sẽ rất vất vả cho các em.

Bởi đây là lứa tuổi chịu nhiều áp lực thi cử vượt cấp. Nếu cứ học trực tuyến như vậy thì chất lượng sẽ rất hạn chế và càng tạo thêm áp lực thi cử cho các em.

Đây là cũng là lo lắng chung của cả giáo viên, phụ huynh và học sinh.”.

Cần có phương án cho trẻ đến trường càng sớm càng tốt

Bày tỏ quan điểm về khắc phục tình trạng này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý cho rằng:

“Trước mắt nếu việc học trực tuyến kéo dài, phụ huynh học sinh cần phải phân bổ thời gian kèm cặp con, hỗ trợ con có thêm tương tác một chút. Dù biết đây là vấn đề khó khi bố mẹ phải đi làm, con ở nhà nên con vẫn phải tự học.

Trong thời gian tới, các cấp các ngành cần phải tính toán các phương án giải quyết làm sao cho trẻ con phải được đến trường.

Nhà trường cần lập kế hoạch từ trước và xác định những biện pháp cần bổ sung nhằm đảm bảo an toàn học sinh, giáo viên và cán bộ nhân viên khi họ quay trở lại và khi cộng đồng cảm thấy tự tin với việc cho trẻ quay trở lại trường học.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả các công dân trên địa bàn phường Ngọc Hà và các cháu học sinh trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang, Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm/TTXVN.

Cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm tất cả các công dân trên địa bàn phường Ngọc Hà và các cháu học sinh trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang, Hà Giang). Ảnh: Minh Tâm/TTXVN.

Có thể học bằng nhiều cách khác nhau như chia ca, tách lớp nhỏ ra hay ưu tiên từng lớp, chia nhỏ thời gian học…tập trung những môn chính để trẻ có thể học được.

Làm sao cho trẻ đến trường dù thời gian không cần phải đủ 100% thời gian học như chưa có dịch. Nếu đợi hết dịch thì không biết đến bao giờ và trẻ con vẫn phải ở nhà sẽ không ổn.

Hiện nay các nước trên thế giới họ vẫn phải mở cửa và xác định sống chung với COVID -19 và ở một số nước cũng đã bắt đầu tiêm vắc – xin cho trẻ em.

Nếu trong quá trình đi học, thấy có vấn đề thì khoanh vùng vào. Có thể chỉ khoanh vùng theo lớp chứ không thể nghỉ luôn cả trường được.

Nếu có phong tỏa cũng chỉ cần phong tỏa lớp học, tầng hoặc tòa nhà, sau đó phun khử khuẩn và đưa F0, F1 đi cách ly.

Sau đó cho các lớp khác đi học lại bình thường. Chúng ta đã thích ứng với dịch, do đó đừng quá hoang mang khi ca covid trong trường học. Việc học vẫn nên duy trì, tùy vào bối cảnh cụ thể”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Quý cho biết.

Trần Phương