Cần quy định ban giám hiệu cũng phải dạy thao giảng, đừng đổ hết lên giáo viên

28/11/2021 09:41
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phó hiệu trưởng giỏi không ngại gì việc dạy mẫu, chỉ khi không tự tin vào năng lực của mình thì việc dạy thao giảng sẽ trở thành “tử huyệt” vùi lấp danh tiếng họ

Từ trước đến nay, chúng ta mới thấy quy định về định mức tiết dạy của Ban giám hiệu nhà trường, cụ thể phó hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần, hiệu trưởng dạy 2 tiết/tuần. Tuy nhiên, không có một quy định nào về tiết thao giảng dự giờ hàng năm đối với Ban giám hiệu.

Không có quy định Ban giám hiệu phải dạy dự giờ nên mọi tiết dạy dự giờ cứ dồn hết lên vai giáo viên (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại).Không có quy định Ban giám hiệu phải dạy dự giờ nên mọi tiết dạy dự giờ cứ dồn hết lên vai giáo viên (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại).

Nhiều giáo viên cũng thắc mắc, nếu đã quy định tiết dạy hàng tuần thì phải có yêu cầu thao giảng dự giờ giống giáo viên mới hợp lý. Quanh năm suốt tháng, Ban giám hiệu không phải dạy thao giảng dự giờ lần nào dù chỉ là một tiết dạy mẫu khi triển khai chuyên đề, phương pháp dạy học mới hay dạy minh họa cho chương trình mới.

Kể từ ngày nhận được quyết định lên làm phó hiệu trưởng cũng là lần cuối cùng giáo viên ấy dạy mà không có ai ngồi dự giờ.

Nên có quy định người phụ chỉ đạo chuyên môn cũng phải dạy thao giảng

Chính vì không có quy định tiết thao giảng dự giờ với Ban giám hiệu nên nhiều trường học lãnh đạo cứ thoải mái “đẻ” ra rất nhiều kiểu dự giờ đối với giáo viên.

Nào là dự giờ cấp tổ, cấp trường, dự giờ thao giảng chào mừng ngày kỷ niệm, dự giờ giáo viên chuyển đến, chuyển khối, dự giờ tay nghề, dự đột xuất, dự giờ các tiết dạy minh họa... Có thầy cô còn dạy dự giờ thao giảng cả cấp thị, cấp tỉnh, rồi dạy cho các đoàn kiểm tra thăm trường, khảo sát.

Hiệu trưởng có thể không cần dạy thao giảng nhưng phó hiệu trưởng một trường- người trực tiếp chỉ đạo chuyên môn lại rất cần phải có những tiết dạy minh họa cho giáo viên học tập.

Là người chỉ đạo chuyên môn trong nhà trường, là người triển khai nội dung chương trình, các phương pháp dạy học mới, luôn đưa ra những yêu cầu đối với giáo viên trong các tiết dạy như cần phải làm điều này, điều kia, cần phải tổ chức tiết học thế này, thế nọ…mới đạt hiệu quả.

Thay bằng nói suông chẳng mấy tác dụng bằng minh họa ngay một tiết dạy thực tế để giáo viên được mục sở thị thì hiệu quả hơn rất nhiều.

Cũng vì bản thân không phải thao giảng dự giờ nên ngay trong mùa dịch giáo viên nhiều nơi vẫn phải miệt mài dạy thao giảng dự giờ. Nhiều trường học vẫn lấy y chang các kế hoạch giáo dục của năm học bình thường để áp vào năm dịch bệnh buộc giáo viên phải thực hiện dạy thao giảng.

Trong khi dạy học trực tuyến có đủ rào cản từ phía học sinh cũng như giáo viên như mạng chập chờn, đang dạy, đang học lại văng ra bất ngờ. Học sinh ít tương tác với giáo viên, khó triển khai việc thực hành, họp nhóm, thời gian tiết dạy cũng đã tinh giảm đến mức có thể nhưng vẫn yêu cầu dự giờ thăm lớp.

Những Ban giám hiệu ấy do không phải dạy dự giờ nên ít thấu hiểu với những vất vả, khó khăn mà các thầy cô giáo đang trải qua. Yêu cầu Ban giám hiệu phải dạy dự giờ cũng là cách giúp họ có được sự đồng cảm cần thiết.

Vì sao có người chỉ đạo chuyên môn nhưng lại không đủ tự tin dạy minh họa?

Về lý thuyết thì để lên được phó hiệu trưởng rồi hiệu trưởng nhà trường, các thầy cô giáo ấy ít nhất đã có danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện thị trở lên. Xét về lý, nội dung truyền đạt, phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức tiết dạy của phó hiệu trưởng chắc chắn sẽ hơn hẳn nhiều thầy cô giáo khác.

Nhưng trong thực tế, không phải cứ giáo viên có danh hiệu dạy giỏi là thật sự giỏi, là người có năng lực, là hơn hẳn những giáo viên khác trong trường (có những thầy cô giáo không đi thi giáo viên dạy giỏi bao giờ nhưng họ thật sự giỏi, thật sự có năng lực).

Bởi trong nghề ai chẳng hiểu, chẳng biết có những thầy cô giáo dạy học cũng làng nhàng nhưng đi thi đã được nhà trường trang bị cho từ A đến Z nên 2 tiết dạy gần như là diễn lại.

Có người được đề bạt sau đó cũng với muôn vàn lý do, người thật sự xứng đáng, có người may mắn do cơ cấu, có người nhờ mối quan hệ, người lại đi cửa sau…nên việc chứng minh năng lực người chỉ đạo chuyên môn cả trường là điều cần thiết.

Những phó hiệu trưởng giỏi họ sẽ không ngại gì việc dạy mẫu chỉ khi không tự tin vào năng lực của mình thì việc dạy minh họa chuyên đề, phương pháp dạy học mới sẽ trở thành “tử huyệt” vùi lấp danh tiếng nên ít lãnh đạo nhà trường dám phiêu liêu nếu không có quy định bắt buộc.

Luôn chứng minh để giáo viên thấy mình xứng đáng là người chỉ đạo chuyên môn

Nghề giáo có một đặc điểm khác hẳn nhiều ngành nghề khác là rất khó giấu dốt. Ai năng lực thế nào, tài năng ra sao, giảng dạy có nhiệt tình, nhiệt tâm đến đâu thì giáo viên trong trường đều nắm rõ hết mà không ai nhìn vào mấy tờ giấy khen giáo viên giỏi cấp này cấp nọ phong tặng.

Bởi năng lực thật sự của thầy cô được đồng nghiệp đánh giá, nhận xét đôi khi khác xa với những danh hiệu giáo viên nhận được qua các hội thi. Thế nên, giáo viên cũng muốn Ban giám hiệu mà cụ thể là phó hiệu trưởng thể hiện rõ năng lực chuyên môn trước giáo viên bằng những tiết dạy minh họa.

Khi có sự tâm phục khẩu phục sẽ tránh được tình trạng bên trên chỉ đạo, bên dưới ngồi lùng bùng “nói thì hay lắm nhưng vào dạy mới biết có làm được không” hay “nói thì ai chẳng nói được, cứ làm đi sẽ thấy”…khi đó, sự chỉ đạo chuyên môn của trường sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, được dự giờ những phó hiệu trưởng thật sự giỏi, giáo viên cũng học hỏi được nhiều tinh hoa của tiết dạy, sẽ là kinh nghiệm quý cho bản thân mỗi thầy cô.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên