Câu chuyện cảm động về những thầy cô góp gạo nuôi học trò nghèo

19/11/2020 06:33
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để các em không trở về với cuộc sống “phá rừng làm rẫy”, các thầy cô đã góp gạo, giữ chân học trò nghèo ở lại với trường, với lớp.

Nằm bao quanh giữa bốn bề núi rừng heo hút, điểm trường Đăk Ka (Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học – trung học cơ sở Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) là nơi ươm mầm cho 23 em học sinh lớp 1 và lớp 2 của ba thôn Văn Xăng, Đăk Ka, Đăk Neng.

Thầy giáo A Phiên chăm lo bữa ăn cho học trò ở điểm trường Đăk Ka. Ảnh: MT

Thầy giáo A Phiên chăm lo bữa ăn cho học trò ở điểm trường Đăk Ka. Ảnh: MT

Do nhà cách điểm trường xa 4-5 km đường gập ghềnh khó đi nên học sinh ở đây thường xuyên bỏ học, ở nhà theo cha mẹ đi rẫy.

Học sinh nào chăm đến lớp thì trưa phải đi bộ trở về nhà ăn cơm vì trường không có bán trú. Từ đấy, đường đến với con chữ của các em càng thêm gian nan.

Sau nhiều lần đến tận bản vận động học sinh trở lại trường, thầy Nguyễn Ngọc Huynh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Đến bản đưa được học trò về trường được 3-4 hôm thì các em lại ở nhà. Vì trường không có bán trú, học sinh không thể nhịn ăn để học xuyên trưa. Mà học xong buổi sáng, buổi trưa về nhà ăn cơm thì chiều các em nghỉ luôn”.

Thương học sinh nghèo khó, các thầy cô trong nhà trường đã quyết định lập quỹ để góp gạo nấu cơm cho học trò ăn trưa. Tùy theo điều kiện của mỗi thầy cô để có mức đóng góp, không bắt buộc.

Vậy là bếp ăn tại điểm trường Đăk Ka được dựng lên đơn sơ trong căn phòng còn bỏ trống. Những bộ bàn ghế cũ được sửa chữa, trang bị thêm chén bát, đũa... để làm phòng ăn cho học trò nghèo.

Gần hai năm nay, được xem là đầu bếp chính của điểm trường, thầy giáo A Phiên chia sẻ: “Sáng sớm, tôi đến điểm trường chính nhận thức ăn mang về điểm trường sơ chế, nấu sẵn.

Khi các em học xong buổi sáng thì vào bếp ăn cơm trưa và tiếp tục học ca chiều. Nhờ vậy mà sĩ số các lớp đều đảm bảo, không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng”.

Năm nay đã ngoài 50, mái tóc đã nhuộm màu nhưng người thầy giáo già vẫn cặm cụi thổi lửa, nêm từng muỗng thức ăn cho học trò.

Thương các thầy cô vất vả, nhiều phụ huynh đi rẫy cũng tranh thủ kiếm đọt măng, bó rau rừng... về nấu cơm cho các em.

“Ngoài giờ dạy thì mình tranh thủ đi lấy thức ăn, nấu ăn cho các em. Công việc bận rộn hơn, vất vả hơn nhưng thấy các em được ăn ngon, đi học đều đặn là mình thấy vui rồi.

Nhớ lại hồi trước, học sinh đến trường là đói lả, cuộc sống gia đình khó khăn nên miếng ăn còn thiếu thốn chứ nói gì đến việc học hành”, thầy A Phiên nhớ lại.

Cùng vào bếp phụ giúp thầy A Phiên chuẩn bị bữa ăn cho đám trẻ, cô Nguyễn Dương Qúy cẩn thận bưng từng dĩa thức ăn còn nóng hổi lên bàn. Bữa cơm của học sinh vùng cao vẫn có đủ canh rau xanh, trứng và thịt.

“Dù khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho các cháu. Những hôm có sự hỗ trợ của các mạnh thường quân thì các cháu có thêm hộp sữa, bánh kẹo. Em nào cũng vui, hào hứng”, cô Qúy cho hay.

Vừa lên nhận nhiệm vụ tại điểm trường Đăk Ka hơn một năm nay nhưng Qúy được học trò ở đây xem như mẹ. Ngoài dạy chữ, dạy hát, dạy vẽ... các em còn được các cô thầy dạy về tình thương yêu, tình thầy trò thắm đượm tình nghĩa.

Ông An Văn Sáu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tu Mơ Rông cho biết, do đời sống còn khó khăn nên nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa vẫn chưa thể học bán trú. Bữa cơm trưa cho các em là nỗ lực và tình yêu rất lớn của các thầy cô dành cho học trò nghèo.

“Chính ‘bếp tình thương’ đã giúp các em bám trụ lại với con chữ, để học hành, sau này còn thoát cảnh nghèo khó.

Hiện nhiều trường còn phát động phong trào các trường nuôi gà, heo để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Chính tình yêu với học trò đã thôi thúc các thầy cô tạo nên những điều trân quý như thế”, ông Sáu nói.

MINH THẢO