Chỉ có những con người ưu tú mới đào tạo ra những con người xuất sắc

01/01/2018 07:07
Thu Phương
(GDVN) - Chất lượng người thầy phải được xem là nhân tố quyết định, là đòn bẩy để phát triển chất lượng giáo dục.

LTS: Lâu nay, câu chuyện về chất lượng người thầy luôn nhận được nhiều sự quan tâm, đánh giá của xã hội.

Mới đây, tại hội nghị Hiệu trưởng các trường sư phạm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nêu quyết tâm, năm 2018, ngành sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất.

Đây được xem như một mệnh lệnh của vị tư lệnh ngành trước thực trạng điểm đầu vào của các trường sư phạm liên tục giảm, có trường chỉ ngang bằng điểm sàn.

Xoay quanh vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được bài viết của tác giả Thu Phương chia sẻ một góc nhìn về người thầy.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến đọc giả.

Giáo viên phải là người giỏi nhất

Cách duy nhất để nâng cao chất lượng nền giáo dục là lựa chọn những giáo viên ưu tú, có trình độ cao.

Những người thầy giỏi sẽ đào tạo ra những học sinh ưu tú. Ảnh: TT
Những người thầy giỏi sẽ đào tạo ra những học sinh ưu tú. Ảnh: TT

Họ phải là người giỏi nhất, thông minh nhất trong mỗi thế hệ, có như vậy mới đảm bảo được việc đào tạo ra được những học sinh ưu tú.

Ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển như: Phần Lan, Ba Lan hay Hoa Kỳ thì việc trở thành nhà giáo là việc vô cùng khó khăn và nhà giáo cần được đào tạo kỹ lưỡng, bài bản.

Chỉ có những con người ưu tú mới đào tạo ra những con người xuất sắc ảnh 2

Học sinh vào học ngành sư phạm phải là những người ưu tú nhất, liệu có khả thi?

Trong khi đó ở nước ta, nhiều người vẫn thường ví von: “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” và thực tế diễn ra hoàn toàn đúng thế.

Rất ít người học giỏi, tài năng lại lựa chọn con đường sư phạm, nhìn vào thang điểm của các trường đại học sẽ thấy các ngành sư phạm được xếp vào top cuối bảng.

Một số trường, thí sinh chỉ qua điểm sàn đã có thể vào học được các ngành sư phạm.

Thậm chí có trường hợp thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn là có thể đậu vào đại học chuyên ngành sư phạm.

3 điểm/môn tức là chỉ là vừa thoát khỏi điểm “liệt” và vẫn còn nằm trong số điểm của học lực yếu (5 điểm là trung bình).

Vậy thử hỏi giáo viên tương lai đó sẽ dạy được gì cho học sinh? Trong khi với số điểm đó thì khi ngồi trên ghế nhà trường người thầy này đang phải đưa vào diện cần "bổ túc kiến thức".

Như chúng ta biết, Phần Lan là quốc gia có nền giáo dục hết sức tiến bộ và phát triển.

Ở Phần Lan, họ hết sức chú trọng đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Phần Lan có những giáo viên chất lượng được đào tạo bài bản, được hưởng lương cao và có vị thế trong xã hội.

Họ lựa chọn những học sinh có học lực xuất sắc nhất, chỉ có khoảng 1/3 số học sinh tốt nghiệp xuất sắc nhất mới được chọn học ngành sư phạm và chỉ có một vài trường nhất định trên cả nước mới được phép đào tạo giáo viên.

Phải có cái nhìn chiến lược về nghề giáo

Vấn đề cần đặt ra lúc này là phải chú trọng đến chất lượng người thầy. Người thầy phải giỏi mới có thể rèn giũa, đào tạo ra được những học sinh giỏi.

Nghề giáo là "thầy của tất cả các nghề" trong xã hội, người thầy phải người giỏi nhất là hoàn toàn đúng đắn.

Nếu như một thầy giáo không giỏi thì làm sao có thể khiến học sinh nể phục, để rèn rũa, định hướng phát triển cho học sinh?

Nhưng làm sao để có được những người thầy giỏi?

Đó là một câu hỏi lớn và cần phải có những kế sách cụ thể, chiến lược cho nghề giáo. Thực tế hiện nay ngành sư phạm không thu hút được người giỏi bởi thu nhập quá thấp.

Chỉ có những con người ưu tú mới đào tạo ra những con người xuất sắc ảnh 3

Bộ trưởng Nhạ nêu quyết tâm, 2018 sư phạm chỉ tuyển những học sinh ưu tú nhất

Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng vì vấn đề "cơm, áo, gạo, tiền" nên khiến cho nghề giáo phần nào giảm đi sự cao quý đó.

Và đặc biệt, nếu người thầy không giỏi thì uy tín của nghề cũng sẽ theo đó mà giảm đi là điều hiển nhiên.

Khi mức lương không cao, quyền lực không lớn thì không người giỏi nào có thể mãi tâm huyết với nghề. Vậy thì phải có một chính sách hậu hĩnh và quyền lợi lớn cho những người làm giáo.

Ở Phần Lan giáo viên được giao “quyền” rất lớn. Họ được tự quyết trong phương pháo giảng dạy, trong việc truyền đạt kiến thức và lựa chọn cách dạy, cách học cho từng học sinh.

Nhưng phải nhìn nhận cho thấu rằng, phải người thầy giỏi thì xã hội mới giám trao quyền cho họ.

Có nghĩa là nó như một vòng tròn: Thầy giỏi thì đưa ra phương pháp và có những định hướng giáo dục hiệu quả và tất nhiên họ phại được những chính sách tốt.

Còn nếu như chính sách tốt, trao quyền lớn mà không có được những người thầy giỏi thì chỉ làm cho nền giáo dục đi vào ngõ cụt mà thôi.

Vậy nên cần phải giải quyết một cách thấu đáo về chính sách đi kèm chất lượng người thầy.

Không thể đào tạo sư phạm một cách ồ ạt, không thể tuyển chọn những người không xuất sắc mà đi học sư phạm.

Chỉ những người giỏi nhất, xuất sắc nhất mới được học ngành sư phạm và phải cho họ những chính sách tốt nhất, những điều kiện tốt nhất để yên tâm giảng dạy và đào tạo.

Thu Phương