Chiếc vali và câu chuyện nghề giáo

06/12/2019 06:20
Chiến Thắng
(GDVN) - Thầy đã từng tham gia nhiều đề tài khoa học cấp Bộ, cấp Nhà nước và góp mặt trong rất nhiều các nghiên cứu khoa học chung với các đối tác nước ngoài.

Tiến sĩ luật học Đào Ngọc Báu, Quyền Trưởng khoa, Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV, thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là một tấm gương nhà giáo trẻ xuất sắc, đi khắp năm châu bốn biển, đem tri thức quay trở về cống hiến cho quê hương, đất nước.

Bên cạnh những bài viết đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế và quốc gia, thầy Báu còn tham gia vào các hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc Hội và các cơ quan nhà nước khác.

Tiến sĩ luật học Đào Ngọc Báu, Quyền Trưởng khoa, Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV (Ảnh: CT).
Tiến sĩ luật học Đào Ngọc Báu, Quyền Trưởng khoa, Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV (Ảnh: CT).

Không chỉ là giảng viên, thầy Báu còn là phiên dịch tiếng Anh và tiếng Trung Quốc cho nhiều đoàn công tác ở trong và ngoài nước.

Với những thành tích của mình, nhiều năm liền thầy Báu được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, đạt giải thưởng giáo viên dạy giỏi cấp Bộ và là một giảng viên được nhiều thế hệ học trò yêu mến.

Từ chiếc vali và câu chuyện nghề giáo

Nhớ về khoảng thời gian năm 2002, do yêu cầu của nghề nghiệp cùng đam mê học ngoại ngữ  đã đưa chàng thanh niên Đào Ngọc Báu đến với nước Úc xa xôi.

Như bao giảng viên trẻ lúc đó, thầy lên đường với ước mơ chinh phục kho tàng kiến thức năm châu với tôn chỉ:

“Đất nước cho mình đi học, phải học thật tốt. Học tốt để quay về cống hiến nhiều nhất cho quê hương mình.

Hành lý mang theo khi du học mình vẫn nhớ như in đó là những cuốn từ điển to và nặng, bởi vì thời đó Internet chưa phát triển như bây giờ nên việc tra cứu và bổ sung kiến thức rất khó khăn và vất vả...”,  Tiến sĩ Đào Ngọc Báu chia sẻ.

Các buổi thầy Báu giảng lớp luôn có một bầu không khí học tập hăng say và vui vẻ quên cả thời gian giải lao (Ảnh: CT).
Các buổi thầy Báu giảng lớp luôn có một bầu không khí học tập hăng say và vui vẻ quên cả thời gian giải lao (Ảnh: CT).

Trong quãng thời gian 8 năm, thầy đã đi đến 04 châu lục với hàng chục quốc gia để nghiên cứu, học tập. Và rồi người thanh niên trẻ quê Hải Phòng khi ấy đã bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ luật học tại Đại học New South Wales, Australia và nhận bằng Tiến sĩ Luật học tại Đại học Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc.

Thời gian ở Trung Quốc, thầy có đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Hội lưu học sinh Việt Nam ở Bắc Kinh (2012-2014) và đã được trao tặng Giải thưởng sao Tháng Giêng của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, được chọn tham gia Trại hè Thanh niên quốc tế - Lãnh tụ tương lai do thành phố Bắc Kinh tổ chức.

Ngoài chuyên ngành chính Luật học, thầy Báu còn theo học một số khóa ngắn hạn về Quản trị nhà nước và Chính sách công ở Viện Nghiên cứu xã hội Hà Lan (ISS) và Cơ quan trụ sở Liên minh châu Âu ở Brussel, Vương quốc Bỉ.

Tất cả những trải nghiệm, kiến thức về văn hóa, lịch sử, giá trị sống… được thầy Báu gói ghém trong chiếc vali trở về Tổ quốc.

Qua từng năm tháng giảng dạy, với thân hình mảnh khảnh thầy Báu tự tin đứng trên bục giảng, rút từ trong kho tàng vô giá của mình hết những trải nghiệm, bài học này tới phương pháp tư duy khác phù hợp với đất nước và con người Việt Nam.

Mặc dù thầy Báu đã trở thành Quyền Trưởng khoa, Khoa Lãnh đạo học và Chính sách công, Học viện Chính trị Khu vực IV nhưng ký ức về 8 năm “viễn chinh” xứ người vẫn ùa về như mới hôm qua.

Thầy Báu luôn hết mình truyền thụ những kiến thức đã trau dồi cho các thế hệ học viên với một lòng nhiệt huyết chưa bao giờ vơi cạn.

“Được đứng trên bục giảng, được làm nghề mà mình yêu thích thì tự năng lượng sẽ sinh ra. Làm gì cũng phải có tình yêu, đặc biệt là yêu nghề”, Tiến sĩ Đào Ngọc Báu trầm ngâm đúc kết.

Nỗi trăn trở hai chữ “Vì Dân”

Những buổi giảng của Tiến sĩ Đào Ngọc Báu trước hội trường có lúc lên tới hơn 700 người về chủ đề “Đạo đức công vụ và văn hoá công sở”.

Thầy Báu có phông kiến thức rất rộng, người học được thầy trao đổi, chia sẻ nhiều nền văn hoá khác nhau, được đi từ châu Âu, trở về châu Á, bay sang châu Úc rồi quay lại Đông Nam Á.

Những bài giảng của thầy Báu đã giúp cho người nghe có cái nhìn tổng quát và khi trở về nơi công tác học viên đã phần nào có sự so sánh và nhận thức khách quan hơn về sự cần thiết phải thực hành đạo đức công vụ và văn hoá công sở.

Lớp thầy Báu dạy hoàn toàn là các cán bộ của nhiều lĩnh vực nhưng vẫn luôn hấp dẫn học viên vì có sự tương tác từ hai phía người học và giảng viên (Ảnh: CT).
Lớp thầy Báu dạy hoàn toàn là các cán bộ của nhiều lĩnh vực nhưng vẫn luôn hấp dẫn học viên vì có sự tương tác từ hai phía người học và giảng viên (Ảnh: CT).

Với thông tin nền tảng do thầy cung cấp, học viên tự đưa ra những kết luận cho riêng mình. Đây là phương pháp giảng dạy cùng tham gia, khác với lối mòn giảng giải, áp đặt của dạy học truyền thống.

“Trước mỗi buổi lên lớp giảng dạy về đạo đức công vụ, tôi luôn trăn trở làm sao để các học viên lĩnh hội được thế nào là sự liêm chính, là vì dân”.

Phải nghe cách Tiến sĩ Đào Ngọc Báu bàn về chữ “Dân” với kí tự Hán ngữ mới thấy được tầm quan trọng hai tiếng “Vì Dân” trong nghệ thuật lãnh đạo.

Từ thời Tống, chữ “Dân” đã được thêm vào một dấu “.” (dấu chấm) bên cạnh, bởi vì trong tiếng Hán dấu “.” còn có nghĩa là “một chút”.

Chữ “Dân” thêm dấu “.” để nhắc nhở quan lại rằng “mỗi vị quan vì Dân, nghĩ đến Dân một chút thì một trăm vị quan với một trăm cái chút cộng lại ắt sẽ tạo phúc cho muôn Dân”. Bài học này vẫn còn giá trị cho đến tận ngày nay.

Phong cách dạy của thầy thực sự là cuốn hút phần nhờ kiến thức của thầy chắc và sâu, phần còn do cách giảng gắn với lấy ví dụ hóm hỉnh.

Những giờ lên lớp, thầy luôn thường trực khơi lên lòng tự hào dân tộc trong mỗi học viên thông qua những mẩu chuyện của người Việt trên khắp thế giới.

Chia tay chúng tôi, thầy nói rất đơn giản nhưng đầy ý nghĩa:

“Với bất cứ nghề nghiệp nào muốn thành công thì phải yêu nghề, khi đó ta mới có cảm hứng với chính mình và có thể truyền cảm hứng ấy cho những người khác. Đối với nhà giáo, yêu nghề còn cần thêm yêu người và yêu quê hương, đất nước, khi đó chắc chắn nghề sẽ không phụ ta”.

Chiến Thắng