Chọn bằng lòng hay trình độ?

19/05/2017 07:53
Sông Mã
(GDVN) - Ngày hôm qua chính những giáo viên này còn đi hỏi bài để lên tiết thao giảng thì hôm nay nghiễm nhiên ngồi ghế chỉ đạo giáo viên phải dạy thế này thế kia...

LTS: Phản ánh những nghịch lý trong ngành giáo dục, tác giả Sông Mã cho rằng công tác quy hoạch, bổ nhiệm hiện nay chủ yếu chọn người theo kiểu bằng lòng hơn chọn trình độ.

Tác giả cũng đề xuất cần tuyển chọn cán bộ trong ngành giáo dục bằng hình thức thi cử minh bạch để đảm bảo chọn được người tài.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới đây, Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật bày tỏ thất vọng về bản dự thảo tiêu chuẩn bổ nhiệm Giáo sư, Phó Giáo sư mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng chức danh Giáo sư nhà nước vừa công bố.

Theo ông Châu, vấn đề khiến nhiều người băn khoăn hiện nay là Giáo sư của Việt Nam không đạt chuẩn quốc tế, không có kinh nghiệm nghiên cứu và công bố quốc tế lại đi thẩm định cho ứng viên đạt chuẩn quốc tế. 

Điều này dẫn đến một nghịch lý là Giáo sư “rởm” xét cho ứng viên Giáo sư thật. (Xã Luận.com)

Nghịch lý này cũng đang tồn tại và xảy ra ở nhiều bậc học khác trong ngành Giáo dục ở nhiều địa phương khi người chỉ đạo chuyên môn trường, phòng, giám khảo các hội thi có trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm chẳng hơn gì thí sinh nếu không muốn nói là kém xa về mọi mặt.

Chọn bằng lòng hay trình độ? ảnh 1
Cần thay đổi cách bổ nhiệm cán bộ trong ngành giáo dục như hiện nay. (Ảnh minh họa: VOV2)

Lên chức vì cơ chế

Đã có một thời gian nhiều trường học khát cán bộ. Tiêu chuẩn được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng đầu tiên phải là đảng viên. 

Thế là, nhiều giáo viên dù chuyên môn rất cứng, phẩm chất đạo đức tốt cũng nằm ngoài danh sách vì thiếu một chút “hồng”. 

Ngược lại, không ít người có “hồng” nhưng lại thiếu "chuyên" như tay nghề chuyên môn non kém bởi nhiều năm ra trường chỉ làm tổng phụ trách, phổ cập giáo dục nay bỗng dưng được đề bạt lên phụ trách chỉ đạo chuyên môn của cả một trường. 

Thế mới có chuyện ngược đời, ngày hôm qua chính những giáo viên này còn đi hỏi bài để lên tiết thao giảng thì hôm nay nghiễm nhiên ngồi ghế chỉ đạo giáo viên phải dạy thế này mà không được dạy thế kia…

Chỉ đạo chuyên môn nhưng chưa qua thực tế

Không ít người chỉ mới tốt nghiệp sư phạm hệ trung cấp ra trường được đưa về phòng giáo dục làm chuyên viên. 

Thế là thay vì về trường cũng phải trải qua 2 năm tập sự bỗng nhiên trở thành người chỉ đạo chuyên môn của cả một huyện với vài chục trường học. 

Chỉ mới vài tháng trước đó, những giáo sinh này còn đi thực tập ở trường, còn đang được giáo viên (chưa nói đến Ban giám hiệu) hướng dẫn cho từng bước lên lớp, cách soạn thiết kế, cách tổ chức các hoạt động dạy học… sao cho hiệu quả. 

Chọn bằng lòng hay trình độ? ảnh 2

5 nghịch lý của nền giáo dục Việt Nam

Thì nay, mỗi lời nói của những vị chuyên viên này đưa ra dù tính hiệu quả không cao, thiếu thực tế thì Ban giám hiệu các trường học cũng phải răm rắp thi hành. 

Họ thiếu thực tế đứng lớp nhưng lại thừa lý thuyết. Bởi thế, việc chỉ đạo chuyên môn của những chuyên viên kiểu này cũng chỉ nửa vời, khó thực hiện.

Nhưng người ta là cấp trên sao mình có thể không thực hiện?”, không ít Ban giám hiệu đã phân trần như thế khi bị giáo viên phản ứng.

Làm giám khảo nhưng chưa bao giờ thi đậu

Ban giám khảo các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi các cấp, người chấm sáng kiến kinh nghiệm của cả huyện thị… không ít người trong số đó chưa bao giờ đi thi, chuyên môn ở trường cũng vào dạng làng nhàng. 

Số người khác đi thi nhưng chưa bao giờ đậu. Những người này (theo cách nói vui của nhiều giáo viên) “bỗng một ngày đẹp trời họ được lên làm lãnh đạo”. 

Thế rồi mỗi khi có hội thi tổ chức, họ nghiễm nhiên được mời làm giám khảo chấm thi

Theo đánh giá của nhiều thầy cô, những vị giám khảo này thường vô cùng khó tính, hay bắt ne bắt nẹt đủ thứ chuyện linh tinh trong tiết dạy mà ít chú tâm đến những điều then chốt như học sinh học thế nào? Các em tiếp thu được gì sau tiết học?…

Chọn bằng lòng hay trình độ? ảnh 3

Nghịch lý tiến sĩ đúng quy trình

Chuyên viên chấm sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy của giáo viên nhưng lại thiếu kinh nghiệm giảng dạy. 

Bởi thế, có không ít sáng kiến được viết bằng chính kinh nghiệm thực tế đã được thực nghiệm trong suốt quá trình dạy học có hiệu quả lại bị đánh rớt một cách oan uổng. 

Ngược lại, một số sáng kiến chỉ là sự copy, sao chép trên mạng lại được đánh giá hay, hiệu quả… gây nên nhiều bất bình cho giáo viên.

Có những nghịch lý trên là do công tác quy hoạch, bổ nhiệm hiện nay trong ngành Giáo dục (nói là làm đúng quy trình) nhưng thực chất vẫn chỉ là “bằng lòng vẫn hơn bằng cấp”. 

Để tránh những chuyện ngược đời như thế rất cần có những cách làm mới như Đà Nẵng đã từng làm tổ chức thi tuyển các chức danh Hiệu trưởng, Hiệu phó, chuyên viên, Phó, Trưởng phòng…để chọn người tài

Có như vậy mới hạn chế được những chuyện buồn xảy ra như đã dẫn trong bài viết.

Sông Mã