Chọn lựa sách giáo khoa, những việc cần làm

06/12/2019 06:46
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Ngay bây giờ, tất cả thầy cô giáo ở trường tiểu học trên cả nước phải tiếp cận được các bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thẩm định, phê duyệt.

Ngày 1/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trước khi ban hành để triển khai sách giáo khoa cho chương trình mới từ năm học 2020-2021.

Các góp ý gửi về Bộ đến hết ngày 30/1/2020.

Việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp (Ảnh minh họa: TTXVN).
Việc lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp (Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo dự thảo thông tư, tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các trường.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông thành lập.

Mỗi trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa, ngoài cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục còn có đại diện giáo viên dạy các môn học, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh trường.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên.

Người đã tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng.

Trên cơ sở đề xuất của hội đồng, người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông ban hành quyết định danh mục sách giáo khoa được lựa chọn sử dụng trong cơ sở.

Cùng đó phải công bố công khai danh mục sách giáo khoa được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là năm tháng.

Nhiều cán bộ quản lý giáo dục, thầy cô giáo cho rằng, dự thảo thông tư trên là kịp thời, chu đáo, dân chủ, khách quan, phù hợp với đặc thù vùng miền và có lợi cho việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian đến.

Hiệu trưởng các trường cân nhắc chọn sách giáo khoa

Bởi lẽ, từng cơ sở giáo dục, giáo viên là người nắm rõ nhất ở từng môn học, bộ quyển sách nào có nội dung bài học, cách diễn đạt, phương ngữ phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, vùng, miền mà học sinh dễ tiếp thu nhất.

Tuy nhiên, để việc lựa chọn sách giáo khoa có hiệu quả thì cần phải làm tốt các vấn đề sau.

Ngay bây giờ, tất cả thầy cô giáo ở trường tiểu học trên cả nước phải tiếp cận được các bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thẩm định, phê duyệt.

Vì vậy, các địa phương, nhà trường chủ động mua đủ số sách giáo khoa về trường, phát cho giáo viên đọc, tham khảo tất cả sách giáo khoa. Thời gian được đọc, lựa chọn, đề xuất càng lâu càng tốt.

Theo dự thảo thông tư, các trường phải công bố công khai danh mục sách giáo khoa được chọn lựa để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ năm tháng.

Như vậy, theo quy định thì đến giữa tháng 3/2020, các trường tiểu học phải hoàn tất xong việc lựa chọn và công bố danh mục sách giáo khoa mới để phụ huynh và học sinh chuẩn bị mua sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021.

Đây là lần tiên các trường tiểu học thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa nên không tránh khỏi những khó khăn, trở ngại nên các Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo từng địa phương cần có văn bản hướng dẫn cụ thể các trường trên địa bàn thực hiện có hiệu quả Thông tư của Bộ; giám sát quá trình thực hiện của hội đồng chọn sách giáo khoa ở cơ sở, đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ các trường quá trình triển khai sách giáo khoa đã chọn.

Đối với các cơ sở giáo dục tiểu học ở nơi kinh tế phát triển, có lực lượng giáo viên đông đảo lại đồng đều về năng lực chuyên môn thì việc lựa chọn sách giáo khoa mới sẽ dễ dàng và thuận lợi.

Nhưng đối với các trường tiểu học nhỏ, lẻ ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, nơi đặc biệt khó khăn, có lực lượng giáo viên khá mỏng, cộng với kinh nghiệm năng lực chuyên môn còn hạn chế thì việc lựa chọn sách giáo khoa sẽ trở nên khó khăn, vất vả nhiều.

Chương trình hay sách giáo khoa quan trọng, Bộ cần định hướng rõ ràng hơn

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong cách chọn sách giáo khoa, không nhất thiết từng trường phải chọn riêng biệt, có thể liên trường, cụm trường, thậm chí các trường trong một phòng giáo dục, một sở giáo dục, thành lập một hội đồng thẩm định, ngồi lại cùng chọn, cùng thống nhất chung.

Làm được thế, lợi ích đủ đường: đỡ tốn công sức, kinh phí; sáng suốt hơn trong lựa chọn sách giáo khoa; cùng chung một hoặc vài bộ sách, quyển sách dùng trong khu vực, địa bàn, phụ huynh học sinh đỡ vất vả khi mua sách…. 

Các trường cần tuyên truyền để các bậc phụ huynh và học sinh hiểu rằng sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo chính, một tài liệu cụ thể hóa chương trình, không còn mang tính pháp lệnh như nhiều người nghĩ như lâu nay.

Chỉ có chương trình khung từng môn mới là văn bản thống nhất trên toàn quốc.

Nội dung các loại đề kiểm tra, đề thi các bậc học, cấp học phổ thông đều kiểm tra kiến thức theo chương trình thống nhất nên học sinh học theo sách giáo khoa nào cũng có đủ kiến thức - kỹ năng để làm bài.

Cuối năm học, nhà trường có thể kêu gọi học sinh tặng lại sách giáo khoa đã học rồi cho thư viện để năm học tiếp theo cấp phát miễn cho các em lớp mới có nhu cầu, nhằm tránh lãng phí sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần.

Một việc rất quan trọng là quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới, cần liên tục, không ngừng nghỉ, vì chương trình, sách giáo khoa có hay đến mấy nhưng giáo viên không được chuẩn bị tốt sẽ khó chuyển tải cái tốt, cái hay đến học trò.

SÔNG TRÀ